Em chồng thuê trực thăng vẫn không cứu được chân chị dâu

Ông Duy Anh cho biết với các trường hợp tương tự, phải chuyển đến bệnh viện tối đa trong vòng 6 giờ mới có thể cứu được chân bị tổn thương. Trường hợp bệnh nhân Thảo, thời gian tới viện kéo dài 15 giờ là quá muộn để cứu chữa.

[links()]Ông Trần Duy Anh - giám đốc Bệnh viện 108 (Hà Nội) - cho biết bệnh nhân Trần Thị Thảo (34 tuổi, giáo viên ở Hà Tĩnh) đã ổn định sức khỏe sau một ngày điều trị.

Trước đó, cô Thảo được chuyển bằng máy bay trực thăng từ Hà Tĩnh đến sân bay Gia Lâm rồi dùng xe cứu thương đưa đến Bệnh viện 108 trong tình trạng gãy xương đùi phải, chân phải của bệnh nhân đã giập nát và chuyển màu tím do hoại tử... sau tai nạn giao thông trước đó 15h.

Ông Duy Anh cho biết, sau khi chụp và làm các xét nghiệm chẩn đoán, hội chẩn nhằm cứu chân phải của nạn nhân nhưng không được, kíp bác sĩ trực đã phải cắt đến một nửa xương đùi trên của nạn nhân.

Theo ông Duy Anh, đây là người dân đầu tiên thuê máy bay trực thăng chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 108 với giá thuê ước tính 300-500 triệu đồng.
 

Chuẩn bị đưa bệnh nhân lên trực thăng.

Ông Duy Anh cho biết với các trường hợp tương tự, phải chuyển đến bệnh viện tối đa trong vòng 6 giờ mới có thể cứu được chân bị tổn thương. Trường hợp bệnh nhân Thảo, thời gian tới viện kéo dài 15 giờ là quá muộn để cứu chữa.

Chị Trần Thị Thảo (37 tuổi), giáo viên Trường THCS H.Lộc Hà (Hà Tĩnh), trú tại thôn Hòa Bình, xã Thạch Đồng, TP.Hà Tĩnh). Vào 16h ngày 10/8, từ nhà ra ngõ, không may bị chiếc xe tải đâm, chị bị dập nát toàn chân bên phải, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, sau đó chuyển ra Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội.

Tại thôn Hòa Bình, xã Thạch Đồng, TP.Hà Tĩnh - nơi chị Thảo sinh sống, bà Dương Thị M., cô của chị Thảo, ôm mặt khóc: “Thương nó lắm, còn trẻ đã phải cưa mất một chân. Không biết sau này ai kiếm tiền nuôi hai đứa nhỏ”.

Bà M. kể : "Khi các bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết tình trạng bệnh nhân Thảo rất nguy kịch, chân phải bị dập nát, mất máu nhiều, nếu không đưa kịp ra Hà Nội thì khó sống sót, gia đình rối loạn cả lên. Em chồng nó hiện làm việc tại một cơ quan quân đội ở Hà Nội nghe tin, mới quyết định thuê trực thăng để cứu chị dâu. Sau đó sự việc thế nào, người già chúng tôi không hay biết. Chỉ biết rằng giờ con Thảo đã bị mất hẳn một chân bên phải, đang hôn mê, bất tỉnh".

Bố chồng chị Thảo, ông Dương Xuân A. (61 tuổi) bình tĩnh hơn: “Nếu ai rơi vào hoàn cảnh gia đình tôi thì sẽ hiểu. Trong hoàn cảnh nguy kịch, con dâu đang đối diện với sự sống chết, chỉ cần cứu sống nó thì dù bằng hình thức nào chúng tôi cũng làm. Việc con gái ở Hà Nội gọi trực thăng chở chị dâu đi cấp cứu là điều rất bình thường. Tính mạng con người là trên hết, tiền bạc nói ra lúc này không nên”.

“Con Thảo tội lắm. Mẹ chết sớm, chỉ còn bố. Làm dâu gia đình tôi được 10 năm, mọi việc nó phải lo toan. Chồng công việc không ổn định, một mình nó phải tự nuôi con. Con gái tôi thương chị dâu nhiều”, nói đến đây ông An hai hàng nước mắt lưng tròng.

“Khi nhìn đôi chân nó bị xe cán nát, máu ra nhiều, hôn mê, cả nhà đứng ngồi không yên, khóc loạn lên. Gọi trực thăng lúc đó là cách duy nhất để cứu sống nó. Tôi tin cách làm của con gái là rất hợp đạo lý”. Rồi ông A. nhìn vào hai đứa cháu nhỏ mà nói: “Tôi nói với bà nhà tôi, dù bán cả vườn tược cũng phải cứu sống con dâu”.

Chiếc trực thăng mang số hiệu VN-8416 thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam đậu tại sân bóng TP.Hà Tĩnh chờ chở bệnh nhân khiến dư luận tò mò.

Bà Dương Thị M. (em gái ông A.) nói thêm: "Việc người ta nói gia đình chúng tôi là "đại gia", thích chơi trội, thuê trực thăng chở bệnh nhân đi cấp cứu, thật oan. Vợ chồng anh chị tôi sống bằng đồng lương chính sách. Có 3 đứa con, cháu trai đầu - chồng con Thảo là lái xe, công việc không ổn định, cháu gái thứ hai chỉ là nhân viên một cơ quan quân đội, cháu thứ ba đang đi học. Nhưng thấy chị dâu trong tình trạng nguy kịch em gái chồng thuê trực thăng từ Hà Nội, không biết tốn kém bao nhiêu nhưng đó là việc nên làm, nếu nó có điều kiện".

PLVN (tổng hợp)

Đọc thêm