Đừng nghĩ trẻ con không phải chịu áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian gần đây có không ít vụ trẻ vị thành niên tự tử, nguyên nhân các vụ việc luôn là nỗi trăn trở, day dứt khôn nguôi của người thân và xã hội.
Đừng nghĩ trẻ con không phải chịu áp lực

Tháng 6 năm ngoái, bộ phim truyền hình mang tên “Hãy nói lời yêu” phát sóng trên VTV3, cái chết của nhân vật Minh đã gây bàng hoàng cho khán giả khi cậu tự tử vì những áp lực, sự đay nghiến của mẹ. Bộ phim đã nhận được những chỉ trích bởi cay nghiệt với số phận của nhân vật quá nhưng đồng thời đã phản ánh được một hiện thực xã hội rất chân thực. Người mẹ trong bộ phim chịu nhiều bất hạnh chồng ngoại tình, con gái bị lừa khiến tâm lý bà bất ổn và đặt mọi kỳ vọng vào cậu con trai một cách nghiệt ngã. Khi mọi kỳ vọng biến thành sự thất bại trong một kì thi học sinh giỏi, người mẹ oán trách và đổ mọi lỗi lầm lên cậu con trai khiến cậu tìm đến cái chết. Hỏi rằng bà mẹ có yêu thương con không mà lại đè nặng ngần ấy những áp lực lên con? Câu trả lời là có nhưng bà đã yêu thương con sai cách để đến cuối cùng, người đau khổ nhất lại chính là bà.

Câu hỏi đặt ra, cha mẹ có đang quá nghiêm khắc và đặt sai áp lực lên con không?

Ở đâu đó, có ai đó trả lời cho câu hỏi này là có. Nhiều ông bố, bà mẹ đặt kì vọng lên những đứa trẻ của họ trở thành những nhân tố xuất chúng trong xã hội, khoác lên mình những tấm huy chương, đáp ứng những mong mỏi trở thành tương lai của đất nước hay đơn giản hơn là có những thành tích có thể đem khoe. Nhưng họ có thể không nhận ra rằng họ đang đặt áp lực lên những đứa trẻ.

Nhiều cha mẹ Việt Nam đều sa vào những vấn đề như lấy điểm số để đánh giá kết quả học tập, lấy thi cử để đánh giá kiến thức, cho rằng việc thúc đẩy con vào trường chuyên lớp chọn là cách tốt nhất cho con. Không thể nói rằng cha mẹ không yêu thương con cái của họ nhưng dường như họ đã yêu thương sai cách, những thứ họ nghĩ là tốt cho con cái thực chất lại không tốt như họ tưởng, những thành tích cũng không phải thứ đảm bảo cho một tương lai hạnh phúc của những đứa trẻ.

Trước hành động của những học sinh trong các vụ việc vừa qua, nhiều người lại đặt ra câu hỏi liệu người trẻ hiện nay có yếu đuối hơn thế hệ trước hay không? Trong khi những ông bố, bà mẹ từng trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước còn chưa thống nhất, cuộc sống mưa sinh vất vả hơn bây giờ rất nhiều, vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng ít khi có những hành động tiêu cực như vậy. Phải chăng thiếu thốn vật chất sinh ra mạnh mẽ về tinh thần, còn đầy đủ vật chất hình thành nên một tinh thần dễ bị tổn thương?.

Hãy thử nhìn lại bối cảnh xã hội hiện nay, giới trẻ có cơ hội tiếp cận với một thế giới ngập tràn thông tin trên internet, bối rối khi không được hướng dẫn phân biệt hay chọn lọc thông tin. Đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh trong hai năm qua, thế giới của con trẻ bị thu gọn lại trong học hành và quanh quẩn trong ngôi nhà của mình, không được giao tiếp nhiều với thế giới xung quanh, phải chịu áp lực học hành dẫn đến trở nên cộc cằn, không kiềm chế được và không biết chia sẻ cảm xúc…

Theo kết quả đánh giá nghiên cứu trên diện rộng, tỷ lệ học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh COVID-19 rất đáng quan ngại, trong đó có 65% có biểu hiện stress và 23% nghĩ đến việc tự tử. Và trên các phương tiện truyền thông, những hình mẫu “con nhà người ta” được ngợi ca khiến những đứa trẻ càng bị kỳ vọng nhiều hơn. Không chỉ những áp lực từ phía cha mẹ, chính con trẻ cũng nảy sinh ra áp lực đồng trang lứa.

Người lớn đều từng là trẻ con nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng đặt mình trong suy nghĩ của những đứa trẻ. Chúng không chịu những áp lực mưu sinh, vật chất, tiền bạc nhưng vẫn có vô số những áp lực vô hình đè nặng trên đôi vai.

Những áp lực chắc chắn sẽ không thể nào bị xoá bỏ hoàn toàn nhưng khoảng cách giữa cha mẹ và con cái chắc chắn có thể được thu hẹp lại khi cha mẹ dành sự cảm thông, chia sẻ cùng con.

Cha mẹ trước hết cần tự giải toả áp lực của mình trước khi đối diện với con cái, tránh để “áp lực chồng áp lực”, “giận cá chém thớt” mỗi khi trở về nhà. Thay vì những áp đặt thành tích, điểm số và cứng nhắc với suy nghĩ đang dành những gì tốt nhất cho con, cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu với con nhiều nhất có thể, vì họ không thể vẽ lên thế giới của con trẻ mà chỉ là người hỗ trợ giúp các em tự làm điều đó.

Đọc thêm