Từng là một người “có số má” trong vùng với việc buôn bán hàng lậu, lôi kéo đàn em tổ chức đánh người, bảo kê sòng bài bạc… Sau những lần vấp ngã anh đã nhận ra được giá trị chân thực của cuộc sống. Trở thành một người lương thiện, sản xuất kinh tế giỏi và giúp đỡ nhưng người lầm lỡ như mình. Người chúng tôi đang nhắc đến là anh Nguyễn Đình Tám (SN 1953) trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Chân dung một thời là “Tám đại ca” |
“Đại ca” một thuở
Nguyễn Đình Tám được sinh ra trong gia đình bố làm thầy giáo, mẹ buôn bán ngoài chợ. Sinh ra với vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, Tám cũng nhanh nhẹn và rất hiếu động. Gia đình có 8 anh chị em, Tám là con út trong gia đình nên có phần nào đó được cả nhà cưng chiều hơn với các anh chị khác.
Thời còn là học sinh, Tám nổi tiếng nghịch ngợm nên cũng kéo theo việc chểnh mảng học hành, dù được bố mẹ, anh chị nhắc nhở nhưng Tám vẫn không sửa đổi được là mấy .
Lúc đang là học sinh lớp 8, trên đường đi thi học sinh giỏi về thì thấy mấy bạn học sinh lớp dưới bị một nhóm thanh niên bắt nạt. Không chịu được cảnh các bạn bị ăn hiếp như thế, Tám xông đến đánh nhau với nhóm trai làng để “giải cứu” cho hai em nhỏ.
Sau khi “cứu” được mấy em nhỏ thì mấy trai làng cũng phải nhập viện điều trị do bị Tám đánh. Tám nhận bản án 16 tháng tù giam cho tội “cố ý gây thương tích”, nhưng vì chưa đủ tuổi nên được hoãn thi hành án. Sợ bố mẹ buồn khổ nên Tám quyết định “trả nợ án”. Tám viết đơn xin được thi hành án sớm tại trại giam.
Sau 16 tháng tù giam, Tám ra trại và tiếp tục cắp sách tới trường. Học hết cấp 3, đang trong thời gian ôn thi tốt nghiệp, cũng vì bản tính thích tự do Tám đã cùng một nhóm bạn tổ chức đột nhập một trại nuôi gà để bắt trộm gà về nhậu.
Tuy nhiên, chưa đưa được gà ra khỏi trại thì bị chủ bắt quả tang, Tám bị đồng bọn khai là chủ mưu nên bị triệu tập và tạm giữ 12 ngày để lấy lời khai. Vụ án chỉ bị xử lý hành chính vì số tài sản trộm không đủ để khởi tố hình sự. Cũng từ đó, Tám quyết định nghỉ học bắt đầu cuộc đời của mình.
Trong một lần dẫn nhóm trai làng sang làng bên đánh nhau, Tám đã phải lòng một cô nữ sinh xinh xắn. Tám bắt cô nữ sinh bỏ học, làm đám cưới lúc Tám mới 20 tuổi.
Trong 7 năm chung sống với người vợ trẻ, lần lượt 5 đứa con được ra đời. Cuộc sống khó khăn, kinh tế eo hẹp với 7 miệng ăn hai vợ chồng làm đồng áng lo không xuể. Anh quyết định vay mượn được tiền mua mảnh đất ở ngã tư chợ Hợp Thành để buôn bán.
Tuy nhiên, cuộc sống không hề dễ dàng như thế, buôn bán không có lời mà liên tục thua lỗ do không có kinh nghiệm… Tám nghĩ mãi cuối cùng chuyển từ buôn bán hợp pháp sang bất hợp pháp.
Kinh doanh hàng lậu, hàng cấm vốn liếng ít nhưng nhanh có lời, công việc gặp thuận lợi nên “phất” lên nhanh chóng. Kinh tế vững hơn, Tám nổi tiếng với cái tên “trùm buôn lậu”, Tám còn lôi kéo một “hệ thống” đàn em để có thể dằn mặt hoặc bảo kê cho công việc của mình.
Hàng chục lần Tám bị công an bắt vì các tội tổ chức đánh người, tổ chức các sòng bài ăn tiền, buôn bán hàng cấm, gây rối trật tự công cộng… nhưng Tám lại luồn lách được vì luôn có bằng chứng ngoại phạm.
Những bi kịch cuộc đời
Rồi những biến cố của cuộc đời đã thay đổi cuộc sống dư giả của một “đại ca” buôn bán hàng lậu tại miền quê yên bình này. Đứa con trai út bị bệnh, phải nhập viện tại Hà Nội phẫu thuật gấp, rồi đến lượt vợ Tám đau ốm liên miên, của cải cũng từ đó đội nón ra đi.
Sau khi chữa bệnh cho con và vợ xong, Tám quyết định sang Lào lấy chuyến hàng lớn để bù vào số tiền điều trị của vợ và con. Nhưng chuyến hàng chưa đưa về được đến nơi thì Công an phát hiện, bắt giữ và tịch thu. Bao nhiêu vốn liếng cũng mất sạch.
Lúc gặp nạn, những người được coi là bạn thân cũng đều ngoảnh mặt quay lưng với anh, những “đệ tử” thân cận khi không có tiền cũng không nhờ vả được gì…
Thế nhưng, bà con lối xóm và chính quyền địa phương đã không quay lưng lại với anh mà đã động viên và giúp đỡ anh rất nhiều. Qua những việc làm đầy ý nghĩa đó, Tám nhận ra được giá trị của cuộc sống nằm ở đây, rồi anh đoạn tuyệt với hàng lậu trở về làm ăn chân chính.
40 tuổi đầu, 5 đứa con nheo nhóc, kinh tế cũng chật vật, năm 1995, Nguyễn Đình Tám bàn với vợ thế chấp nhà cửa cho ngân hàng để vay vốn cho vợ xuất khẩu sang CHLB Đức.
Nhưng cái quyết định này cũng khiến anh mất đi người vợ, người mẹ của 5 đứa con thơ. Vợ anh sau khi sang đó đã quyết định ở lại, không về quê nữa và sống với người đàn ông khác.
10 năm chờ đợi, người vợ cũ vẫn không quay về cùng bố con anh, Tám mất lòng tin vào phụ nữ, anh quyết ở vậy một mình nuôi con khôn lớn. Từ bỏ nghiệp buôn bán anh lao vào khai khẩn đất hoang hóa, trồng đủ thứ cây củ quả.
Những cố gắng của anh đã được đền đáp khi cây cối phát triển tốt và cho thu nhập sau nhiều năm lặn lội chăm sóc, những đứa con cũng đỡ vất vả hơn được đi học cả. Khi tích cóp được đồng vốn, Tám sẵn sàng cho người dân vay để cùng phát triển, chấm dứt cảnh bán lúa non, vay nặng lãi.
Nhận ra chân lý cuộc sống
Dù cảnh gà trống nuôi con nhưng những đứa con của anh đều được học hành tử tế đến nơi đến chốn, năm người con của anh đã lần lượt vào đại học, cao đẳng.
Con trai đầu hiện là Bí thư đoàn xã Hợp Thành, cậu thứ hai tốt nghiệp đại học ngành tin học, hiện đang công tác tại một cơ quan nhà nước; con trai thứ ba vừa tốt nghiệp Đại học Huế, cô gái thứ tư học Đại học Tài chính Sài Gòn và cậu trai út đang học tại trường THPT Hà Huy Tập tại TP.Vinh (một trường có danh tiếng tại Nghệ An).
Anh luôn lấy gương của mình để dạy các con, để không đứa nào vấp vào hố sâu như anh ngày trước. Ngoài công việc đồng áng, anh Tám còn là người tận tình trong việc giúp công an địa phương giúp đỡ những người lầm lỗi và tạo điều kiện cho những ai khó khăn vay vốn làm ăn kinh tế…
“Mình một thời lầm lỗi rồi nên hiểu rõ những người cùng hoàn cảnh như mình trước đó cần gì, muốn gì. Họ cần được cộng đồng quan tâm động viên, không cô lập họ để họ hòa nhập tốt. Nếu có thể thì tạo một ít vốn để họ làm ăn kinh tế…”. anh Tám tâm sự.
Sau nhiều năm ở một mình chờ đợi người vợ sẽ nghĩ lại về với gia đình không được, thương bố nên các con và bạn bè cũng đã mai mối chị Phạm Thị Huyền (28 tuổi) - một người phụ nữ xã bên cho anh . Hai người đều đã lỡ một lần đò nên quyết định về chung sống với nhau, đứa con chung cũng đã ra đời làm cho cả nhà vui vẻ và yêu thương nhau hơn.
Anh Tám cũng giúp một người cai nghiện thành công và tạo công ăn việc làm cho người này. Người dân địa phương khi nhắc đến anh họ luôn cảm phục nghị lực của anh và những việc làm đầy ý nghĩa.
Giờ đây, khi đã quay trở về con đường làm ăn chân chính anh đã chứng minh cho mọi người thấy nghị lực của mình . Anh chia sẻ, “ngẫm lại quá khứ , mình mới nhận ra được chân được giá trị thực của cuộc sống, tình người trong lúc khó khăn….”
Giờ đây, cuộc sống bình yên trong ngôi nhà nhỏ với người vợ và những đứa con anh càng thấy mình là người may mắm. May mắn vì sớm nhận ra được những lỗi lầm, may mắn vì được xã hội, được mọi người quan tâm giúp đỡ trong lúc khốn khó nhất…/
Ngô Toàn