Ông “Kim Ngọc” của ngành xây dựng?
Ông Phạm Minh Thông (trú tại 33 Lưu Quang Thuận, Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, trở về Nam năm 1975 và trở thành Giám đốc Cty hợp doanh Đà Nẵng. Nhận thức được tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI về phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ông và ban lãnh đạo công ty đã ban hành Quy chế hoạt động kinh doanh đặc thù: “Lời được hưởng, lỗ tự chịu khi các đội xây dựng và công trường nhận khoán đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và công ty. Đội và công trường tự chủ về tài chính, công ty không can thiệp vào tài sản riêng của họ”. Quy chế được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chấp thuận cho phép áp dụng từ năm 1992. Nhờ cơ chế thông thoáng nên công ty đã phất lên, khẳng định mình bằng những công trình có tầm vóc lớn. Trong cộng đồng doanh nghiệp, ông Thông được đánh giá là người táo bạo, đi trước một bước so với đồng nghiệp và gọi là ông “Kim Ngọc” của ngành xây dựng.
Nhưng với cách làm mới chưa có tiền lệ, ông đã vướng vào vòng lao lý, bị xử tù hơn 16 năm với 2 tội danh: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lí kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản XHCN. Nhưng sau 4 năm cải tạo, ông được tha tù trước hạn 11 năm và được xóa án tích. Ông được nghỉ hưu và tham gia nhiều hoạt động xã hội: Hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, Chi hội trưởng người cao tuổi TP Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam...
Con đường giải oan chông gai
Ông Thông tâm sự: “Tôi đã 80 tuổi đời, có 51 năm tham gia hoạt động cách mạng. Những việc gì tôi đã làm sai thì tôi chịu, nhưng có những điều oan khuất tôi muốn được làm sáng tỏ để khi chết cũng được nhẹ lòng. Nhiều người thân và bạn bè khuyên tôi việc đã qua rồi, quan tâm làm gì, cứ thư thái sống vui một ngày là thêm được một ngày. Chẳng ai bới chuyện cũ cho ông nữa được đâu! Nhiều khi chán nản, tôi cũng muốn quên chuyện cũ. Nhưng rồi lại thấy cái sai sờ sờ mà không sửa. Tôi không muốn mang theo một nỗi oan vào một kiếp khác. Đó là lý do tôi ôm đơn đến gõ cữa các cơ quan chức năng từ nhiều năm nay”.
Trong đơn gửi Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, ông Thông đề nghị kháng nghị phần dân sự trong Bản án 601/2001/HSPT ngày 25-26/10/2001 như sau: Tại Biên bản làm việc ngày 21/2/2001, giữa kiểm sát viên VKSND Đà Nẵng và kế toán trưởng Cty hợp doanh Đà Nẵng đã xác nhận số tiền 1,8 tỷ đồng ông Thông ký ứng nhận từ quỹ công ty do Hoàng Thị Thảo làm thủ quỹ đã được công ty thu hồi lại trước khi bị bắt bằng 13 chứng từ. Cụ thể: Tại công trình 15B Quang Trung, công ty đã thu hồi 355 triệu đồng, tại công trường Nhà máy Xi măng Hải Vân đã thu hồi 921 triệu đồng, tại công trình đường Bắc - Nam đã thu hồi 530 triệu đồng.
Thế nhưng tại Bản án 601/2001/HSPT ngày 25-26/10/2001, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng quyết định tuyên buộc ông Thông phải bồi thường cho công ty số tiền 3,6 tỷ đồng (trong đó có cả số tiền 1,8 tỷ đồng đã được công ty thu hồi đủ). Nhưng HĐXX Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã không trừ cho ông Thông khoản tiền này khi tuyên án. Điều này gây oan ức cho ông Thông.
Từ nhiều năm nay, ông Thông đã gửi rất nhiều đơn kêu oan đến các cơ quan thực thi pháp luật nhưng chỉ nhận được thông báo “đơn đã chuyển đến…” chứ chưa có một cơ quan chức năng nào xem xét lại dấu hiệu oan sai. Và theo hướng dẫn của các phiếu chuyển đơn của các cơ quan nhà nước mà ông Thông đã gửi đơn đến kêu oan thì đơn vị có trách nhiệm xem xét oan sai cho ông chính là VKSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Hiện ông Thông đã làm đơn đề nghị hai cơ quan có thẩm quyền nói trên xem xét.
Ngày 7/8/2015, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có Giấy xác nhận số 66/GXN-VC2 gửi ông Thông với nội dung: “Về việc đề nghị Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 601/HSPT ngày 26/10/2001 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã có hiệu lực pháp luật. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ tiến hành xem xét đơn đề nghị, kháng nghị theo quyết định của pháp luật”. Vậy nhưng cho đến thời điểm này đã hơn 120 ngày trôi qua, ông Thông vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả giải quyết. Còn về phía TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, ngày 8/12/2015 đã có thông báo cho ông Thông như sau: “TAND\Cấp cao tại Đà Nẵng nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo của ông Phạm Minh Thông đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 601/HSPT ngày 25/10/2001 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) theo thủ tục Giám đốc thẩm. Kính chuyển Vụ Giám đốc kiểm tra số 1-TANDTC để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”.
Kiến nghị kêu oan của ông Thông vẫn được chuyền qua lại giữa các cơ quan chức năng, chưa biết đến bao giờ mới được xem xét.