Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho biết, đến nay, các cơ sở cai nghiện ma túy trong cả nước đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 28.427 người (tăng 14.658 người so với năm 2015).
Trong đó, cơ sở công lập 23.127 (16.714 người cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa ám; 3.470 người cai nghiện tự nguyện, quản lý sau cai 2.943 người); cơ sở cai nghiện tư nhân là 5.300 người; cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng là 3.566 người.
Hiện cả nước có 28 cơ sở có chức năng điều trị Methadone, trong đó 15 cơ sở điều trị cho 2.434 người (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái,Thanh Hóa, Nghiệ An, Điện Biên, Bắc Giang, Hòa Bình, TP HCM), 13 cơ sở nằm trong các cơ sở cai nghiện đa chức năng và cơ sở tự nguyện đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định.
Đặc biệt trong năm 2016, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo các địa phương (Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có các giải pháp kịp thời đưa người nghiện phá trại, trốn trại trở lại các cơ sở cai nghiện, chỉ đạo phân loại đối tượng nghiện ma túy có tiền án, tiền sự có khu riêng, không để các đối tượng này cầm đầu, kích động, lôi kéo người khác…
Tuy nhiện, Bộ nhận định, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng chưa được các cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện, hiệu quả chưa cao…
Vì vậy, hướng tới mục tiêu “3 giảm” (giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại) trong công tác cai nghiện ma túy, năm 2017, Bộ LĐTB&XH xác định phấn đấu tỷ lệ người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 78%, tỷ lệ điều trị bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện giảm còn 14%.
Cùng với đó, Bộ sẽ phấn đấu để đảm bảo khoảng 15.000 lượt người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội; 5.000 người được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm.
Trong năm 2016, hàng nghìn lượt người bán dâm đã tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh 456 triệu đồng từ các nguồn hỗ trợ kinh phí trong vào ngoài nước. Tiếp tục xây dựng và duy trì 428 mô hình hỗ trợ, giảm tác hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm…