Những đứa trẻ lớn lên từ làng
Đến phường Đông Cương, thành phố Thanh Hóa hỏi thăm, không ai là không biết chuyện về cậu học sinh Lê Đình Khánh, học sinh Trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa từng đỗ thủ khoa Học viện Kỹ thuật Quân sự 5 năm trước đây.
Khánh được sinh ra trong gia đình thuần nông với bốn anh chị em. Vì nhà đông con nên chỉ có Khánh và chị thứ ba được học hành đến nơi đến chốn. Chính bởi sự khó khăn của gia đình nên cậu học trò nghèo nuôi ý chí học tập rất cao bởi cậu nghĩ rằng chỉ có con đường học tập mới giúp gia đình bớt khó khăn.
Ngoài thời gian đến trường, Lê Đình Khánh vẫn làm hết các việc trong nhà. Sáng thức dậy em bắt tay ngay vào việc thái chuối, băm bèo cho gà ăn. Sau đó lại ra đồng làm cỏ ruộng hoa giúp bố. Khi về, em không quên lại xuống ao lấy bèo về để làm thức ăn buổi chiều cho đàn gà.
Khánh trải qua thời kì khó khăn nhất là những ngày cuối cấp ba khi mẹ ốm nặng, phải điều trị dài ngày ở bệnh viện ngoài Hà Nội. Bố bận chăm mẹ ở viện, ba chị gái bận đi học, đi làm xa nhà nên Khánh phải tự lập mọi chuyện. Cả tháng trời Khánh đều tự lo cho bản thân đến các công việc trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ quần áo đến nuôi gà, làm cỏ ruộng lúa, ruộng hoa…
Mẹ của Khánh tâm sự: “Lúc đó vợ chồng tôi phải ra Hà Nội chữa bệnh, cứ lo con ở nhà một mình rồi không biết xoay sở thế nào. Không ngờ cháu nó cũng làm được hết mọi việc, đi học ngày hai buổi, chiều về là em nó tự nấu ăn, khi nào được nghỉ học lại đi vớt bèo về nấu cám cho gà. Vợ chồng tôi lúc đó cũng rất sợ con bị ảnh hưởng đến học tập nhưng nhà không còn người giúp nên một mình cháu Khánh phải cố gắng đảm đương mọi công việc”.
Lê Đình Khánh ngày đỗ thủ khoa Học viện Kĩ thuật quân sự. |
Đến khi cậu con út đỗ thủ khoa trường quân đội, cả gia đình Khánh như vỡ òa trong hạnh phúc. Mặc dù trước đó, Khánh cũng có thành tích tốt trong học tập nhưng không ai ngờ cậu học trò ấy lại có thành tích thi đại học cao đến vậy. “Tôi không đặt kì vọng quá cao lên con trai bởi tôi biết đó sẽ là áp lực vô hình đè nặng lên tâm lý bọn trẻ. Tôi chỉ hi vọng nó sẽ là đứa trẻ tốt, hạnh phúc, vui vẻ như những gì nó mong muốn”, ông Tùng - bố của Khánh chia sẻ.
Dù cho guồng quay cuộc sống không ngừng chạy thì ở nhiều vùng quê nghèo, vẫn có những gia đình bỏ lại guồng quay ấy, để cho con trẻ phát triển tự nhiên, hưởng trọn vẹn hạnh phúc mà tuổi thơ đem lại. Ở giữa cái nắng hè chói chang, em Phạm Thị Dung (Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ) vẫn đang cùng mẹ miệt mài nhặt những chiếc tăm tre, xếp vào từng gói nhỏ.
Đóng gói tăm là công việc làm thêm của mẹ Dung những lúc nông nhàn. Vì việc này khá nhẹ nhàng và đơn giản nên cô bé cũng phụ mẹ một tay. Với đôi mắt tinh tường, đôi tay nhanh nhẹn, cô bé làm việc thoăn thoắt không kém gì những người lớn. Dung tâm sự: “Em và những bạn trong xóm thường tụ tập chơi vào buổi chiều nên sáng em ngồi đóng tăm với mẹ. Được nghỉ hè nên em có nhiều thời gian để chơi và giúp mẹ nhiều hơn”.
Trong khoảng thời gian nghỉ hè, Dung tạm chia tay sách vở để nghỉ ngơi đúng với ý nghĩa của “kì nghỉ hè”. Chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ của Dung chia sẻ: “Sau khi kết thúc năm học, hè năm nào tôi cũng để cho con vui chơi thoải mái, không cần phải o ép con vào khuôn khổ của những lớp học hè. Tôi nghĩ đó là việc làm cần thiết để con lấy lại năng lượng và cân bằng sau khi trải qua một năm học dài.”
Năm học tới đây, cô bé Dung sẽ bước chân vào lớp 6. Tuy nhiên suốt những năm tháng tiểu học, cô bé chưa từng phải bước chân đến những lớp học thêm bên ngoài trường học. Chia sẻ về quá trình học của con, chị Hồng cho hay: “Tôi vẫn theo sát việc học hành của con, trên lớp có bài vở gì vẫn phải nhắc nhở để con hoàn thành. Tuy nhiên tôi vẫn để con chủ động là chính. Tôi nghĩ với lứa tuổi cấp 1, không cần quá đè nặng vấn đề kiến thức lên vai của con, cứ để nó phát triển theo hướng nó muốn.”
Thành công không đến từ sự cưỡng ép
Những năm tháng tiểu học của Dung trôi qua trong êm đềm và không áp lực. Đến đây, nhiều người lầm tưởng không có áp lực trong học hành sẽ không có thành công. Thế nhưng với cô bé Dung, em vẫn ngày ngày trưởng thành theo đúng mong ước của gia đình. Dù không có thành tích quá cao song mỗi năm em vẫn đều đặn mang về tấm giấy khen của nhà trường. Không những vậy, em vẫn có một tuổi thơ đúng nghĩa.
Trẻ em có kì nghỉ hè đúng nghĩa bên ao làng. |
Sự thành công ở mỗi người mỗi khác và do nhiều yếu tố tác động. Hoàn cảnh xã hội, gia đình, nhà trường và nội lực bên trong con người được xem như những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công.
Bởi chúng ta thấy có biết bao những cô cậu sinh viên, những thủ khoa vượt khó học tập để được bước lên giảng đường đại học và ra đời cống hiến cho xã hội. Các bạn đó cho thấy việc nhồi nhét kiến thức và chạy đua theo thành tích không phải là cách mà các ông bố bà mẹ nên làm để mong con mình thành những người tài giỏi.
Và thực tế, thành công không nằm ở đi học nhiều, hi sinh tuổi thơ để học mà nằm ở ý chí của mỗi đứa trẻ. Khi động lực bên trong đủ lớn tự nhiên sẽ thúc đẩy các em dần trưởng thành, tự hoàn thiện bản thân và thành người có ích.