Đường đời cơ cực của 'nữ hoàng điền kinh' từng giành 18 HCV

(PLO) - Đường chạy vinh quang tràn ngập tiếng cười bao nhiêu thì cuộc đời của  cựu “nữ hoàng điền kinh chân đất” một thời Trần Thị Soa lại gian truân bấy nhiêu.
Bà Soa bên một chiếc cúp kỷ niệm một thời huy hoàng của mình
Bà Soa bên một chiếc cúp kỷ niệm một thời huy hoàng của mình

Những ngày này, khi người hâm mộ thể thao đang vui mừng trước thành tích của đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam và đoàn thể thao Việt Nam tại đại hội thể thao Châu Á Asiad, thì “nữ hoàng điền kinh” một thời Trần Thị Soa (65 tuổi, ngụ khối 3, phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An) lại có chút chạnh lòng.

Bà tâm sự, thể thao, đặc biệt là môn thể thao “vua” ngày nay nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ. “Đó là nguồn động viên lớn cho các vận động viên, nhờ vậy mà đời sống của các vận động viên tốt hơn rất nhiều so với thời chúng tôi. Ngày xưa, lúc tôi nhận được huy chương vàng, phần thưởng chỉ là cân đường, bộ quần áo, vài lạng len. Vẫn biết rằng mỗi thời mỗi khác nhưng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn người, nghĩ đến mình”.

Không chạnh lòng sao được khi 6 năm theo đuổi bộ môn điền kinh, cô gái trẻ Trần Thị Soa đã giành được 18 huy chương vàng. Bà là đại diện Việt Nam tham gia Olympic Moscow 1980 và gây tiếng vang lớn. Bảng thành tích xuất sắc của Soa khiến nhiều người bất ngờ, nể phục. Nhưng điều chạnh lòng là thời trẻ huy hoàng bao nhiêu, thì hiện tại của bà lại khổ cực bấy nhiêu.

“Cô gái mở đường” có sức chạy vô địch

Sinh ra tại mảnh đất Can Lộc (Hà Tĩnh) trong một gia đình nghèo, tuổi thơ của bà vất vả hơn khi sớm chịu cảnh mồ côi mẹ. Mẹ mất khi người em út mới 8 tháng tuổi nên bà phải thay mẹ chăm sóc đàn em thơ. Người phụ nữ ấy vẫn nhớ như in những đêm thức trắng vì em ốm đau, khóc ngặt vì khát sữa; những lần phải bế cả em lên núi chăn trâu, kiếm củi, nai lưng ngoài đồng.

Cuộc sống khốn khó khắc nghiệt khiến lúc nào cũng buộc bà “chạy”, không được phép đi bộ nhàn nhã. Điều đó vô tình giúp bà có thể lực tốt, sự dẻo dai hiếm có.

Năm 21 tuổi, khi các em lớn hơn một chút, cô gái trẻ quyết định viết đơn xin tham gia thanh niên xung phong. Ngày ấy, Trần Thị Soa được tổ chức biên chế về Tổng đội 40, đơn vị P18, đóng quân trên địa bàn các huyện Can Lộc và Đức Thọ thuộc tỉnh Hà Tĩnh, có nhiệm vụ xây dựng đập Cu Lây và cầu Thọ Tường để ngày ngày thông tuyến cho xe đưa bộ đội cùng vũ khí, khí tài và lương thực vào chiến trường miền Nam.

Những ngày tham gia phục vụ chiến trường, Soa được đồng đội phát hiện khả năng đặc biệt là chạy rất nhanh. Nhiều khi đang làm đường cho xe qua mà nhận được báo động có máy bay địch, bao giờ bà cũng là người chạy nhanh nhất trong nhóm. Cũng từ đó bạn bè gắn cho cái tên Soa “điền kinh”. Bà không ngờ rằng, cái tên ấy đã vận vào cuộc đời mình. 

Năm 1972, khi tỉnh Hà Tĩnh tổ chức giải việt dã, bà là cái tên đầu tiên được mọi người đề cử tham gia. Không giày, không tất bảo vệ, chỉ với đôi chân trần, bà cứ nhằm thẳng chạy theo bản năng và cán đích đầu tiên. Sau thành công đó, Soa được triệu tập vào đội tuyển quốc gia. Dù thời điểm đó bà phải tập trung vào nhiệm vụ chính là phá bom địch, ít có thời gian tập luyện nhưng Soa cũng “ẵm” luôn giải á quân, trở thành một hiện tượng lạ với giới chuyên môn. 

Giờ đây, tài sản lớn nhất của “nữ hoàng điền kinh” một thời là những tấm huy chương
Giờ đây, tài sản lớn nhất của “nữ hoàng điền kinh” một thời là những tấm huy chương  

Những năm sau, vẫn là “cô gái mở đường”, chỉ được tập trung huấn luyện theo các đợt ngắn hạn, nhưng VĐV Trần Thị Soa liên tục đột phá, nhanh chóng trở thành “chân chạy” nữ hay nhất nước. Trong vòng 6 năm, từ 1974 đến 1980, bà đều đăng quang một cách tuyệt đối trên đường chạy việt dã quốc gia.

Thế mạnh của Soa là các nội dung 800m, 1500m và 3000m. Với bảng thành tích xuất sắc, Trần Thị Soa đã đứng đầu bảng vinh danh trong cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 1978. Một năm sau, bà vinh dự được tham dự Olympic Moscow tại Liên Xô (cũ) và gây ấn tượng đặc biệt với thành tích tốt. 

Chia sẻ về bí quyết thành công, bà Soa cười nói: “Nỏ có (không có - PV) bí quyết chi cả. Có thể vì sống trong cảnh khổ cực, suốt ngày lên rú kiếm ăn đã rèn cho tôi sự chịu khó, sức bền. Hơn nữa, đã không bước vào đường chạy thì thôi, chứ mỗi khi nhập cuộc, tôi đều phấn đấu hết mình, quyết tâm thắng”.

Điều đặc biệt là trong quá trình thi đấu, bà Soa chủ yếu chạy chân đất. Chia sẻ về lý do này, bà nói lúc đầu vì hoàn cảnh, không có tiền mua đôi giày. Về sau, vì quen với việc đi chân đất nên không thể xỏ giày vào thi đấu. Cũng chính vì thế mà mỗi khi kết thúc cuộc thi, 10 ngón chân bà đều rớm máu, lòng bàn chân phồng lên vì rộp, bỏng.

“Có đợt, xong giải thi đấu tôi cũng không đi lại được, phải nằm nghỉ nhiều ngày vì các đầu ngón chân sưng tấy. Đau đớn là vậy nhưng mỗi khi được tham gia giải đấu mới tôi lại dốc toàn sức vào thi đấu”, lời bà Soa. 

Nhớ lại những ngày tháng vinh quang, bà Soa tâm sự, mang tiếng là vận động viên đi thi đấu nhưng toàn ăn mỳ hột, chứ thực đơn không đầy đủ như bây giờ. Ngày đó, phần thưởng dành cho người vô địch chỉ là cân đường, bộ quần áo và vài lạng len.

Hiện tại cơ cực

Dù đang đỉnh cao sự nghiệp, nhưng là phụ nữ, bà Soa vẫn phải lấy chồng, sinh con. Cũng từ đó, cái tên Trần Thị Soa lùi dần vào lãng quên. Khép lại quá khứ đỉnh cao với những tấm HCV và cờ hoa, lời ca tụng, bà Soa lao vào cuộc sống cơm áo gạo tiền. Không bằng cấp, trầy trật mãi bà mới xin được công việc để mưu sinh. Dù đó chỉ là làm lao công, tạp vụ giường, nhổ cỏ, tưới nước trên sân vận động Vinh.

Nhưng đó chưa phải là tất cả khốn khó mà người phụ nữ này phải gánh chịu. Năm 1981, vợ chồng bà sinh hạ được một bé trai khôi ngô, kháu khỉnh. Niềm vui ấy chưa được bao lâu thì tai ương đột nhiên giáng xuống. Lên 7 tuổi, sau trận ốm thập tử nhất sinh, tứ chi đứa trẻ mềm oặt ra rồi teo tóp dần…và cuối cùng nằm một chỗ. Trước tình cảnh khó khăn, người chồng đành bỏ công việc lái xe, ở nhà chăm nuôi con. Từ đó, 5 miệng ăn của gia đình đều đổ dồn lên đôi vai, đôi chân trần bà Soa. 

Nữ hoàng điền kinh Trần Thị Soa ngày còn thi đấu
Nữ hoàng điền kinh Trần Thị Soa ngày còn thi đấu

Con ốm nên bao nhiêu công sức, tiền bạc bà khó nhọc kiếm được đều đội nón ra đi. Cực nhất là mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau, người mẹ ấy lại tất tả đưa con đến bệnh viện chữa trị. Ngày trước thức đêm bế em khóc thương mẹ, thì sau này bà lại phải trải nghìn đêm trắng trông con, khóc thương chính mình.

Than thân trách phận thế thôi, nhưng người phụ nữ can trường ấy chưa bao giờ gục ngã, mà luôn nỗ lực đứng lên. Năm 2009, sau gần 30 năm chịu đựng, người con ấy đã mãi ra đi. Lo hậu sự cho con xong, bà lại tất tả quay lại với công việc thường nhật, đi dọn tạp vụ, bán vé bóng đá ngoài cổng sân vận động Vinh, cọ rửa nhà vệ sinh, giữ xe để kiếm thêm thu nhập.

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ nằm phía sau CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An, bà Soa trầm ngâm: “Mẹ con tôi ở thế này thôi nhưng bị “đuổi” ra khỏi nhà khi nào cũng không biết. Bởi, mảnh đất này, gia đình tôi chưa làm được giấy tờ”.  

Giờ đây, trong căn nhà nhỏ, gia tài lớn nhất của cựu vận động viên điền kinh một thời là chiếc cúp kỷ niệm ngày nào và những tấm huy chương. Ngồi mân mê chiếc cúp, bà nói: “Đây là tài sản còn sót lại sau nhiều năm cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Đó mãi là ký ức đẹp trong tôi”.

Hiện tại khổ cực nhưng bà không bao giờ hối tiếc khi đã dâng trọn quãng đời đẹp nhất của mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cho nền thể thao nước nhà. Với bà, những hồi ức thể thao vẫn luôn sống động, là động lực giúp bà vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống. 

Điều đặc biệt là dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng niềm đam mê thể thao vẫn luôn rực cháy trong bà. Bà tâm sự, hầu hết các giải đấu bà đều tranh thủ thời gian theo dõi, cổ vũ hết mình cho những vận động viên trẻ. 

Mẹ mất khi người em út mới 8 tháng tuổi nên bà phải thay mẹ chăm sóc đàn em thơ. Người phụ nữ ấy vẫn nhớ như in những đêm thức trắng vì em ốm đau, khóc ngặt vì khát sữa; những lần phải bế cả em lên núi chăn trâu, kiếm củi, nai lưng ngoài đồng. Cuộc sống khốn khó khắc nghiệt khiến lúc nào cũng buộc bà “chạy”, không được phép đi bộ nhàn nhã.

Điều đó vô tình giúp bà có thể lực tốt, sự dẻo dai hiếm có. Những ngày tham gia phục vụ chiến trường, Soa được đồng đội phát hiện khả năng đặc biệt là chạy rất nhanh. Nhiều khi đang làm đường cho xe qua mà nhận được báo động có máy bay địch, bao giờ bà cũng là người chạy nhanh nhất trong nhóm. Cũng từ đó bạn bè gắn cho cái tên Soa “điền kinh”. Bà không ngờ rằng, cái tên ấy đã vận vào cuộc đời mình.

Đọc thêm