Trượt lần một
Báo PLVN nhận được đơn của một số Chi hội trưởng Hội Nông dân (HND) thuộc xã Tân Lâm, huyện Di Linh phản ánh việc bầu cử Chủ tịch HND của xã này vào chiều 13/11/2015 diễn ra không vô tư, không khách quan và thiếu dân chủ. Tân Chủ tịch HND xã Tân Lâm là bà Phạm Thị Dung không được tín nhiệm, nhưng với sự “nâng đỡ” của ông Bí thư Đảng ủy xã Vũ Hồng Phúc, bà Dung đã trúng cử vào chức danh Chủ tịch HND khiến nhiều người bức xúc và bất bình.
Trước buổi bầu cử, bà Phạm Thị Dung, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Tân Lâm được giới thiệu vào chức danh Chủ tịch HND xã Tân Lâm với biểu quyết 10/10. Chiều 13/11/2015, cuộc bầu cử chức danh Chủ tịch HND xã Tân Lâm chính thức diễn ra với thành phần gồm: Ông Nguyễn Xuân Hinh, Chủ tịch HND huyện Di Linh; ông Vũ Hồng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm; ông Vũ Văn Quỵnh, Chủ tịch MTTQ xã Tân Lâm và ông K’Brối, Phó Chủ tịch HND xã Tân Lâm. Ban Chấp hành gồm 10 người đều có mặt.
Theo đơn trình bày, tổng số phiếu phát ra là 10, tổng số phiếu thu về là 10. Kết quả kiểm phiếu, bà Phạm Thị Dung chỉ được 5/5 phiếu bầu, tức không đủ điều kiện trúng vào chức danh Chủ tịch HND xã Tân Lâm. Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lâm cho rằng: “Căn cứ cuộc họp của Ban Chấp hành HND lấy phiếu tín nhiệm cho đồng chí Phạm Thị Dung, biểu quyết đồng ý 10/10, sao hôm nay lại như thế này? Nếu không đạt kết quả bầu cử ngày hôm nay, cuộc bầu cử không thành công, chúng tôi sẽ bị kiểm điểm, do vậy chúng ta hôm nay phải bầu lại”. Sau đó ông Phúc tự đi làm phiếu để yêu cầu bầu lại. Ông Nguyễn Xuân Hinh, Chủ tịch HND huyện Di Linh phát biểu, dựa vào đặc thù từng vùng, người chưa là đảng viên vẫn có thể làm được Chủ tịch HND xã chứ không nhất thiết phải là đảng viên như bà Phạm Thị Dung.
Ông Bùi Ngọc Hãn, Chi hội trưởng HND thôn 6, xã Tân Lâm nêu quan điểm: “Việc biểu quyết và lấy phiếu kín hoàn toàn khác nhau. Bỏ phiếu kín mới thực sự trung thực, đúng tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi. Vì Đảng ủy nói rằng Chủ tịch HND phải là đảng viên nên chúng tôi mới biểu quyết cho đồng chí Phạm Thị Dung. Chứ đúng tâm tư của chúng tôi là đưa đồng chí Phó Chủ tịch K’Brối lên làm Chủ tịch HND”.
“Do quán triệt của lãnh đạo buộc chúng tôi phải làm theo. Kết quả lần hai là 6/10 phiếu bầu cho bà Phạm Thị Dung. Nhưng chúng tôi thấy rằng cuộc bầu lần hai là không dân chủ. Chúng tôi phải đưa người mà chúng tôi không tín nhiệm lên làm Chủ tịch HND. Đây chính là vấn đề gây bức xúc và mâu thuẫn giữa một số anh chị em trong Ban Chấp hành”, đơn nêu.
Tân Chủ tịch Hội Nông dân bị nhận xét gì?
Liên quan đến nội dung phản ánh trên, phóng viên đã liên lạc và được ông Nguyễn Xuân Hinh, Chủ tịch HND huyện Di Linh xác nhận: Do bà Phạm Thị Dung không trúng cử, chỉ đạt 50% số phiếu ủng hộ nên ông Vũ Hồng Phúc có chỉ đạo phải bầu lại. Bầu lần hai thì bà Phạm Thị Dung được 6 phiếu ủng hộ, 4 phiếu không ủng hộ. Nhân sự là do xã giới thiệu, lựa chọn, còn HND huyện chỉ hiệp y, thống nhất khi đủ các điều kiện theo quy định.
Được biết, tại biên bản đánh giá công chức năm 2014, nhận xét về bà Phạm Thị Dung, một số ý kiến cho rằng: “Đối với lớp đàn em đối xử chưa tốt, chưa mềm mỏng, việc chấp hành giờ giấc chưa nghiêm, hay vắng mặt, tính tình hay nóng nảy, trong công tác nữ công chưa quan tâm thăm hỏi anh chị em trong cơ quan; chưa nhiệt tình trong công tác, tinh thần phối hợp chưa có, ứng xử chưa tế nhị…”.
Dư luận đặt câu hỏi, với một người hầu như không được tín nhiệm vì phần khuyết điểm trội hơn phần ưu điểm, nếu để cuộc bầu cử chức danh Chủ tịch HND xã Tân Lâm diễn ra vào ngày 13/11/2015 được tiến hành khách quan, công bằng, dân chủ thì liệu bà Phạm Thị Dung có trúng cử?
Trước những phản ánh trên, Báo PLVN đề nghị UBND huyện Di Linh cùng các cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh làm rõ những nghi vấn xung quanh cuộc bầu cử chức danh Chủ tịch HND xã Tân Lâm.