'Đừng quá yên tâm khi con ở trong nhà của bố hay mẹ đẻ mình'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đầu tháng 2/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Một vấn đề đặt ra là khung tiêu chí nào để bảo vệ trẻ em trong các gia đình có bố mẹ ly hôn, bởi thực tế cho thấy không ít trẻ ở hoàn cảnh này bị ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe nặng nề?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trẻ dễ gặp rủi ro khi cha mẹ có bạn đời mới

Năm 2004, Giáo sư tâm lý người Canada Martin Daly đã thực hiện nghiên cứu và kết quả cho thấy trẻ em sống cùng cha mẹ kế có nguy cơ bị ngược đãi, lạm dụng cao hơn so với ở trong gia đình bình thường. Cụ thể, bố dượng có nguy cơ sát hại đứa trẻ sống cùng mình cao gấp 8 lần so với cha đẻ. Trong khi đó, mẹ kế có khả năng làm điều tương tự cao hơn mẹ ruột gấp 3 lần.

Trước đó, vào những năm 80, Giáo sư Martin Daly đã nghiên cứu cái chết của 700 trẻ em Canada và phát hiện những đứa trẻ được cha mẹ kế nuôi dưỡng có nguy cơ bị bạo hành cao hơn so với ở cùng gia đình bình thường hoặc chỉ sống với bố hoặc mẹ. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng Cinderella” - thuật ngữ do Giáo sư Canada Martin Daly đặt ra. Theo ông, mặc dù đây là chủ đề đau lòng, mọi người cần đề phòng những rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ nhỏ khi cha mẹ các em tìm bạn đời mới vì “tình cảm và lòng tốt cha mẹ kế dành cho con riêng không phải lúc nào cũng được coi là điều đương nhiên”, ông nói.

Tại Việt Nam, trước nhiều sự việc những đứa trẻ bị người tình của cha, mẹ bạo hành, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, nguyên nhân do bố hoặc mẹ sau khi ly hôn ít có thời gian quan tâm tới con. Họ cho rằng nếu tòa đã phán quyết rằng đứa con ở với bố hay với mẹ, thế là trách nhiệm nuôi dạy con thuộc về “người kia” nên bản thân mình yên tâm. Hơn nữa, sau ly hôn, nhiều người mải đi tìm cho mình cuộc tình duyên mới, say sưa với mối tình hay cuộc hôn nhân sau, quên rằng mình đã có con và nó đang không ở với mình. Hiện nay trẻ em cũng không được an toàn khi ở trong nhà của bố hay mẹ đẻ của mình. Vì vậy, người không nuôi con cũng đừng quá yên tâm, hãy để mắt, quan tâm đến con, thăm hỏi, quan sát, nhạy cảm để nhận ra những thay đổi ở con, kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, tránh trường hợp trẻ bị bạo hành trong thời gian dài mà không ai biết.

Trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung tại Cục Trẻ em chiều 8/2/2022, báo cáo Bộ trưởng về những vấn đề nổi lên trong năm 2021 mà Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận được, bà Nguyễn Thuận Hải phụ trách Tổng đài cho biết, vấn nạn xâm hại và bạo lực trẻ em trong năm 2021 tăng cao hẳn so với năm 2020, với 625 ca Tổng đài phải can thiệp, xử lý. Trong đó, trẻ bị bạo lực trong gia đình chiếm tỷ lệ nhiều nhất, tới 75%, tăng cao hơn rất nhiều.

Để trẻ có môi trường nuôi dưỡng an toàn

Đầu tháng 2/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL, ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, tiêu chí ứng xử giữa cha mẹ với con, ông bà với các cháu là gương mẫu, yêu thương. Cha mẹ, ông bà phải làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói, có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu; quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con, cháu khi con cháu còn nhỏ, khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân… Vấn đề đặt ra là “năng lực thực thi” của Bộ tiêu chí sẽ như thế nào khi bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình nói chung và trong gia đình có bố mẹ ly hôn nói riêng?

Theo bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, tỷ lệ ly hôn, ly thân tại các gia đình trẻ ngày càng nhiều. Ở một số gia đình sau ly hôn, trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe nặng nề. “Ở các gia đình “rổ rá cạp lại”, bên cạnh trách nhiệm nuôi dạy con của bố mẹ, người thân cũng phải có trách nhiệm quan tâm, để ý đến cuộc sống của trẻ, xem trẻ có được sống an toàn, đảm bảo không? Nếu có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, gia đình cần có biện pháp như thay đổi quyền nuôi con, hoặc báo cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời can thiệp, không để những vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra”, bà Hồng kiến nghị.

Trong buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Cục Trẻ em vừa qua, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhận định, vừa rồi, các vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, có thể thấy nổi lên một vấn đề là do việc trẻ được giao cho những người chăm sóc không đủ điều kiện mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được, không phát hiện được, không điều chỉnh được. Đơn cử như việc trẻ phải sống với người tình của bố, mẹ sau khi gia đình tan vỡ, trẻ sống ở những cơ sở nuôi dưỡng chưa được cấp phép, như Tịnh thất Bồng Lai... Theo ông Nam, vấn đề này cần tính lại, sao để đảm bảo những môi trường nuôi dưỡng trước hết là phải an toàn với trẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để ngăn chặn bạo lực với trẻ em phải hỗ trợ, can thiệp ngay từ khi có nguy cơ, chứ không chờ xảy ra rồi mới giải quyết. “Nếu xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phải xử lý nghiêm, tiến hành thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời, không có vùng cấm đảm bảo “5 nhất”: phát hiện vụ việc sớm nhất, điều tra nhanh nhất, xử lý kịp thời nhất, xử lý nghiêm nhất và hỗ trợ nhanh nhất”, Bộ trưởng yêu cầu. Theo Bộ trưởng, ở nước ngoài nếu bố mẹ bạo hành trẻ em có thể bị tước quyền nuôi con vĩnh viễn, nên Cục Trẻ em cần chủ trì, phối hợp rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em xem nội dung gì cần sửa đổi, bổ sung báo cáo để kịp thời tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo vệ trẻ em ở mức cao nhất.

In số Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 lên bìa sách giáo khoa

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác giáo dục quyền trẻ em, hay thông tin về Tổng đài Quốc gia chăm sóc trẻ em số 111 cần phải đưa vào nhà trường, cần bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa thông tin in lên bìa sách giáo khoa, đồ chơi... “Tôi mong muốn khi xảy ra bất kỳ vấn đề nào về trẻ em, các em gọi điện ngay cho Tổng đài 111, khi có nghi vấn bạo hành, xâm hại trẻ em những người xung quanh ngay lập tức gọi điện cho Tổng đài 111 để kịp thời can thiệp, hỗ trợ các em”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói về vấn đề nổi lên trong năm 2021 của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111, bà Nguyễn Thuận Hải phụ trách Tổng đài cũng cho biết, khó khăn trong hoạt động của cơ quan này chính là đầu mối thông tin, can thiệp tại cơ sở. “Hệ thống của chúng tôi có cơ sở dữ liệu để kết nối tới cán bộ ngành LĐ-TB&XH, tới Phó Chủ tịch Thường trực UBND cấp xã, số của công an, Hội Phụ nữ… Nhưng hầu hết các trường hợp đều phải kết nối cùng lúc 4-5 đầu mối mới tính được hướng can thiệp, hỗ trợ trẻ. Khả năng làm việc của cán bộ tại cấp cơ sở còn hạn chế” - bà Hải cho biết.

Đọc thêm