Đừng "mượn danh tái cơ cấu" để trồng ồ ạt cây mắc ca

(PLO) - Cùng với hy vọng, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả bền vững của loại cây trồng đang được coi là cây “tỷ đô” có thể làm thay đổi đời sống người nông dân…
GS. Nguyễn Lân Hùng thăm vườn mắc ca của nông dân Lâm Đồng
GS. Nguyễn Lân Hùng thăm vườn mắc ca của nông dân Lâm Đồng
Với hy vọng phát triển được 200.000 ha cây mắc ca, hơn gấp đôi diện tích hiện có của toàn thế giới (trên 10 nước), mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản đề nghị  Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu bổ sung cây mắc ca vào nhóm cây nông, công, lâm nghiệp mũi nhọn cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới. 
Tính đến cuối năm 2014, khu vực Tây Nguyên đã có khoảng 2.490 ha trồng mắc ca, trong đó tỉnh Lâm Đồng 960 ha, Đắk Lắk 800 ha, Đắk Nông 600 ha, Gia Lai 80 ha, Kon Tum 50 ha. Bước đầu mô hình trồng cây mắc ca xen cà phê được người dân đánh giá cho thu nhập cao hơn so với độc canh cây cà phê.
Trước khi Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có đề nghị trên, năm 2013, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 210/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển cây mắc ca. 
Về vốn tín dụng cho giống cây trồng này, ngoài 2 ngân hàng là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đang cho người nông dân vay vốn trồng mắc ca, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostbank) cũng thông báo sẽ thu xếp 22 nghìn tỷ đồng tín dụng cho nông dân Tây Nguyên vay trồng cây này.
Thậm chí, cho người nông dân vay tín chấp với vườn mắc ca thời hạn từ 7 – 10 năm với lãi suất dưới 10%, về lâu dài sẽ cho vay thế chấp bằng vườn mắc ca. 
Tuy nhiên, trả lời báo chí, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp - thận trọng: "Mắc ca có thành “cây tỷ đô” hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu kết hợp từ trồng đến chế biến, tạo ra giá trị gia tăng, như tạo ra cả sản phẩm mỹ phẩm có giá trị gia tăng rất cao thì có thể có hy vọng đưa cây trồng này đạt được mục tiêu đó. 
Còn nếu chỉ trồng và sản xuất thô thì tôi khẳng định không thể đạt được tới mức tỷ USD. Ngay như Australia, năm 2011 xuất khẩu 5.000 tấn quả sơ chế cũng mới đạt có 60 triệu USD. Các sản phẩm mắc ca khác qua chế biến, kim ngạch cũng chỉ đạt 120 triệu USD, dù sau 30 năm, Australia đã có công nghệ chế biến tốt nhất thế giới".
TS. Kiên nhấn mạnh, các cơ quan chức năng phải có nghiên cứu đầy đủ, chính xác nhu cầu tiêu thụ mắc ca thế giới để có dự báo, định hướng cho mắc ca trong nước.
“Theo tôi, người dân cũng không nên phát triển quá nóng cây mắc ca, có thể dành một phần diện tích trồng các loại cây khác như keo, bạch đàn... trước khi có ý định phát triển mở rộng diện tích. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng không có thị trường tiêu thụ, thiệt hại kinh tế lớn.
Nếu có trồng, nên sử dụng phương thức kết hợp xen kẽ với các cây trồng khác ngắn ngày như lạc, đậu... để tăng thu nhập cho diện tích trồng mắc ca” – ông Kiên khuyến cáo.
Tại hội nghị tham vấn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tổ chức gần đây, nguyên Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Hồ Xuân Hùng minh chứng về việc trồng cây mắc ca để phân tích về việc chính sách gắn liền với thực tiễn. 
Ông Hùng nói rằng, việc cố gắng trồng 230.000 ha mắc ca ở Việt Nam, trong đó Tây Nguyên chiếm đến 200.000 ha, không làm cẩn thận sẽ để lại hậu quả rất xấu.
“Để nâng cao giá trị nông sản một cách bền vững, cần có tầm nhìn chiến lược và dự báo thị trường một cách chính xác. Đừng mượn danh tái cơ cấu để lấy mắc ca hay cây, con gì thay thế khi chưa có cứ liệu khoa học” - ông Hùng cảnh báo. 

Đọc thêm