Dừng xử phạt xe vi phạm quá tải trọng trục: Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo.

(PLO) - Việc dừng xử phạt xe vi phạm quá tải trọng trục, chỉ xử phạt xe vi phạm tổng tải trọng, những trường hợp quá tải trọng dưới 10% cũng đề nghị không xử phạt... đó là những quy định mới, được các doanh nghiệp vận tải ủng hộ như một biện pháp kịp thời tháo gỡ, vướng mắc. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại liệu việc kiểm soát tải trọng có được duy trì, đảm bảo sự công bằng giũa các doanh nghiệp vận tải?
Thay đổi cụm trục và mâm kéo của là biện pháp đưa xe SMRM vào quy chuẩn
Thay đổi cụm trục và mâm kéo của là biện pháp đưa xe SMRM vào quy chuẩn

Dừng xử phạt trọng tải trục

Ngày 1/4/2014 cho đến nay, việc kiểm soát trọng tải xe đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, quá trình triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe còn phát sinh nhiều khó khăn, bất cập và diễn biến phức tạp, ý thức chấp hành các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn kém; doanh nghiệp, cá nhân tự ý cải tạo, cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải...

Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải đã nêu lên những vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó, bất cập nhất hiện nay chính là cách tính tải trọng xe theo đầu trục. Việc làm này trên thực tế triển khai quá phức tạp, gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và chủ xe., bởi việc phải phân bổ đều tải trọng hàng hóa trên các trục xe để khi kiểm tra không bị vượt quá tải trọng. Đại diện các doanh nghiệp cũng kiến nghị nên kiểm tra tổng tải trọng của xe, xử phạt xe quá tải theo tổng tải trọng chứ không theo từng trục.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xử phạt xe vi phạm quá tải trọng trục, chỉ xử phạt xe vi phạm tổng tải trọng. Ngoài ra, những trường hợp quá tải trọng dưới 10% cũng đề nghị không xử phạt.

Quan điểm của Bộ GTVT là siết chặt quản lý kinh doanh vận tải nhưng phải thúc đẩy thị trường vận tải phát triển, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động. Những quy định nào còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất thì chưa tiến hành xử phạt. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, nếu để xảy ra tiêu cực trong công tác quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô. Cục Đăng Kiểm Việt Nam sẽ hướng dẫn, điều chỉnh và tạo điều kiện hết sức có thể để cho các doanh nghiệp thực hiện thuận lợi nhất, hướng tới một loại  sơ mi rơ moóc (SMRM) chuẩn ở Việt Nam

Tháo gỡ cho doanh nghiệp

Theo Cục Đăng kiểm VN, số lượng SMRM chở container được phép điều chỉnh thiết kế như trên gồm 3.465 xe loại 2 trục và 3.640 xe loại 3 trục. Sau khi điều chỉnh, xe loại 2 trục sẽ được chở với tổng tải trọng tối đa 33 tấn, còn xe 3 trục là 38 tấn. Giải pháp này sẽ đưa ra môt quy chuẩn hóa tải trọng các SMRM, tăng tổng tải trọng được phép chở, mà không bị phạt khi cân trọng tải từng trục, đáp ứng yêu cầu chở container theo tiêu chuẩn quốc tế (3.048 kg) và nhất là giải quyết được tình trạng mỗi SMRM một kiểu thiết kế theo yêu cầu của mỗi doanh nghiệp như trước đây.
Cán bộ đăng kiểm hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi các trục xe SMRM
 Cán bộ đăng kiểm hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi các trục xe SMRM

Cụ thể, điều chỉnh thay đổi vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của xe SMRM, để đảm bảo xe SMRM không còn vi phạm trọng tải trục sau khi điều chỉnh giá trị khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông. Thời gian các SMRM điều chỉnh từ tháng 7/2014 cho đến trước ngày 31/12/2014.

Đối với các xe SMRM không thực hiện thay đổi,sau ngày 31/12/2014 sẽ chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo giá trị trước đây, tức là nếu không điều chỉnh trước ngày 31/12/2014 thì các SMRM khi qua trạm cân sẽ vẫn bị phạt trọng tải từng trục như trước đây.

Để đáp ứng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng thuận tiện trong việc điều chỉnh cụm trục và chốt kéo, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết: “ Để thực hiện thay đổi vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục của SMRM, các doanh nghiệp, chủ phương tiện nên tham khảo các mẫu SMRM , bản vẽ mẫu do Cục đăng kiểm công bố để điều chỉnh thay đổi. Sau khi điều chỉnh xong, đưa xe đến các đơn vị đăng kiểm để kiểm tra nghiệm thu.”

Bên cạnh việc đưa các mẫu xe SMRM, các văn bản hướng dẫn tại các trạm đăng kiểm cũng như cổng thông tin của Cục đăng kiểm, giúp doanh nghiệp hiểu và nắm rõ hơn về việc điều chỉnh, Cục đăng kiểm còn cung cấp phần mềm tính toán hướng dẫn việc tính toán cụ thể các loại xe SMRM khác nhau. 
Đây là phần mềm dễ hiểu, ai cũng có thể tính toán được, chỉ cần điền các thông số kỹ thuật, phần mềm sẽ tự động đưa ra con số cần điều chỉnh theo quy chuẩn. Hiện có trên 30 doanh nghiệp đăng ký cải tạo thay đổi kết cấu của các loại SMRM không hợp quy chuẩn. Ông An cho biết thêm.

Doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn lo

Sau khi Bộ GTVT chính thức ra văn bản ngày 10/7/2014 đồng ý việc điều chỉnh tăng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông và ra “tối hậu thư” cho các doanh nghiệp sửa đổi vị trí chốt kéo, cụm trục đến hết ngày 31/12/2014… các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong cả nước đã ủng hộ và coi đây là một giải pháp hợp lý, đáp ứng nhu cầu mong muốn của doanh nghiệp vận tải.

“Giải pháp này rất đúng lúc và cần thiết trong lúc này, không những “cởi trói” cho hoạt động của SMRM tham gia giao thông, không còn phải lo bị phạt khi qua các trạm cân. Tăng trọng tải lên 10% cũng là một giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Hiện tại Cục đăng kiểm có những văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết để điều chỉnh xe SMRM, doanh nghiệp cứ thế mà thực hiện.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong Bộ GTVT phải chỉ đạo quyết liệt và duy trì được việc kiểm soát trọng tải xe một cách triệt để, đảm bảo cho sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Bây giờ mời các xe chạy quá tải cũng chẳng có ai dám chở, hiện tại đã được phép chở tăng trọng tải lên 10% và thay đổi kết cấu cho phù hợp chuẩn thì chở hàng không phải lo lắng gì cả.” Ông Lê Văn Tiến, chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng chia sẻ.

Ông phó giám đốc công ty TNHH Xuân Trường 2 tâm sự: "Nếu Bộ GTVT mà làm quyết tâm, triệt để như thế này, doanh nghiệp chúng tôi nhất trí và ủng hộ vì quá đúng đắn. Những doanh nghiệp như chúng tôi tuân thủ chạy theo đúng trọng tải cho phép, trong khi đó vẫn còn những doanh nghiệp chạy quá trọng tải cho phép, tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp. Nhưng bây giờ tất cả đã định hướng phải theo một cái chuẩn thì bình đẳng như nhau giữa các doanh nghiệp. Tránh được sự tiêu cực trên đường và những bức xúc của doanh nghiệp."

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì cũng có những nỗi lo lắng từ một số doanh nghiệp, ông Hứa Song Hỷ, giám đốc công ty TNHH Song Toàn, đơn vị chuyên vận tải hàng siêu trường, siêu trọng cho biết: “Hiện tại, Bộ GTVT đã tạo điều kiện tháo gỡ cho việc tải trọng của xe và hướng dẫn thay đổi xe SMRM cho hợp chuẩn, đó là điều rất tốt cho các doanh nghiệp nhưng thực hiện xong liệu có duy trì được như thế này không? 
Việc kiểm soát trọng tải đã mấy tháng rồi nhưng vẫn còn nhiều xe chở quá tải chạy ầm ầm mà chẳng sao, như vậy những doanh nghiệp chấp hành như chúng tôi thiệt thòi quá, chẳng mấy chốc công ty phá sản. Việc Cục đăng kiểm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể vào chuẩn rồi, nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố tình chạy quá tải, khi chạy trên đường mà được sự làm “ngơ” của lực lượng chức năng thì quá bất công.
Một mình Bộ GTVT làm không thể được, mà cần phải có sự quyết liệt từ phía công an giao thông, nếu không sẽ mang lại sự bức xúc giữa các doanh nghiệp và việc kiểm soát trọng tải sẽ là “đánh trống bỏ dùi”."./.

Đọc thêm