Filler, botox không hoá đơn, tem mác bán 'tràn lan' trên Shopee, Lazada và các mạng xã hội

(PLVN) - Chỉ cần click vào mục tìm kiếm trên Lazada, Shopee và các trang mạng xã hội, đánh từ khóa "filler, botox", tế bào gốc, người có nhu cầu có thể mua được các chất làm đầy, làm thon gọn mặt như mua "mớ rau" ngoài chợ.
Botox, filler bán tràn lan trên Shopee, Lazada.

Hàng không tem mác, không hoá đơn chứng từ bán tràn lan trên Shopee, Lazada, Facebook

Trong những năm gần đây, tiêm filler, botox trở thành trào lưu làm đẹp phổ biến, được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Sở dĩ tiêm filler (một loại chất làm đầy) hay botox (loại thuốc làm suy yếu hoặc giãn cơ) được ưa chuộng bởi nó không cần tới sự can thiệp của dao kéo, không để lại sẹo. Thậm chí, những loại này còn được khách hàng mua về nhà và tự tiêm cho mình.

Chỉ cần nhập vào mục tìm kiếm của Shopee, Lazada rồi đánh từ khóa filler, botox, lập tức sẽ hiện ra hàng loạt gian hàng đăng bán các sản phẩm này với nhiều mức giá khác nhau.

Một số loại phổ biến, được bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử này có thể kể đến như: "Tinh chất làm đầy EPTQ chính hãng" giá 349.000 đồng; Tinh chất tiêm tan quầng thâm mắt & bọng mắt BCN TBN giá 199.000 đồng; Botox thon gọn Wondertox100 giá 420.000 đồng

...

Filler, botox được bày bán trên các trang thương mại điện tử với giá rẻ bất ngờ.

Theo lời quảng cáo của chủ một gian hàng trên Shopee, "tinh chất làm đầy chính hãng EPTQ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, không thua kém gì các sản phẩm của Hàn Quốc".

Chủ một gian hàng khác có tên Ngochuyen.shop trên Ladaza khẳng định rằng: "Hàng bên mình là hàng của Hàn Quốc".

Phóng viên liên hệ với gian hàng trên để đặt sản phẩm filler EPTQ 1cc/hộp với giá 300.000 đồng. Chủ gian hàng này tư vấn "Filler chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ thường, tránh nhiệt độ cao là có thể để thoải mái theo hạn sử dụng".

Sau khi nhận được hàng, qua kiểm tra, trong túi hàng là một tờ giấy ghi giá tiền của Shopee, một hộp sản phẩm màu trắng có tên e.p.t.q S500 kèm theo một số thông tin khác bằng tiếng Hàn Quốc, hoàn toàn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Sản phẩm filler E.P.T.Q được đặt mua trên Lazada với giá 300.000 đồng/hộp.

Tại trang thương mại điện tử Shopee, PV có đặt mua sản phẩm botox với tên Wondertox100 có giá 415.000 đồng. Theo như quảng cáo, sản phẩm này có những tác dụng: Cân vùng mặt, giảm hoạt động cơ vùng hai bên cằm giúp mặt thon gọn; Ngăn ngừa tuyến mồ hôi nách, tay, chân; Tăng độ rộng cho mắt, làm mắt trông to hơn; Giảm nếp nhăn vùng cổ; cùng các công dụng khác như nâng sống mũi, má lúm đồng tiền.

Khi khách đặt câu hỏi tại sao sản phẩm không có nhãn và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt, người bán cho biết: "Hàng của Hàn, xuất thị trường quốc tế nên không có tiếng Việt".

Sản phẩm botox trên Shopee được bán với giá 415.000 đồng, được quảng cáo là của Hàn Quốc.

Hàng không tem mác, không hoá đơn chứng từ

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu gồm:

Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Không chỉ xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, dịch vụ cung cấp filler, botox còn tràn sang cả các trang mạng xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều.

Tham gia vào các hội nhóm tuyển mẫu tiêm filler, botox, tiêm tan mỡ, căng chỉ... trên Facebook, rất dễ dàng để tìm mua chất tiêm tan mỡ, làm đầy với đủ loại giá và nguồn gốc xuất xứ khác nhau.

Trong đó, filler được đăng bán với giá rẻ bất ngờ, chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Nhiều tài khoản còn tuyển mẫu tiêm filler với giá từ vài chục nghìn đồng thậm chí miễn phí, nhận tiêm filler với giá chỉ từ 300.000 đồng/mũi.

Loạt các tài khoản tuyển mẫu tiêm filler, botox.

Ngoài filler, các loại botox như botox 200ml, botox botulax cũng được đăng bán tràn lan với giá dao động từ 800.000 đồng. Theo quảng cáo, botox với hàng loạt công dụng như làm thon gọn gò má, hạ gò má, tạo gương mặt V-line, tiêm thon gọn bắp tay, cơ tay, cơ chân. So với filler thì botox có thời gian công dụng dài hơn vài tháng.

Xuất hiện hàng loạt các "tổng kho" filler, botox trên mạng xã hội facebook.

Để thuyết phục người mua, người đăng bán dùng những lời quảng cáo "có cánh" như: Hoàn toàn lành tính, không tác dụng phụ, tiêm đến đâu nắn đẹp ngay đến đó, được các bác sỹ thẩm mỹ tại Hàn Quốc và Châu Âu tin tưởng sử dụng,...

Và để tăng độ tin tưởng, người bán khẳng định chất lượng filler, botox là "hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc", "cam đoan hàng chính hãng"... Kèm theo đó là hàng loạt hình ảnh khách hàng trước và sau khi sử dụng.

Sản phẩm filler được quảng cáo là của Hàn Quốc được bán với giá 250.000 đồng/1cc.

Liên hệ với một tổng kho trên facebook, phóng viên đặt mua một sản phẩm filler với giá 250.000 đồng/hộp/1cc. Người bán cho biết: "Tất cả các sản phẩm đều là hàng mẫu nhập khẩu từ Hàn Quốc, loại 250.000 đồng/cc là dòng mẫu, thời gian được từ 6 - 8 lần tiêm, không cần bảo quản trong tủ lạnh".

Sản phẩm phóng viên nhận về tay hoàn toàn không có nhãn phụ tiếng Việt kèm theo, chỉ có một số thông tin tiếng Anh trên vỏ hộp.

Quy định tại điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP; hàng xách tay phải hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn. Trường hợp bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo quy định, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu.

Phóng viên được chủ cửa hàng spa ở Hà Nội giới thiệu là hay mua các sản phẩm tiêm filler và botox tại "tổng kho" trên Facebook có tên V.H. Vào vai một chủ spa muốn mua filler, botox về tiêm cho khách, phóng viên liên hệ với tài khoản Facebook V.H - chuyên phân phối Filler, botox, chỉ nâng cơ. Ngay lập tức người này tư vấn rất nhiệt tình và gửi cho phóng viên rất nhiều sản phẩm botox, filler khác nhau.

Khi được hỏi về nguồn gốc của sản phẩm, tài khoản này thông tin: "Toàn bộ là hàng xách tay của Hàn Quốc và chỉ hóa đơn bán lẻ". Người này cũng cho biết khi khách mua số lượng càng nhiều thì sẽ giảm giá. Độ bền của sản phẩm từ 12 -18 tháng, tuỳ mỗi cơ địa của từng người. Tài khoản này còn cho biết thêm: Địa chỉ spa ở TP Hồ Chí Minh hiện cũng đang dùng các dòng như Hima và Mizain để tiêm cho khách". Khi được hỏi về sản phẩm botox, filler đang đăng bán có cần bảo quản lạnh hay không, người này nói "cũng tuỳ loại".

Sản phẩm được quảng cáo là xách tay từ Hàn Quốc không có tem mác, nhãn phụ, không hoá đơn chứng từ.

Tương tự như các sản phẩm đã mua ở trên, filler, botox được mua từ tài khoản V.H khi nhận về tay cũng không hề có hóa đơn, tem nhãn và hướng dẫn sử dụng tiếng Việt.

Có thể thấy rằng, hiện nay để mua một sản phẩm filler, botox làm đẹp trên các trang "chợ mạng" tương đối dễ dàng với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, những sản phẩm này nguồn gốc như thế nào, kiểm định ra sao, có dấu hiệu nhập lậu hay không thì vẫn là 1 câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP, về tem nhãn thì sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó.

Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu (quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Đọc thêm