Câu chuyện giá lợn hơi bị đẩy lên cao chót vót vừa tạm lắng, lại xảy ra tệ trạng giá lợn hơi “xuống dốc không phanh”, nhưng lợn thành phẩm vẫn “cố thủ” không chịu giảm giá.
Chiều qua (22/10), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi người chăn nuôi, người tiêu dùng, ổn định sản xuất.
Theo một lãnh đạo Bộ Công Thương, trung bình 100kg lợn hơi thu được khoảng 55-60kg thịt lợn thành phẩm. Mọi người nhẩm tính, nếu giá lợn hơi cao nhất hiện nay là 38 ngàn đồng/kg, thì giá lợn thành phẩm lẽ ra cũng chỉ 76 ngàn đồng (chưa tính các chi phí khác như lao động, xét nghiệm, vận tải, chi phí cho người buôn đến lò mổ, cho lò mổ, cho người lấy thịt từ lò mang đến chợ…).
Thế nhưng, thực tế giá lợn thành phẩm ngoài thị trường lên tới 130 ngàn đồng/kg, thậm chí một số loại lên tới hơn 200 ngàn/kg. Nói cách khác, chi phí cho các khâu trung gian chiếm tới 1 nửa giá mỗi ký lợn thành phẩm.
Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và nguồn cung dồi dào, thế nhưng cả bên cung và cầu đều không được lợi gì. Nông dân vẫn phải bán lợn với giá rẻ, người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt lợn với giá cắt cổ, chỉ các khâu trung gian là rủng rỉnh, ung dung “sống chết mặc bay, tiền thầy đút túi”.
Tại cuộc họp do Chính phủ tổ chức, đại diện Bộ Công Thương vẫn chỉ đưa ra giải pháp chung chung, mơ hồ rằng: “Cần tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh nhằm tránh tình trạng thiếu thông tin, gây bất ổn thị trường, tăng cường hiểu biết của người tiêu dùng đối với thị trường, giá cả mặt hàng thịt lợn”. Nói như vậy là hời hợt, đổ lỗi vô lý, chưa làm tròn trách nhiệm của cơ quan chức năng.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm thịt lợn đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. “Việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết bởi ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước”, ông nói rõ.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất – nhập khẩu thịt lợn; kịp thời xử lý những vi phạm.
Về phía Bộ NN&PTNT, phải tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Bộ GTVT rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng một số nơi “cát cứ”, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt thống nhất trên toàn quốc; không để gian thương đổ lỗi cho “chi phí vận tải”.
Với những chỉ đạo chính xác “chỉ tận tay, day tận trán” như trên, người dân tin rằng những “khoảng tối” trong lĩnh vực phân phối thịt lợn trên thị trường sẽ sớm được làm rõ; những bất hợp lý sẽ không còn tồn tại. Ngành Công Thương cũng cần xem lại cách điều hành trong lĩnh vực này, đừng quản lý theo kiểu chỉ biết kêu gọi, nài nỉ “sói ơi, đừng ăn thịt cừu”.