Ngày 2/5/1964, lực lượng đặc công biệt động bằng sự mưu trí và dũng cảm đã lập chiến công vang dội khi đánh chìm chiến hạm USNS Card (còn gọi là tàu Ca-đơ) của Mỹ ngay tại cảng Sài Gòn. Ít ai biết rằng, những tài liệu và vũ khí phục vụ trong trận đánh ấy từng được cất giấu trong một hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Đặc công, đó là “miếu thờ” (số đăng ký 29-Đ-1) của chiến sĩ biệt động Lâm Sơn Náo (Ba Náo) (SN 1936, quê ở huyện Nhà Bè, TP HCM).
Năm 1962, qua sự giới thiệu của cô ruột, ông Náo thoát ly theo cách mạng, chính thức trở thành chiến sĩ đội 65 Biệt động đặc công Sài Gòn - Gia Định.
“Miếu thờ” biệt động Ba Náo giấu vũ khí đánh tàu sân bay Mỹ tại Bảo tàng Đặc công |
Tàu chiến USNS Card là loại tàu sân bay hộ tống của hải quân Hoa Kỳ được đưa vào tham chiến năm 1942. Con tàu này được ca ngợi là là “Thiết giáp hạm”, đã liên tục dự nhiều trận đánh, nhất là trong việc chống tàu ngầm Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới 2.
Năm 1959, USNS Card được hoán cải thành loại tàu chuyên chở máy bay chuyên dụng của hải quân Hoa Kỳ, vận tải hàng loạt phương tiện chiến tranh đến miền Nam Việt Nam phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược.
Làm công nhân cảng Sài Gòn nên biệt động Ba Náo tìm cách tiếp cận cầu cảng và nhiều lần luyện tập việc di chuyển trong đường cống ngầm dưới sân cảng. Rút kinh nghiệm từ lần đánh hụt tàu US Core vào tháng 12/1963, Ba Náo đã cải tạo bốn khối thuốc nổ TNT (20kg/khối), thành hai khối và yêu cầu chi viện thêm 4kg thuốc nổ C4, tăng cường thêm 10 cục pin dẹt (loại 4.5V/cục) hai chiếc đồng hồ tốt nhất và hai nụ xòe (loại nụ khi giật là nổ ngay) nhằm đề phòng trục trặc.
Đây là quyết định táo bạo bởi trong lúc làm nhiệm vụ người thực hiện nhiệm vụ có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Để ngụy trang che mắt địch, các tài liệu chế tạo và vũ khí được Ba Náo cất giấu trong miếu thờ đặt tại nhà, ngay cả người thân cũng không biết.
Tối ngày 1/5/1964 được tin tàu USNS Card cập cảng Sài Gòn, Ba Náo cùng đồng đội là Nguyễn Phú Hùng (Hai Hùng) bàn kế hoạch đánh tàu. Khi ra giữa sông, bị tàu tuần tra của cảnh sát đuổi theo, Ba Náo và Hai Hùng chèo về bờ Thủ Thiêm, đẩy xuồng vào bãi sình. Tàu cảnh sát không vào được, phát loa gọi ra, khi đó ở trên bờ dân vệ nghe thấy cũng chạy ra đòi kiểm tra.
Tình huống thật nguy kịch. Trước tình huống tiến thoái lưỡng nan, Ba Náo nhanh trí nói đang đi mua radio lậu từ tàu nước ngoài, đã trả tiền trước, nếu lấy được sẽ chia cho hai nhóm. Nghe được chia phần, đám cảnh sát trên tàu đồng ý, còn rọi đèn pha cho hai người qua và đậu giữa sông canh chừng hải quân.
Lúc 2h sáng ngày 2/5/1964, hai trái mìn khối lượng 80kg và 8kg thuốc nổ C4 được cài xong, thời gian điểm hỏa được ông Náo rút ngắn vào 3h sáng cùng ngày. Xong việc, cả hai chèo xuồng quay lại bờ Thủ Thiêm, tàu cảnh sát vẫn chờ đòi chia phần. Để thoát thân, ông Náo viện lý do không lấy được hàng, hối lộ cho cảnh sát với dân vệ gần 2.000 đồng rồi chèo xuồng về nhà chờ.
Đúng 3h sáng ngày 2/5/1964, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng cả Ba Náo và Hai Hùng đều giật mình khi nghe tiếng nổ lớn, chiếc tàu chiến dài hơn 150m, nặng trên 16.000 tấn chở 39 phi cơ và vũ khí các loại đã bị đánh chìm ở độ sâu 6m, thành tàu bị phá bề ngang 2m, chiều dài 8m, nước tràn nhanh làm 2/3 thân tàu bị chìm hẳn dưới đáy, 5 tên địch trên tàu thiệt mạng và 55 tên khác bị thương, nhiều máy bay, vũ khí trên tàu đều bị phá huỷ.
Trận đánh tại bến cảng Sài Gòn làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Trận đánh được chuẩn bị chu đáo, chỉ với hai chiến sĩ biệt động đã thắng lợi giòn giã, mở ra kinh nghiệm đánh tàu ở bến cảng cho đặc công và lực lượng vũ trang ta.
Con tem “Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đánh đắm bến cảng Sài Gòn” |
Hình ảnh tàu USNS Card được in trên con tem của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với dòng chữ “Hàng không mẫu hạm của Mỹ bị đánh đắm bến cảng Sài Gòn”. Lâm Sơn Náo là chiến sĩ Việt Nam duy nhất trên thế giới dùng vũ khí thông thường đánh chìm tàu sân bay của Mỹ.
Tháng 2/1967 do bị chỉ điểm, biệt động Ba Náo bị địch bắt giải về Tổng Nha Cảnh sát chế độ Sài Gòn. Địch tra tấn dã man hòng tìm ra căn cứ và mạng lưới của Biệt động Sài Gòn nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, quyết không khai báo.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, Ba Náo cùng nhiều tù chính trị khác bị đưa ra Côn Đảo, giam ở khu “chuồng cọp” bị đoạ đầy cả về tinh thần lẫn thể xác, sau đó phải trải qua nhiều năm tháng ở “địa ngục trần gian”.