Gạo nhà chùa sẻ chia nơi tuyến đầu chống dịch

(PLVN) - Những ngày vừa qua, khi tin tức về đại dịch Covid- 19 bùng phát tại Đà Nẵng làm nóng xã hội, thì cũng một lần nữa, tinh thần sẻ chia của các Phật tử Đà Nẵng lại đến với cộng đồng. 
Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng trao tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tháng 4/2020

Câu chuyện sẻ chia của Phật tử Đà Nẵng cũng cho thấy trong suốt dòng chảy lịch sử của Việt Nam, Phật giáo đã trở thành một bộ phận, một lực lượng gắn bó khẳng khít, không thể tách rời. Và trong giai đoạn hiện đại, Phật giáo vẫn luôn dấn thân, đồng hành cùng đất nước…

Chung tay cúng dường để hỗ trợ người dân trong đại dịch

Trong 2 ngày 30 và 31/7/2020, Đại đức Thích Thông Đạo - Ủy viên Hội đồng trị sự, GHPGVN TP. Đà Nẵng cùng các tình nguyện viên vận chuyển khẩu trang y tế, đồ bảo hộ y tế, nước uống, sữa và các nhu yếu phẩm trị giá gần 30 triệu đồng đến bộ phận tiếp nhận để hỗ trợ cho các y bác sĩ Khoa Huyết học truyền máu Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa quận Cẩm Lệ. 

Cũng trong những ngày này, Thượng tọa Thích Thông Quang – Phó Trưởng Ban trị sự GHPGVN quận Sơn Trà đã hỗ trợ tiếp tế cho các y bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Trung tâm y tế quận Sơn Trà nhu yếu phẩm, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang y tế để phòng chống dịch với tổng giá trị hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều Phật tử tham gia hỗ trợ các bệnh viện phòng chống dịch. Điển hình như Phật tử Phan Thị Bích Ngọc đã hỗ trợ cho các bệnh viện trên địa bàn TP. Đà Nẵng 3.000 bộ đồ bảo hộ y tế. Ngoài ra bà Ngọc cũng đã mua sẵn 20 tấn gạo để chuẩn bị hỗ trợ cho các bạn sinh viên xa nhà đang sống tại Đà Nẵng, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ở đợt dịch đầu năm, nhiều chùa ở Đà Nẵng cũng vận động Phật tử ủng hộ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp nhiều khó khăn do Covid-19. Ngay từ những ngày đầu khi Covid-19 mới bùng phát, Ban trụ trì chùa Bồ Đề Thiền Viện phường Hoà Minh đã ủng hộ 5.000 khẩu trang y tế cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an quận Liên Chiểu làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Tiếp đó, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo quận Liên Chiểu và chùa Nam Hải phường Hoà Hiệp Bắc ủng hộ 2.000 khẩu trang y tế, 4 máy đo thân nhiệt và 1 triệu đồng cho Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các phường và các chốt trực trên địa bàn quận. 

Chùa Đà Sơn ở phường Hoà Khánh Nam ủng hộ 1 triệu đồng, 500 khẩu trang, 20 bao gạo cho các hộ nghèo tại địa phương, đồng thời thăm, động viên, tặng quà Trạm Y tế phường Hòa Khánh Nam. Đại đức Thích Pháp Đạo, Trụ trì chùa Đà Sơn cho biết, nhà chùa sẽ tiếp tục hỗ trợ những hộ dân gặp nhiều khó khăn do Covid-19 từ nguồn cúng dường của thiện nam tín nữ gần xa.

 Đại đức Thích Pháp Đạo, Trụ trì chùa Đà Sơn ủng hộ khẩu trang cho Trạm Y tế phường Hòa Khánh Nam

Bà Nguyễn Thị Niềm một người dân ở phường Hòa Khánh Nam cho biết số gạo gia đình bà nhận được từ chùa đã giúp gia đình bà vượt qua khó khăn và cảm thấy thêm vững tin phòng, chống dịch bệnh…

Phật giáo Việt Nam luôn hộ quốc an dân

Là tiêu đề bài viết của Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ GHPGVN lý giải sức sống tiềm ẩn của Đạo Phật ở Việt Nam trong cuộc sống của người dân Việt. 

Theo Hòa thượng Thích Trí Quảng, từ thời kỳ sơ khai lập quốc, trong các cuộc đấu tranh sinh tử ngàn năm chống Bắc thuộc đã có sự đóng góp rất hữu hiệu của Phật giáo. Sử sách còn lưu danh triều đại nhà Lý thuần từ kéo dài trên hai trăm năm. Các vua nhà Lý, từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông nổi tiếng là những ông vua đức độ, thương dân, chăm lo cho đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc.

Ảnh hưởng của Phật giáo ăn sâu vào các ngành hoạt động thuộc văn học, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Về phương diện chính trị, nhờ trí tuệ và đạo lực của các tăng sĩ, chính sách được sửa đổi văn minh nhiều hơn. Các hình phạt độc ác như ném kẻ phạm tội vào chuồng cọp, vào vạc dầu đun sôi, v.v… của vua Đinh, Lê bị hủy bỏ.

Tinh thần Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn lao đối với các vua nhà Lý đem lại sự thanh bình, an lạc cho đất nước. Lịch sử Phật giáo Việt Nam còn lưu dấu ấn của nhiều vị thiền sư đã kết hợp khéo léo tinh thần Bát Chánh đạo vào cuộc sống, thành tựu những đóng góp rất quan trọng cho dân tộc. 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo luôn là chỗ dựa cho cách mạng. Nhiều chùa chiền trở thành cơ sở hoạt động, nơi nuôi giấu những nhà cách mạng. Đông đảo phật tử kể cả tại gia tham gia tích cực sự nghiệp kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhiều tu sĩ đã tạm gác việc tu hành, giã biệt chốn thiền môn, ra bưng biền tham gia cách mạng như các Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, Thích Minh Nguyệt, Thích Thiện Hào, Thích Thế Long… nhiều tu sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng nước nhà.

Đặc biệt trong lịch sử của thế kỷ XX, Việt Nam và thế giới vẫn còn khắc ghi hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức “vị pháp thiêu thân” ngày 11/06/1963 giữa Sài Gòn nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã trở thành ngọn lửa thắp sáng lương tri toàn thế giới, kêu gọi thế giới ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hình ảnh “Trái tim vĩnh cửu” của Hòa thượng mang ý nghĩa cao cả của tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Những người con Phật sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp đại đoàn kết, đấu tranh cho công lý, hòa bình.

 Phật giáo Đà Nẵng chung tay phòng chống dịch Covid-19

Đặc biệt, sau năm 1975, khi đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, tư tưởng từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo một lần nữa khẳng định được vai trò thiết yếu của đạo Phật trong lòng người dân Việt. Các ngôi chùa ngay tức khắc đã trở thành địa điểm thân thương của người dân qua việc chữa bệnh, phát thuốc, hay các lớp học tình thương nuôi dưỡng, dạy dỗ những trẻ em mồ côi, khuyết tật, nghèo khổ. 

Đối với công tác từ thiện xã hội, Tăng Ni và Phật tử một lần nữa lại tích cực tham gia các phong trào xây dựng đất nước và an sinh xã hội. Có những vị tu sĩ và Phật tử nguyện sống chung với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS để an ủi, chăm sóc họ và nuôi dạy những trẻ em khuyết tật, mồ côi. Có nhiều vị tu sĩ đi tận vùng sâu vùng xa để tài trợ cho việc mổ mắt, đem lại ánh sáng cho người mù, hoặc đem lại nụ cười cho các trẻ thơ bị sứt môi.

Và còn rất nhiều tăng ni, Phật tử đã tham gia vào các phong trào ích nước lợi dân, mua công trái, trái phiếu xây dựng Tổ quốc, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mở lớp học tình thương, mở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, thành lập cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt trong và ngoài nước…

“… Có thể nói, sức sống tiềm ẩn của Đạo Phật ở Việt Nam chính là nhờ truyền thống dấn thân của Phật giáo, làm lợi lạc cho đất nước, cho dân tộc. Và chính sự gắn bó sâu sắc đó đã tạo thành một mô hình Phật giáo Việt Nam mang tính chất riêng biệt, tràn đầy sức sống” - Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh.

Đọc thêm