'Em mong muốn tảo hôn phải bị phạt nặng!'

(PLO) -Đó là mong muốn của em gái Hồ Thị Hữu đến từ tỉnh Quảng Trị tại Diễn đàn trẻ em gái năm 2018 lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, khi em chia sẻ câu chuyện em tận mắt chứng kiến một người bạn cùng học lấy chồng sớm và vì không có kiến thức về sinh sản nên để lại hậu quả rất nghiêm trọng.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 15 nghìn trẻ em trên toàn thế giới tảo hôn. Tại Việt Nam, một số tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao đặc biệt Hà Giang, Kon Tum, Lào Cai... Vấn nạn tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số khiến nhiều bé gái phải bỏ trường lớp, lấy chồng, bị vùi lấp tương lai.

Em Hồ Thị Hữu, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Những hậu quả mà nạn tảo hôn mang lại như vì chưa phát triển về sức khỏe sinh sản nên khi sinh con, con chết, hoặc nguyên nhân cao mẹ cũng tử vong, hoặc người mẹ mắc nhiều loại bệnh trở thành gánh nặng cho xã hội. Em mong muốn Chính phủ có biện pháp quản lý nghiêm, sẽ bổ sung thêm các luật, phạt nặng những đôi tảo hôn để họ không dám tảo hôn nữa. Bên cạnh đó, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ đồ dùng học tập và học bổng cho các bạn học sinh nghèo vượt khó”... 

Mai Anh - một em gái đến từ tỉnh Lào Cai thẳng thắn đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,  Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có mặt tại diễn đàn: “Làm thế nào để ngăn cấm tảo hôn?”.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, tảo hôn là vi phạm pháp luật. Về giải pháp đến ngăn cấm nạn tảo hôn, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025 ". Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em, thanh tra giám sát các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em. 

“Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng và vận hành dữ liệu quốc gia về trẻ em, trong đó có tảo hôn trẻ em. Đồng thời, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động xóa bỏ tảo hôn và bảo vệ quyền lợi ích tốt nhất cho trẻ em; phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc để giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên cả nước” – Thứ trưởng cho biết.

Đọc thêm