Bạc Liêu liên kết sản xuất để phát triển sản xuất - tiêu thụ nông sản

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Sáng 9/5, tại huyện Phước Long, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chủ trì Hội nghị sơ kết “Đánh giá tình hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thời gian qua và triển khai nhiệm vụ 2024 – 2025”.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP); đại diện Lãnh đạo Hiệp Hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Lãnh đạo các viện, trường...; Lãnh đạo Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, thực hiện Nghị định năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chương trình, Đề án, Kế hoạch, cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn tương đối khá cụ thể, làm cơ sở để thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển liên kết sản xuất khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất…, nhất là Nghị quyết số 06 năm 2020 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản địa phương còn chậm, chủ yếu đối với lĩnh vực trồng trọt (chiếm 48,88% diện tích gieo trồng); việc liên kết trong các lĩnh vực thủy sản, diêm nghiệp, chăn nuôi rất ít và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Do đó, việc sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi đúng, là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, kinh tế dựa vào lĩnh vực thủy sản và lúa, gạo... là chủ yếu.

Năm 2019, tỉnh đã tổ chức Hội nghị “đánh giá sản xuất lúa gạo gắn với bao tiêu, xuất khẩu, xây dựng hợp tác xã, cánh đồng lớn, ô đê bao khép kín, phát triển lúa giống”. Qua đó, các ngành chức năng và địa phương đã tổ chức nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất lúa gạo. Đến nay, việc thực hiện hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan.

Theo ông Phạm Văn Thiều, hiện nay việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mang tính tự phát, sản xuất nhỏ, lẻ chưa mang tính hàng hóa, việc phát triển nông nghiệp không tuân thủ các đề án, quy hoạch, kế hoạch, định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh và thiếu tính bền vững; tư duy sản xuất nông nghiệp của một bộ phận nông dân còn hạn chế, ngại thay đổi phương thức, tập quán canh tác và tổ chức sản xuất mới nên chưa thật sự quan tâm tham gia vào các chuỗi liên kết... Phổ biến nhất hiện nay là liên kết theo phương thức thông qua “hợp đồng tiếp cận đầu ra của thị trường”, khi đó, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người bao tiêu toàn bộ hàng hóa do nông hộ sản xuất theo mức giá do doanh nghiệp và nông hộ thỏa thuận từ đầu, doanh nghiệp và nông dân chủ yếu dựa trên chữ tín. Chính vì vậy, khi thị trường có biến động lớn về giá cả sẽ dễ dẫn tới nguy cơ hợp đồng bị phá vỡ, nên các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa thật sự bền vững.

Cần những cách làm mới về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), phát biểu tại Hội nghị.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá tình hình chế biến và xuất khẩu thủy sản và định hướng trong thời gian tới.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, do nhu cầu các thị trường trên thế giới tăng trở lại, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Điều này đã và đang giúp cho các nhà sản xuất trong nước an tâm hơn, duy trì tốc độ phát triển.

Các Sở, ngành, hợp tác xã... đã tham luận, thảo luận, trao đổi, qua đó giúp tỉnh Bạc Liêu định hướng được các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và bền vững.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, để thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đặc thù của tỉnh, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với nhu cầu của thị trường, thì theo tôi, chúng ta phải có các giải pháp hiệu quả, thiết thực nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa 6 nhà: “Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà ngân hàng - nhà khoa học - nhà phân phối”.

Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất với thị trường, đồng thời để liên kết thực sự đi vào chiều sâu, thì cả hệ thống chính trị phải cùng tham gia hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch vùng nguyên liệu, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia “hợp tác để cùng có lợi".

Năm 2023, Bạc Liêu xuất khẩu thuỷ sản đạt 95.980,14 tấn, đạt 102% kế hoạch.

Năm 2023, Bạc Liêu xuất khẩu thuỷ sản đạt 95.980,14 tấn, đạt 102% kế hoạch.

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đến nay bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan.

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đến nay bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan.

“Thời gian tới, các Sở, ban, ngành, UBND các cấp, đơn vị... tập trung đẩy mạnh việc liên kết, xây dựng vùng sản xuất có quy mô lớn, phù hợp cho từng loại nông sản tập trung là lúa và tôm, xây dựng chuỗi giá trị cho các loại sản phẩm nông nghiệp một cách bền vững. Tiếp tục khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cơ giới hoá, tự động hoá dây chuyền chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã phong phú đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thông tin tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP; Tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng chuỗi giá trị sản xuất hiện có. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị.

Đọc thêm