Khoảng 6h30 ngày 7/3, tàu chở hàng SH3 từ Bắc vào Nam, khi đến thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, xảy ra va chạm với ôtô bảy chỗ. Tàu SH3 làm ôtô lật úp khiến bé trai 1 tuổi tử vong tại chỗ, cha mẹ cháu bé bị thương nặng. Tại hiện trường, chiếc xe hơi bị tàu hỏa ủi đi lật úp bên đường móp méo, dấu máu tang thương còn vương trên sơn trắng.
Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình (Quảng Ngãi) cho biết vị trí xảy ra vụ tai nạn có gác chắn, đèn tín hiệu giao thông. Theo vị này, lúc xảy ra tai nạn, trạm chỉ có một nữ nhân viên gác chắn túc trực là người phụ nữ 30 tuổi và “vụ tai nạn xảy ra một phần vì nhân viên gác chắn kéo xuống hơi chậm so với quy định”.
Thế nhưng xem clip do camera an ninh gần khu vực ghi hình lại, người ta thấy lời nói của vị lãnh đạo trên là không chính xác. Trước khi đoàn tàu lao đến, con đường băng ngang đường sắt không có người qua lại, chiếc xe hơi bị nạn cũng đi bình thường chứ không phóng nhanh vượt ẩu hay “bò như rùa”. Nguyên nhân là barie hoàn toàn không được kéo xuống, dù đèn đỏ báo hiệu có nháy. Suốt clip gần một phút kể từ khi chiếc xe băng ngang đường sắt, đoàn tàu lao đến ủi chiếc xe đi, rồi xình xịch chạy qua, không thấy nhân viên đường sắt nào chạy tới kéo barie xuống.
Một số ý kiến cho rằng người lái xe cũng có lỗi khi đến đoạn giao nhau với đường sắt mà không đi chậm lại “nghe ngóng” xem có tàu đến hay không; rằng tài xế không nhìn đèn; rằng tài xế không mở cửa xe hơi căng tai nghe ngóng tiếng động đoàn tàu.
Nói như vậy chỉ là có lý một phần nào đó. Đây là đoạn đường giao nhau với đường tàu mà tầm nhìn bị nhiều nhà cửa và vật khác che khuất, nên ngành đường sắt mới làm gác chắn, dù có đi chậm gần như ngừng lại quan sát cũng bị khuất tầm nhìn. Thế nên ở những nơi có gác chắn, thì việc có kéo barie xuống hay không là yếu tố quan trọng nhất để tránh tai nạn xảy ra. Trong vụ tai nạn này, lỗi trước tiên thuộc về nhân viên ngành đường sắt.
Cục Đường sắt ngay sau đó đã có văn bản yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt (VNR) khẩn trương phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan. VNR phải có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với công an điều tra vụ tai nạn trên, cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ công tác điều tra theo quy định; khẩn trương tổ chức tìm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Cục Đường sắt cũng yêu cầu VNR chấn chỉnh ngay công tác đảm bảo trật tự đường sắt, siết chặt quy định với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như lái tàu, trưởng tàu, gác chắn đường ngang, trực ban chỉ huy chạy tàu...; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong công tác quản lý, bảo trì, đảm bảo chất lượng cầu đường. Đặc biệt, đội ngũ lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung trên các tuyến đường sắt phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy trình tác nghiệp kỹ thuật và nồng độ cồn khi lên ban làm nhiệm vụ.
Dù sao sự cố đau thương cũng đã xảy ra. Cần xử nghiêm, đừng dối trá quanh co để bi kịch không lặp lại lần nữa. Đó mới là điều quan trọng.