Duyên tiền kiếp giữa huyền thoại “Trạng lường” Lương Thế Vinh và vua Lê Thánh Tông

(PLO) -Thông minh kiệt xuất, sau trở thành một lương thần dưới triều vua sáng Lê Thánh Tông, “Trạng Lường” Lương Thế Vinh (1441-1496) xứng đáng là một vì tinh tú trong những tài năng xuất thân khoa bảng thời Lê sơ.
Trạng Lường Lương Thế Vinh qua phác hoạ của người đời sau
Trạng Lường Lương Thế Vinh qua phác hoạ của người đời sau

Bản quán trạng nguyên họ Lương, được Khiếu Năng Tĩnh, người cùng quê ghi lại trong Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược là “người xã Cao Phương, huyện Vụ Bản”. Nơi ấy, nay thuộc thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Dị truyền kiếp trước

Trước hết, đã là dị truyền, thì cái sự hoang đường chiếm phần lớn, nên người viết cứ rào trước thế, để bạn đọc biết qua, kẻo bị trách móc là tuyên truyền sự mê tín e mất lòng lắm chăng. Chỉ là muốn hiến thêm vài thông tin mù sương quanh trạng nguyên họ Lương mà thôi. Theo Lịch đại danh hiền phổ, vị trí đứng đầu bảng vàng của Lương Thế Vinh, đã được báo trước. Khi Vinh lên 7-8 tuổi đi học ở làng bên, bên đường có con chó đá, hễ Vinh đi qua, nó vẫy đuôi mừng. Lấy làm lạ, Vinh kể cho cha nghe. Cha Vinh nói: “Nó đã biết mừng thì tất biết nói, con thử hỏi nó vì cớ gì mà nó mừng”. Hôm sau cũng in hệt thế, Vinh bèn hỏi, con chó đá đáp bằng tiếng người, rằng: “Vì ông là Trạng nguyên, nên tôi mừng ông”.

Vinh về kể lại cho cha chuyện ấy, người cha mừng, nhưng cũng trở nên khoe khoang, khi cãi nhau với xóm giềng, thường dọa: “Ngày sau con ta đỗ Trạng nguyên, ta sẽ bảo cho mầy”. Vinh thấy thế buồn lòng, bèn nói với mẹ: “Mẹ có đức, cha thất đức, con không thể ở lại làm con được nữa”. Bà mẹ nài nỉ, khóc lóc khuyên con ở lại nhưng không được. Sau Vinh dặn sẽ đầu thai nơi làng Cao Hương, đúng ngày này, tháng này, năm này đến đó sẽ tìm thấy; lại dặn mẹ giữ kỹ những sách vở mình học. Thế rồi Vinh mỏi mệt một ngày rồi mất.

Sau ông sinh ra ở Cao Hương, lúc mới sinh cứ khóc mãi không dứt tiếng, cha mẹ và xóm giềng thay nhau bế mà không được. Người mẹ của ông trước kia ở huyện Nam Xang theo lời dặn, tìm đến biết chuyện, đoán là con mình đã đầu thai, liền xin bế thì đứa bé nín ngay. Bà đem chuyện thuật lại, từ đó hay đi lại Cao Hương bế đứa trẻ, coi như con mình. Ấy, chuyện có vẻ hoang đường, chỉ xin chép lại cho bạn đọc biết qua.

Ngoài ra, Lương Thế Vinh và vua Lê Thánh Tông, được cho là có lương duyên tiền định từ kiếp trước. Việc này, trong Dã sử, và Tam khôi bị lục… có ghi lại. Theo đó, mẹ vua Lê Thánh Tông là Thái hậu Quang Thục có lần nằm mơ, thấy đi tới chỗ Thượng Đế. Thượng Đế ban cho bà một tiên đồng làm con, và một tiên đồng để giúp đỡ. Lúc tỉnh dậy, bà có mang Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông). Sau Lương Thế Vinh thi đỗ, Thái hậu xem hình dáng, giống hệt tiên đồng đã thấy trong mộng, bèn kể lại cho vua Thánh Tông hay. Từ đấy, Lương Thế Vinh trở thành một lương thần đắc dụng dưới thời Hồng Đức. Lương duyên vua tôi ấy, còn thấy bóng dáng trong thơ vua Lê Thánh Tông viết về Lương Thế Vinh, còn bằng cớ trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Trong đó, bốn câu đầu bài thất ngôn bát cú Đường luật, có ghi:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua,

Gióng khách chương đài kiếp tại nhà.

Cẩm tú mấy hàng về động ngọc,

Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa.

Sở học của thần đồng họ Lương

Lương Thế Vinh, quả là một thần đồng dưới thời Lê sơ. Viết về vị trạng nguyên này, Nhật Nham trong bài viết nhan đề Lương Thế Vinh, đăng trên tạp chí Tri Tân số 24, ra ngày 21/11/1941 đã ngợi ca là “thông minh vốn sẵn tính trời; học ít, nhớ nhiều, tuổi còn trẻ, ông đã soạn được bộ Toán pháp đại thành lưu hành trong nước và còn truyền tới ngày nay”. Trong Tam khôi bị lục, khi ghi chép về các vị danh khoa trong hàng tam khôi, cho hay rằng, Lương Thế Vinh “không có sách gì mà ông không đọc”. Bởi vậy, lời thơ trong Việt sử mông học viết về vị trạng nguyên tương lai họ Lương, thật chỉnh:

Thiên Bản có Thế Vinh,

Văn chương rất lỗi lạc.

Nổi tiếng là thần đồng,

Học hành càng uyên bác.

Mà cái sở học của họ Lương, theo Lịch đại danh hiền phổ, lại có căn nguyên gốc gác từ thế đất làng Cao Hương của ông. Dẫu vấn đề này thuộc về địa lý, cũng xin tạm chép ra đây. Theo đó, “làng Cao Hương trước có kiểu đất rằng: Bút giá tam tiên, văn thần nhiệm trọng (giá bút có ba mũi nhọn, tượng trưng cho ba ngọn bút, sẽ phát ra bậc văn thần làm quan to) đất phát tích của ông, không biết ở đâu, có người nói phát ở ngôi mộ của người đàn ông, không rõ có phải không”.

Việc nói họ Lương là thần đồng, giai thoại kể cũng đã nhiều, đơn cử như việc dưới đây, được Việt sử mông học ghi lại, thấy cũng có lý đôi phần. Ấy là có hôm Lương Thế Vinh cùng chúng bạn chơi đùa ngoài đồng, có mấy người Tàu đi qua, muốn khảo nghiệm cái óc thông minh của trẻ con nước Nam, bèn tìm một hố sâu, thả quả bưởi xuống hồ, rồi đố “Hễ ai không phải thò tay vào và cũng không dùng que gắp mà lấy được bưởi lên, sẽ được thưởng tiền”. Trong khi chúng bạn không biết làm thế nào, thì Vinh đã xui lấy nước đổ vào hố cho đầy, vậy là thắng.

Rạng danh bảng vàng

Bài thi Đình của Lương Thế Vinh, theo Khiếu Năng Tĩnh cho biết, đó là bài “Dĩ thánh nhân kế thiên lập cực”. Bài văn thi Đình ấy, có nghĩa là đấng thánh nhân, tức vua dựng ra cái tiêu chuẩn trung chính. Như Lịch đại danh hiền phổ ghi lại, thì “ông đối nghĩa rõ ràng, vua Thánh Tông phê khen là văn học chín chắn”. Sau khi chấm quyển, thì “cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống đỗ cập đệ hoặc xuất thân theo thứ bậc khác nhau”. Đó là lời còn ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư.

 

Trong Lê triều lịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký, cho hay, trong Văn bia đề tên tấn sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463), trong hàng Đệ nhất giáp (dành cho Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa), tên của Lương Thế Vinh đứng đầu, được khắc là “Lương Thế Vinh: người xã Cao Hương, huyện Thiên Bản. Thần đồng, đỗ năm 33 tuổi”. Ấy nhưng Lịch đại danh hiền phổ thì cho rằng, họ Lương đỗ năm 23 tuổi.

Khoa thi năm Quý Mùi, hàng tam khôi đỗ đủ đầy ba người, là Lương Thế Vinh, Nguyễn Đức Trinh và Quách Đình Bảo. Nam Hải dị nhân liệt truyện cho hay, vua Lê Thánh Tông vui mừng lắm, vì toàn là kẻ anh tài, tuấn kiệt và hay chữ có tiếng cả, nên mới lệnh cho chế lá cờ tam khôi, thêu bốn câu thơ do ngài đề tặng:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh,

Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh,

Thám hoa Quách Đình Bảo,

Thiên hạ đều nức danh.

Lại nói về việc liên quan đến Lương Thế Vinh với Thám hoa kỳ thi này là Quách Đình Bảo, như ghi chép trong Giai thoại làng Nho, thì dạo còn đang dùi mài kinh sử, Lương Thế Vinh nghe tiếng họ Quách nổi danh là người học giỏi, bèn tìm đường đến nhà Bảo để thử tài. Nhưng đến nơi, thấy Quách Đình Bảo đang xem sách trong thư phòng, Lương Thế Vinh chẳng vào nữa, mà bỏ về luôn. Sau Quách Đình Bảo biết việc ấy, mới đến thăm họ Lương để đáp lễ. Trên đường đến nhà Vinh, thì gặp lúc Vinh đang thả diều ngoài đồng. Bảo thấy cảnh ấy, thì tặc lưỡi mà khen “Kỳ thi sắp tới rồi mà không quan tâm chút nào về việc học, thế mới thực là một bậc kỳ tài”. Quả nhiên, khoa thi năm Quý Mùi, dẫu Quách Đình Bảo siêng năng ôn luyện, vẫn chỉ đứng hàng thứ ba trong tam khôi, còn Lương Thế Vinh, thì nhất bảng.

Đọc thêm