Đường về nhà… gian nan

(PLVN) - Họ là những người phụ nữ đã từng lầm lạc, từng bị tổn thương, từng trải qua những ngày tháng cơ cực đã tìm được cho mình một lối đi khó nhưng vô cùng ý nghĩa. Họ trở thành những nhà hoạt động xã hội, tiếp tục nắm chặt những bàn tay lầm lạc hoặc bị cuộc đời xô đẩy, nghiệt ngã đứng dậy từ vực thẳm…
Chị Phạm Thị Minh luôn nhìn thẳng vào quá khứ của mình để giúp đỡ người lạc lối
Chị Phạm Thị Minh luôn nhìn thẳng vào quá khứ của mình để giúp đỡ người lạc lối

Đồng hành cùng… người bán dâm

Nguyễn Thị Ngà sinh năm 1989, người Vĩnh Phúc (Ban điều hành mạng lưới hỗ trợ nhóm tự lực của người bán dâm Việt Nam) khá xinh xắn và thân thiện. Nếu không kể, ít ai biết cô đã trải qua những năm tháng khốn khó, côi cút, thậm chí những bĩ cực luôn đeo đuổi.

Từ bé lắm, mới 5 tuổi Ngà đã phải chứng kiến mẹ bị bắt giam vì buôn bán và sử dụng ma túy. Năm Ngà học lớp 3, bố mẹ cô chia tay, Ngà và chị gái sống cùng mẹ, em trai theo bố tới sống ở Lào Cai. Chị em Ngà nhanh chóng có bố dượng, cũng là người nghiện ma túy. Mẹ và bố dượng không cưới hỏi gì, “rổ rá cạp lại” và “ngựa quen đường cũ” buôn bán ma túy để có tiền dùng thuốc.

Những năm tháng mẹ đi trại cai nghiện, Ngà sống cùng ông bà ngoại đã già yếu. Ông cắt tóc, bà làm thuê lấy tiền nuôi cháu. Thiếu vắng tình thương, nhưng từ nhỏ Ngà đã khao khát được học. Cô muốn học để có thể thoát khỏi cảnh nghèo và cũng là để báo đáp tình cảm của ông bà đã thay cha mẹ chăm cháu suốt thuở ấu thơ. Và rồi, Ngà học trung cấp Thương mại và Du lịch được một năm thì nghỉ học giữa chừng vì không có điều kiện học tiếp.

Và trớ trêu, cô nhận lời yêu một người mới đi cai nghiện về với suy nghĩ, hai nhà cùng hoàn cảnh sẽ thấu hiểu và thông cảm với nhau. Mặc dù bố mẹ chồng tốt bụng, chồng cũng là người tốt tính, nhưng vì chồng tái nghiện nên vợ chồng làm ra bao nhiêu tiền cũng không đủ sống, nuôi con. Thương con, sau năm năm chung sống, Ngà đã quyết định chia tay chồng, trở thành mẹ đơn thân, bươn chải nuôi con. 

Thế rồi, trong những hoạt động xã hội, cô gặp nhiều hoàn cảnh rất đáng thương của các cô gái bán dâm: Có những cô gái bị chủ bắt “đi khách” cả những ngày “tới tháng”; có cô bị khách đánh, khách quỵt tiền, bị viêm nhiễm…; có cô bị bố nghiện rượu bán vào động mại dâm.

Cô gái này sau đó đã thoát khỏi “động quỷ”, lập gia đình nhưng không có khả năng sinh con. Bởi cô bị bán dâm sớm, viêm nhiễm vùng kín khi còn quá nhỏ, không biết cách chữa trị. Cũng có cô gái rất đáng trách khi chọn lối sống buông thả, thác loạn… Để có tiền ăn chơi, họ sẵn sàng bán cả bạn. 

Ám ảnh về cô gái bị bố bán vào động mại dâm, chỉ kém Ngà 1 tuổi mà cô gặp vào năm 2013 đã thôi thúc cô bắt đầu công việc hỗ trợ những phụ nữ bán dâm. Sau này, mỗi cảnh đời mà Ngà tiếp xúc lại cho cô thêm sức mạnh để nỗ lực tuyên truyền giúp các cô gái hiểu về HIV/AIDS. Những cô đã nhiễm thì phải tuân thủ điều trị để tránh nguy cơ lây truyền ra cộng đồng. Đồng thời trang bị kiến thức về dự phòng cho những cô không/chưa nhiễm HIV, phát hiện những ca nhiễm mới…

Hiện Nguyễn Thị Ngà tham gia vào Ban điều hành hỗ trợ nhóm người bán dâm phía Bắc (gồm 26 tỉnh, thành phố). Công việc của cô là kêu gọi quyền lợi, phổ biến chính sách để các thành viên trong nhóm biết, chia sẻ với nhau; góp ý dự thảo luật…

Cụ thể, nhóm Đồng tâm hiệp lực tỉnh Vĩnh Phúc (nơi Ngà sống) có 480 thành viên đã có những buổi chia sẻ kiến thức về điều trị dự phòng lây nhiễm HIV, bạo lực giới, bảo hiểm y tế, xử phạt hành chính… Ngoài ra, Ngà còn thường xuyên tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí với độ an toàn, tin cậy cao. Hỗ trợ và tư vấn điều trị phơi nhiễm nếu có nguy cơ, sau khi nhận kết quả xét nghiệm…

Và ngoài việc hỗ trợ những người bán dâm, Ngà còn tham gia vào Dự án truyền thông về môi trường, bán hàng online. Đặc biệt cô dành thời gian cho việc học Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh (Hà Nội). 

Dẫu cuộc sống của Ngà vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng may mắn mẹ cô sau khi trở lại với cuộc sống đời thường đã không bị tái nghiện. Con trai cô cũng chăm chỉ học hành. Hạnh phúc, niềm vui với Ngà hiện tại theo cô là đơn giản lắm. “Đó là khi tôi có thể hỗ trợ cho nhiều người và nhìn thấy những người mình yêu thương vui vẻ mỗi ngày”.

Nguyễn Thị Ngà đồng hành cùng người bán dâm trở lại đời thường
Nguyễn Thị Ngà đồng hành cùng người bán dâm trở lại đời thường 

Giúp người nghiện về nhà

Chị Phạm Thị Minh, sinh năm 1977 (Hai Bà Trưng - Hà Nội),  Trưởng Liên minh Câu lạc bộ Về nhà, đại diện cho các nhóm cộng đồng từng là “nô lệ” của ma túy trong suốt 10 năm trời. Thế nhưng, nếu không nhờ vào tình yêu thương của mẹ, chị Minh đã khó lòng thoát khỏi lưỡi hái của thần chết… 

Chị Minh kể, chị sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bố mất sớm khi chị mới 9 tháng tuổi. Mẹ chị một nách 5 người con, làm đủ thứ nghề để lo ăn từng bữa. Thế rồi anh chị trong nhà cũng lớn khôn, lập gia đình, còn chị ở nhà phụ mẹ chợ búa, hàng họ. Ăn không đủ, học đến cấp hai chị buộc phải bỏ giữa chừng. Vừa bước sang tuổi 18, cái tuổi ham chơi, nông nổi chị đã đi theo đám bạn đến vũ trường, quán bar rồi sau một cái tặc lưỡi, cô gái ấy lần đầu chạm vào ma túy. Một lần, hai lần, chị đã bập vào và không thể thoát ra được cái thứ chết người đó.

Thế rồi, bị bắt quả tang trong một lần bán lẻ thuốc cho khách ở Giáp Bát, chị Minh lĩnh bản án 42 tháng tù giam. Ra tù, chị bập ngay vào ma túy. Hơn 6 tháng sau, chị bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Những lúc ấy, các anh chị em trong gia đình, đặc biệt là mẹ vẫn luôn ở bên, động viên chị. Mẹ chị bảo: “Đã trót nghiện rồi thì phải cố gắng mà bỏ. Người chơi cờ bạc có lúc thắng, lúc thua. Nhưng nếu cứ theo ma túy sẽ thua cuộc cả đời… Vậy là từ đó, chị quyết tâm từ bỏ cái chết trắng cho dù phải đau đớn vật vã thế nào.

 Chẳng ai hiểu con bằng mẹ, những lúc khó khăn nhất, vật vã nhất mẹ chị luôn luôn ở bên. Bà đã đồng hành cùng con gái trong suốt quá trình đi tìm “đường về nhà”. Người mẹ nấu những món ăn con thích nhất, sẵn sàng ở bên động viên an ủi dù ngày hay đêm. Nhìn khuôn mặt mẹ ngày một nhiều nếp nhăn vất vả chăm sóc mình, nhiều lần chị Minh không cầm được nước mắt. Chị đã tự nhủ rằng sẽ phải cai nghiện thành công, phải chiến thắng “cái chết trắng” để mẹ đỡ buồn tủi và thất vọng.

Năm 2008, chị Minh ra khỏi trung tâm cai nghiện và tham gia vào nhóm “Hoa xương rồng”, một nhóm tự lực dành cho những phụ nữ sau cai. Tại đây, chị Minh đã được tận mắt chứng kiến nhiều người từng nghiện lâu năm, nay đoạn tuyệt hẳn với ma túy và có cuộc sống ổn định. Nhờ đó, chị có thêm nhiều động lực để phấn đấu.

Nói về công việc CBO (những người tham gia hỗ trợ cộng đồng theo từng nhóm vấn đề), chị Minh cho biết, thực ra công việc này xuất phát từ các vấn đề của xã hội như ma túy, mại dâm, HIV. Những CBO là người đã từng có thời gian “dính” vào tệ nạn xã hội đó. Họ tập hợp lại với nhau để cùng hỗ trợ những người chưa thoát ra khỏi cám dỗ của các tệ nạn xã hội, giúp những người đó có một chỗ dựa về tinh thần để vượt qua khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Đơn cử như: CBO của nhóm người nghiện ma túy thì cũng từng là người nghiện ma túy, CBO của người bán dâm thì họ cũng từng là người bán dâm.

Các hoạt động của CBO cũng tùy theo từng nhóm các vấn đề. Như CBO của những người nghiện ma túy sẽ giúp nhau về các kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV, dự phòng sốc thuốc, hỗ trợ người nghiện cai nghiện, tiếp cận các dịch vụ y tế. Giúp họ có được năng lực để họ tự tin, tái hòa nhập cộng đồng.

Chị Minh cho biết, chị từng điều phối một tổ chức CBO hỗ trợ cho những người sử dụng ma túy, bán dâm trên địa bàn Hà Nội được thành lập từ năm 2008. Đến nay, văn phòng của chị đã giúp đỡ gần 2.000 người sử dụng ma túy và bán dâm. Hiện nay, trong Liên minh do chị điều phối có 5 nhóm, trong đó 4 nhóm dành cho người sử dụng ma túy được chia ra 8 quận ở Hà Nội. Nhóm còn lại có tên là “Nơi bình yên” chính là nơi hỗ trợ các vấn đề cho chị em làm nghề bán dâm.

Dẫu chị Minh hiện tại đã có một mái ấm hạnh phúc với đứa con trai gần 4 tuổi, nhưng không lúc nào chị quên những ký ức về những ngày tháng tối tăm chìm ngập trong ma túy. Chị chia sẻ: Lúc đó, mình sợ nhất là bị bắt đi trung tâm cai nghiện, vì vậy mặc dù gia đình không ruồng bỏ nhưng mình không dám ở nhà vì nhỡ lại bị bắt đi cai. Thế là cứ sống lang thang đầu đường xó chợ, đêm hôm mưa gió cũng không dám về nhà.

Có những đêm đói thuốc, lang thang ngoài đường không trộm cắp được gì, trong túi không có một xu, trời thì đổ mưa phải trú vội vào những hiên nhà cao tầng, chó sủa ầm ĩ, chị phải chạy từ nhà nọ sang nhà kia, người ướt như chuột lột, có lúc lên cơn sốt tưởng chết. Rồi những lần sốc thuốc, chích vào thì tự nhiên người lả đi, lúc ấy nghĩ chắc mình chết rồi, nhưng thế nào mấy tiếng sau lại tỉnh dậy được...

Để có tiền phục vụ cho những cơn nghiện của mình, mới đầu chị phải xin mẹ, xin các anh chị, rồi đem của cải trong nhà đi bán, hết rồi thì sinh ra lừa lọc, trộm cắp. Cứ thế cuộc sống triền miên hút chích, trộm cắp, đi cai rồi lại hút chích. Chị Minh bảo rằng hồi ấy gia đình bắt đi cai hoặc bị đưa đi cai nghiện bắt buộc chứ chưa bao giờ có ý định sẽ cai ma túy. 

Và rồi, sau cả trăm lần đi cai nghiện chị không nhớ nữa, vì người mẹ của mình, chị đã quyết liệt bỏ lại quá khứ. Khi đã nếm trải quá nhiều cay đắng, tủi nhục chị hiểu rằng, dù chối bỏ hay không thừa nhận thì nó đã gắn với cả thời thanh xuân của mình, chỉ có lạc quan đối diện với nó mới có thể sống hạnh phúc được với hiện tại…

Đọc thêm