Đừng quên lời Bác Hồ dạy, “đối với nhân dân phải kính trọng và lễ phép“

(PLO) - Hình ảnh một cán bộ công an thái độ bặm trợn tuyên bố cởi áo để đánh nhau với dân, một nhà giáo dùng lời lẽ miệt thị, tát gãy răng, không cho học sinh vào lớp, đã khiến chúng ta bận tâm. Bác Hồ đã dạy, đối với dân phải kính trọng và lễ phép, đó là bài học không bao giờ được quên đối với mỗi chiến sỹ công an nói riêng hay với công chức nói chung. 
Mỗi chiến sỹ công an phải giữ hình ảnh của mình trong mắt nhân dân
Mỗi chiến sỹ công an phải giữ hình ảnh của mình trong mắt nhân dân

Một cán bộ về hưu cạnh nhà tôi thốt lên: “Những hành động đó phản cảm và cường quyền đó đang trở thành mối nguy hại cho đạo đức cán bộ, tạo nên tiền lệ xấu về phong cách đối thoại với dân, coi dân không ra gì”.

Người thầy, đó là một công việc nặng nhọc, ngoài việc truyền thụ kiến thức còn uốn nắn nhân cách con người. Những đứa trẻ đến trường khi mà tinh thần còn hiếu động, nhân cách chưa vẹn toàn, thầy cô giáo phải chịu nhiều sức ép để rèn một đứa trẻ thành một học trò biết vâng lời.

Nhưng khi cô giáo "ăn thua" với học sinh, lớn tiếng miệt thị chúng: “Chị chỉ cần nói như vậy là tôi biết bố mẹ chị là cái loại gì rồi, bố nào con đấy, rau nào sâu đấy', rồi đuổi học sinh ra khỏi lớp 5 tuần nay mà không thông qua giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường, thì coi như đó là cách hành xử côn đồ, vượt xa chuẩn mực người thầy: Nghiêm khắc và yêu thương học sinh.

Đó là cách giáo dục phản nhân bản, đẩy học sinh rời xa mái trường, rời xa tri thức và tình yêu thương và có thể biến nó thành một con người khác.

Bắt học sinh uống nước lau bảng, trừng phạt bằng cho bạn khác tát vào mặt, coi thường học sinh…nó sẽ gieo mầm cho học sinh cách nhìn xã hội theo hình thức “trả thù”. Lớn lên quá khứ trừng phạt đó sẽ ám ảnh chúng và khi một sự việc xảy đến, ứng xử bạo lực sẽ được chọn lựa đầu tiên thay bằng cách hòa giải, đối thoại.

Nhưng thông tin bạo lực đến từ người đáng ra phải cần mẫu mực, cần một cách ứng xử hài hòa, có chuyên môn với công dân khiến chúng ta lo lắng: Nếu cách ứng xử vô văn hóa như vậy thì ai còn tìn vào cán bộ nữa?

Đã có cán bộ công an dùng nhục hình bị bắt, và khi một cán bộ công an đang thực thi nhiệm vụ tuyên bố như côn đồ: “Láo mới dạy được mấy ông... Còn thích thời gian, địa điểm à? Thích không, cởi đồ chỗ nào?", thì cách ứng xử đó đã vượt xa chuẩn mực và chuyện “công an đánh dân đã không còn ngoại lệ”.

Có thể người dân sai, nhưng không thể thách thức người dân “láo mới dạy được mấy ông”. Người cán bộ lúc đó đã không còn tư cách mặc quân phục nữa rồi.

Nghề nhà giáo, công an là nghề tiếp xúc hằng ngày với công an, người dân thì không phải bao giờ cũng đúng, cũng tốt, nhưng không thể nhìn thấy cái sai của họ để mình ứng xử theo hình thức “chợ búa”. Cái chuẩn mực, tác phong của thầy giáo, công an đã được đào tạo, có chuyên môn và phải vận dụng nền tảng đó để biết “lạt mềm buộc chặt”.

Một nhà giáo nhục mạ học sinh rằng “cha nào con nấy”, một công ăn “hẹn lịch với dân để đòi ăn thua” thì ranh giới biến thành “một kẻ côn đồ” đã cận kề. Khát khao của chúng ta xây dựng một nhà nước pháp quyền sẽ bị suy giảm, dân chúng sẽ nhìn vào đó để mất niềm tin.

Để xảy ra sự lạm quyền trong cách đối thoại với người dân như thế phải chăng chúng ta giao cho họ quá nhiều quyền lực?

Tất nhiên, những thông tin đó vẫn chỉ là cá biệt, còn quá nhiều điều tốt đẹp diễn ra xung quanh chúng ta. Tuy nhiên, khi những điều cá biệt xuất hiện cần phải lên án, để loại trừ hoàn toàn khỏi một trường phát triển. Vì nếu coi đó là “chuyện bình thường” thì se tiếp tục nuôi dưỡng nó, nó sẽ là mối nguy cho đất nước.