Éo le những mảnh đời xóm nổi chân cầu Long Biên

(PLO) - Trên những vũng nước đen kịt, ngay dưới chân cầu Long Biên cũ kỹ tấp nập người qua lại, bao năm qua có một nhóm người vô gia cư tụ tập, trôi dạt theo con nước. Họ không sống bằng nghề chài lưới nhưng lại khó lên bờ ở, ước muốn của họ hiện chỉ đơn giản là trời cho mưa thuận gió hòa...

Khu “ổ chuột”, xóm “đẻ chui”, xóm “3 không” là những cái tên mà mọi người gọi xóm nhà bè, xóm nổi ven sông ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội.

Người ở đây hầu hết ở đây đều là dân tứ xứ, từ các miền quê xa đến đây, số ít là người Hà Nội. Người mới thì 5 - 6 năm, người ở lâu đã gắn bó với xóm này vài chục năm nay.

Bà Đinh Thị Thái đến đây từ lúc 20 tuổi.

Mỗi người có cảnh ngộ riêng nhưng đều mong ước được lên bờ và dường như việc mong ước ấy được thực hiện rất xa vời... “Muốn lên bờ lắm nhưng tiền đâu mà thuê trọ, làm ra được ít tiền phải chi đủ thứ để sống qua ngày”, chị Thanh, một người bám trụ ở đây 17 năm tâm sự.

Muốn có điện thì các cư dân phải kéo dây từ các hộ trên bờ, mỗi tháng chi trả vài trăm nghìn. Với những người quanh năm chỉ trông vào vài ruộng ngô, vườn chuối thì vài trăm nghìn hàng tháng là một gánh nặng đáng kể. Thế nên, hầu hết người dân xóm bè đã quen với cuộc sống không có điện, nhà nào khá giả hơn thì có được vài tấm pin năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong sinh hoạt của cư dân xóm chài vẫn là thiếu nước sạch. Ngoài nguồn nước từ giếng khoan, người dân ở đây vẫn phải mua nước sạch để phục vụ nhu cầu ăn uống mỗi ngày.

Sự an toàn của người dân thì "bấp bênh theo con nước". Mùa nước lên, từng có trường hợp đuối nước thương tâm do người dân không kịp di dời tránh lũ. Vài năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chính quyền sở tại, đường dưới xóm bè được bê tông hóa, việc đi lại người dân đã dễ dàng hơn phần nào. 

Ông Quân trầm tư nhìn ra bãi tập của mọi người nay đã ngập sâu trong dòng nước.

Nơi này từng được gọi là xóm chài vì trước đây họ sống chủ yếu nhờ vào câu cá, thả lưới trên sông Hồng. Nhưng hiện nay không còn ai làm nghề đó để sống nữa, họ phiêu bạt làm đủ thứ nghề trong TP Hà Nội, phần còn lại trồng các loại hoa màu, như chuối, ngô...

Ở xóm nổi trên sông song người dân ở đây không ai biết đánh cá. Nguồn sống duy nhất của họ là làm nghề nhặt rác và cửu vạn tại chợ Long Biên. Nếu trời yên gió lặng, họ đủ ăn. Những lúc thời tiết không ủng hộ, mưa, gió thì chẳng biết phải làm gì để sống cho qua ngày.

Cuộc sống khó khăn, những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 này, khuôn mặt những người dân hiện rõ vẻ mặt buồn bã bởi nhiều loại hoa màu mà họ ươm trồng bị ngập phần lớn và đang đứng trước nguy cơ chết trắng bởi nước sông dâng lên quá nhanh gây ngập úng. Nhiều người ho rằng nước năm nay lên sớm và cao chỉ thua năm 2008 lịch sử. Lại thêm năm mất mùa nữa!

Bà Thái, một cư dân lâu năm tại xóm nổi ngậm ngùi kể: Con trai bà xin đi làm công nhân đều bị từ chối do không có bất cứ một thứ giấy tờ tùy thân nào. Có một nơi chiếu cố nhận thì chỉ trả một nửa số lương so với người lao động bình thường.

Trẻ em ở đây cũng chịu nhiều thiệt thòi. Vì nhiều lý do khác nhau mà đa số đều không có giấy khai sinh. Có trẻ vì bố mẹ nghèo quá mà phải "đẻ chui", cũng có những trẻ may mắn có được giấy chứng sinh nhưng bố mẹ không dám làm giấy khai sinh vì sợ bị phạt do là con thứ 3, thứ 4. Cũng vì thế mà việc đưa các em đến với con chữ gặp vô vàn khó khăn. 

Những mảnh đời bấp bênh ở xóm “nổi” giữa sông Hồng.
Ông Thành lặng lẽ nhìn người vợ trên chiếc bè tạm bợ.

Ông bà Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Thị Thuỷ (80 tuổi, quê ở Thanh Hoá) có lẽ là cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn nhất ở xóm nổi này. Lẽ ra tuổi này ông bà được quây quần cùng con cháu, nhưng hiện vẫn phải vật lộn để kiếm sống, không con cái, không người thân, không nhà cửa.

“Chiếc bè mà ông bà đang ở cũng là do mấy chú nhà báo dựng cho, không có nó mùa nước lên không biết trú đi đâu nữa”, bà Thủy chia sẻ.

Còn rất nhiều người, nhiều hoàn cảnh éo le khác, vì mưu sinh mà phải gắn chặt cuộc đời với mảnh đất này. Cuộc sống của họ như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống đô thị trên cao. Ước muốn của họ chỉ đơn giản là trời cho mưa thuận gió hòa...

Đọc thêm