Được thành lập từ năm 2013, CEO của F88, ông Phùng Anh Tuấn từng làm xôn xao dư luận với tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm thay đổi ngành cầm đồ Việt Nam”. Tuy nhiên, cách thức kinh doanh mà F88 đang triển khai cho thấy tuyên bố của vị CEO này không có mấy giá trị và gần như không có gì khác biệt so với các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ xuất hiện nhan nhản khắp các thành phố lớn trên cả nước.
Thậm chí, nếu so về chi phí vay thì F88 còn đang áp dụng mức lãi suất cao hơn so với nhiều đơn vị cho vay cầm đồ nhỏ lẻ khác khi áp dụng mặt khung lãi suất cho vay từ 4,5 – 6%/tháng trong khi nhiều cơ sở cầm đồ khác đang cho vay với lãi suất từ 3 – 4,5%/tháng.
Cụ thể, F88 hiện đang cho vay với lãi suất dao động từ 1.500 – 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 4,5 – 6%/tháng hay 54 - 72%/năm), tùy theo số lượng tiền vay, thời gian và tài sản thế chấp của khách hàng. Như vậy, mức lãi suất mà F88 đang áp dụng cao gấp từ 2,7 – 3,6 lần so với quy định pháp luật.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, lãi suất cho vay theo hình thức cầm đồ là lãi suất thỏa thuận giữa bên đi vay và bên chủ cầm đồ nhưng “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay” (Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015).
Mặc dù phải vay với lãi suất “cắt cổ”, các “thượng đế” của F88 vẫn phải thế chấp tài sản và được vay tối đa 80% giá trị của tài sản thế chấp. |
F88 luôn tự giới thiệu mình là “đơn vị đi tiên phong tại thị trường cầm đồ Việt Nam với mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc” nên đang tự cho mình quyền được “ngang nhiên” công khai quảng cáo mức lãi suất cao vượt khung, hoạt động trái pháp luật nhưng vẫn “sống khỏe” ?
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.