Ai cũng biết, cách đây hơn chục năm, khi Nghị quyết 32 năm 2007 đánh dấu việc bắt đầu quy định đội mũ bảo hiểm bắt buộc một cách toàn diện đối với người đi xe mô tô, gắn máy, đã từng có rất nhiều ý kiến phản đối chấp hành như: Vướng víu, bất tiện, thậm chí là vin vào cả những “luận cứ khoa học” như không tốt cho đầu, xương sống, dễ gây gãy cổ…
Cộng đồng xã hội đều biết, sở dĩ Nghị quyết 32 ra đời vì tình hình tai nạn giao thông ngày càng gia tăng. Tai nạn giao thông đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, là thảm họa quốc gia.
Rồi, gần đây hơn một chút là đợt tuyên truyền về dừng đèn đỏ không đè vạch chuyện tưởng như rất nhỏ mà không hề nhỏ với an toàn giao thông. Việc phân làn, kẻ vạch tại các nút tín hiệu giao thông có hệ thống đèn là để “nắn dòng” giới hạn việc dừng xe nhằm điều tiết giao thông một cách thông suốt và đảm bảo cho người đi bộ qua đường an toàn.
Nhưng, nếu để ý có thể thấy, tại các giao lộ có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nhiều người tỏ ra khó chịu khi được cảnh sát giao thông yêu cầu họ lùi xe về dưới vạch dừng. Khó chịu nhưng vẫn phải chấp hành vì sự an toàn chung của toàn xã hội.
Đó là những câu chuyện của ngày cũ nhắc lại, còn giờ đây, với rất nhiều người dắt xe máy ra đường mà không có chiếc mũ bảo hiểm trên đầu là thấy không yên tâm, thiếu an toàn. Tương tự, đèn đỏ bật sáng, cả hàng xe đều dừng đều dưới vạch, nhờ thế các luồng giao thông gọn gàng, ngay ngắn và người đi bộ yên tâm qua đường.
Nói thế để thấy vấn đề nhận thức và ý thức là rất quan trọng. Có được nhận thức thì sẽ hình thành ý thức và khi đã có ý thức thì nhận thức sẽ ngày càng nâng cao hơn. Với câu chuyện bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn xâm hại trong gia đình và xã hội cũng tương tự như vậy.
Ở một phiên tòa, cha mẹ quyết liệt tranh giành quyền nuôi con trước mặt thẩm phán, ai cũng thể hiện rằng mình mới chính là người cho đứa trẻ cuộc sống tốt nhất, tuổi thơ yên bình nhất. Nhưng rồi khi tòa kết thúc, cha một hướng, mẹ một ngả bỏ lại con thơ bơ vơ chốn công đường, không biết tìm cha mẹ ở đâu.
Cũng có phiên tòa, cha ra tòa quyết đòi nuôi con nhưng nào đâu thấy mặt mũi cha tại tòa mà chỉ có người đại diện lạnh lùng, hoặc nếu có thì cũng không hề nhìn vào mặt con suốt thời gian tại tòa, nói gì đến yêu thương, ôm ấp…
Rồi những phiên tòa về bạo lực gia đình, đứa con bé nhỏ run rẩy kể lại với hội đồng xét xử những vết sẹo trên người mình và căn nguyên hình thành. Vết này mẹ bật lửa đốt, vết kia cha dùng thắt lưng đánh bật cả máu tươi...
Cha chém vào đầu mẹ, con nhỏ lao tới chìa bàn tay bé nhỏ ôm lấy mẹ để che chở, đổi lại mấy ngón tay con gần lìa dưới nhát dao oan nghiệt của cha. Ra tòa, cha thản nhiên: “Tại nó thích bảo vệ mẹ nó nên tự chịu thôi!”.
Cha xâm hại con gái trong nhiều năm liền, mẹ biết mà im lặng, ra tòa thay vì ăn năn cha biện hộ: “Ai bảo nó cứ phổng phao sớm”, mẹ ngậm ngùi: “Lên tiếng bảo vệ con thì mình ăn đòn, thôi kệ”… Câu chuyện của những đứa trẻ tại tòa, đau đớn tận cõi lòng!
Ở đời, không ai có quyền chọn cha mẹ cho mình, nhưng cha mẹ thì có quyền lựa chọn sinh con hay không và sẽ cho con cuộc đời như thế nào. Đa phần các bậc làm cha mẹ đều khẳng định họ sẵn sàng dành mọi điều tốt đẹp cho con cái nhân danh tình yêu. Nhưng trớ trêu thay, những điều tốt đẹp ấy rất nhiều khi không xuất phát từ mong muốn của trẻ và cũng không vô điều kiện như câu nói đầu môi của những bậc mẹ cha.
Có bao giờ bạn lắng nghe con mình nói, có bao giờ bạn hỏi ý kiến con, có bao giờ bạn làm theo nguyện vọng của con từ chuyện ăn, chuyện ngủ khi con còn bé cho đến chuyện chọn trường, chọn lớp khi đã lớn hơn và chọn vợ, chọn chồng khi con đã trưởng thành?
Với nhiều người, trả lời câu này thật sự là khó. Bởi văn hóa Việt Nam đề cao đạo hiếu đối với cha mẹ, nhưng sự lạm dụng đạo hiếu lại dung dưỡng cho những hành vi độc hại của bậc phụ huynh. Những hành vi độc hại của cha mẹ thường được ngụy trang bằng những lý lẽ: Cha mẹ đã nói là đúng, thương cho roi cho vọt, tất cả những gì cha mẹ làm là vì thương con…
Con cái bị xem là vật sở hữu của cha mẹ, bị áp đặt phải nghe theo ý nguyện của cha mẹ. Việc phản ứng lại những hành vi vô lý của cha mẹ hay chọn rời xa những người thân độc hại để có cuộc sống riêng cho mình có thể bị xem là bất hiếu và cứ thế bất hạnh trở thành vòng tròn khép kín, bủa vây cuộc đời đứa trẻ không lối thoát. Thế nên, chẳng phải vô tình khi là luật quốc tế lẫn luật quốc gia đều nhấn mạnh cụm từ “quyền trẻ em”, quyền được sống an bình, quyền được bảo vệ, quyền được lắng nghe, được hỏi ý kiến…
Vẫn biết rằng, cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình nuôi dạy con cái là bình thường. Nhưng ở đời hơn nhau ở sự nhận thức và ý thức. Như câu chuyện ở đèn đỏ kia với những chiếc mũ bảo hiểm trên đầu và bánh xe không đè vạch.
Đừng để tai nạn giao thông xảy ra khiến nhiều người sáng đi tối không thể trở về. Đừng để con trẻ bị xâm hại bởi chính những đấng sinh thành ra chúng, bởi chính những bến bờ mà chúng tin tưởng gửi gắm cuộc đời mình. Để rồi sự mất mát, nỗi đau tinh thần, thể xác mãi mãi không gì có thể bù đắp nổi…