Đường hoa Nguyễn Huệ nối Tết xưa đến Tết nay

(PLO) - Trước Tết vài tháng, từ khi ý tưởng, phối cảnh của đường hoa Nguyễn Huệ được công bố, là người Sài Gòn đã bắt đầu háo hức, bàn tán về đường hoa, như một dấu mốc báo hiệu Tết sắp đến rồi. 
Ảnh: VnExpress

Những ngày 25, 26 Tết, khi đường hoa đã hoàn thành nhưng chưa chính thức mở cửa đón khách tham quan, không ít người dân đã đến quanh đường hoa để "nhìn ngắm" xem đường hoa năm nay có gì mới, có gì lạ trong niềm háo hức. Và giáp Tết, khi đường hoa chính thức mở cửa cũng chính là lúc Tết đã đến, xuân đã về, dù bận rộn, người Sài Gòn cũng phải diện đẹp để đến đường hoa chụp hình, đón xuân.

Cho đến cuối thế kỉ 20, đường Nguyễn Huệ nối với bến Bạch Đằng vẫn là một con đường buôn bán hoa Tết sầm uất, là chợ hoa Tết chính của Sài Gòn xưa. Trước Tết, thuyền chở hoa dập dờn nhuộm thắm cả bến sông. Sau giải phóng, cùng với nhịp phát triển của TP, người dân TP mong muốn được gầy dựng lại một bến hoa lộng lẫy tươi đẹp ngày xuân.

Với ý tưởng đó, năm 2004, chính quyền TP đã quyết định thực hiện đường hoa Tết đầu tiên ngay trên đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường trung tâm và đẹp nhất Sài Gòn, nối từ bến Bạch Đằng đến trụ sở UBND TP HCM. Những năm đầu tiên, con đường hoa xuân tuy chưa thực sự hoàn mỹ nhưng cũng đã đem đến một địa điểm thưởng lãm Tết đẹp mắt cho người dân TP. Trải qua các năm, mỗi năm một ý tưởng mới, cải tiến và sáng tạo hơn, đến nay đường hoa Xuân Nguyễn Huệ đã trở nên đẹp hơn, phong phú và đặc sắc hơn nhiều, trở thành điểm du xuân không thể thiếu của người dân và du khách đến TP HCM. 

Những năm gần đây, nhiều công nghệ mới cũng đã được ứng dụng vào đường hoa như quét mã QR code, tải aps đường hoa. Năm 2018, đường hoa Nguyễn Huệ cũng lần đầu được ứng dụng hàng loạt công nghệ mới lạ để giúp đường hoa trở nên đẹp lạ nhất: Công nghệ chụp hình thực tế ảo, công nghệ tạo hình trong tương lai, công nghệ in 3D, công nghệ tản ánh sáng... Đây cũng là năm đường hoa Nguyễn Huệ gần như lập một "kỉ lục" về lượng khách tham quan khi con số lên đến trên 1 triệu lượt khách. 

Sài Gòn Tết vắng, Sài Gòn không có danh lam thắng cảnh, có biển, núi như các miền quê, các điểm du lịch. Sài Gòn có ít ỏi các điểm đến, tham quan. Thế nên, đường hoa càng "có giá" với người dân TP. Nhưng tất nhiên, không chỉ thế, đường hoa còn là một nét văn hoá rất đẹp, rất đáng yêu của Sài Gòn. Đó không chỉ là một con đường hoa mà là con đường nối thêm niềm vui đầm ấm ngày xuân, là con đường nối Tết xưa với Tết nay. Cứ nhìn hình ảnh những gia đình tíu tít chụp ảnh bên những khóm hoa xuân, những thế hệ nắm tay nhau ngắm tiểu cảnh đường hoa sẽ càng cảm nhận rõ hơn nét đẹp văn hoá ấy.

Thời điểm này, đường hoa đã được dọn dẹp sạch sẽ, trả lại con phố đi bộ Nguyễn Huệ của ngày thường. Đường hoa được dọn dẹp cũng đồng nghĩa với Tết Sài Gòn đã hết, người Sài Gòn lại trở về với nhịp sống thường nhật của mình. Và nỗ lực cả năm để chờ đón một cái Tết nữa ấm áp, một đường hoa sang năm mới lạ, để họ có nơi mà đến, mà ngắm nghía, vui chơi... 

Đọc thêm