Khoảng đầu năm 2012, cư dân Thủ đô cũng như cộng đồng mạng xôn xao trước sự kiện một “tay chơi” đất mỏ Quảng Ninh bỏ tiền ra làm cơm 5.000 đồng để bán cho bệnh nhân và người nhà họ trước cổng một số bệnh viện (BV). Gặp chủ quán cơm trong một chiều cuối năm, biết chàng trai này vẫn đồng hành cùng người bệnh nghèo, tôi chợt thấy lòng mình ấm áp…
|
Trung đang bán cơm cho bệnh nhân |
Từ ý tưởng bất chợt…
Là một công tử con nhà giàu nhưng Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1988), Hạ Long, Quảng Ninh luôn xúc động và cảm thương trước những con người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo. Một ngày giữa năm 2011, trong một lần lướt web, Trung vô tình phát hiện những thông tin thú vị về những tiệm cơm 2.000 đồng ở TP. HCM và Huế. Một ý nghĩ bỗng nổi lên trong đầu: “Tại sao mình không giúp đỡ những người bệnh nghèo ở Hà Nội bằng cách này?”.
Nghĩ là làm, đầu tiên, cậu chia sẻ ý nghĩ này trên mạng và nhận được sự tán đồng của một số bạn bè. “Được lời như cởi tấm lòng”, Trung bay ngay vào TP. HCM để tìm hiểu về mô hình này. Sau khi đã học hỏi được ít nhiều kinh nghiệm Trung về Hà Nội và triển khai việc mở quán cơm 5.000 đồng. Gom góp và huy động được 15 triệu đồng, Trung và các bạn trong nhóm bắt đầu thuê nhà, tìm kiếm nhân sự, lên kế hoạch mua đồ ăn…
Đến “thương hiệu” nổi tiếng
Nghĩ lại những ngày đầu mở quán cơm di động 5000 đồng, Trung cho biết, cả nhóm chỉ có vỏn vẹn 4 người làm tất cả các khâu (từ lên danh sách thực đơn, đi chợ mua thực phẩm, nấu nướng đến in tờ rơi, phát phiếu và vận chuyển suất ăn đến BV…) nên ai cũng phải luôn chân, luôn tay mới kịp. Vì số lượng suất ăn chỉ có hạn nên nhóm chỉ ưu tiên bán cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
|
Từ những suất cơm giá rẻ, phát miễn phí tại cổng BV Nhi TƯ, “Cơm 5.000 đồng” đã tiếp tục được chuyển đến tay những người bệnh nghèo BV Thanh Nhàn; BV K; BV E và len lỏi vào tận xóm Thận, BV Bạch Mai. “Mệt nhưng vui!” – Trung chia sẻ. Trung không sao quên được hình ảnh một người mẹ người dân tộc địu cả con tới xin cơm (vì tưởng cơm phát miễn phí) tại cổng BV Nhi TƯ. Vì ngôn ngữ bất đồng, mãi Trung và các bạn mới biết được mục đích của hai mẹ con và anh sẵn sàng phát cơm miễn phí cho trường hợp này.
Trung cũng bị ám ảnh mãi trước sự việc một người bà đi chăm đứa cháu ở BV Thanh Nhàn vì bố mẹ đứa bé đều đã chết. Chưa kịp nhận được suất cơm, bà ngã lăn ra bất tỉnh vì đói quá. Cầm suất cơm đưa đến tận tay hai bà cháu mà nước mắt chủ quán cơm cứ thế trào ra. “Lúc đấy mình mới thực sự thấy được ý nghĩa của suất cơm…” – Trung ngẹn ngào cho biết. Và còn gì buồn hơn khi mỗi lần đến phát cơm ở xóm chạy thận, cứ mỗi tuần lại thấy thiếu vắng 1 - 2 người. Khi hỏi thì được biết họ đã ra đi mãi mãi…
Từ bốn thành viên nòng cốt, đến nay quán cơm 5.000 đồng của Trung đã quy tụ được hơn chục người thường xuyên tham gia, chưa kể đến gần 70 tình nguyện viên luôn sẵn sàng giúp sức. Ngoài ra, các cán bộ, nhân viên các BV cũng góp phần đáng kể trong việc lên danh sách, phát phiếu và phát hộ luôn cả suất ăn cho bệnh nhân nghèo.
Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người bệnh, Trung hoàn thiện mọi thủ tục, điều kiện cần thiết của việc mở quán cơm cũng như bổ sung các giấy tờ cho việc kinh doanh, và luôn tìm mua thực phẩm ở những nơi có nguồn gốc, xuất xứ và chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, “cơm 5000” của Trung và các bạn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và người bạn không thể thiếu của nhiều người bệnh nghèo và người thân của họ.
Luôn đồng hành cùng người nghèo
500 suất cơm mỗi tuần tại mấy BV, vị chi Trung phải bỏ ra 7-10 triệu đồng cho hoạt động này. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền lương hàng tháng mà bố mẹ trả cho Trung đã “không cánh mà bay” (bố mẹ Trung có công ty riêng, và Trung làm việc ở đó nhận lương như mọi nhân viên khác - PV). Nhưng , bù lại, Trung có được niềm vui, niềm đam mê trong công việc và nhìn thấy được ý nghĩa của cuộc sống – điều mà trước kia cậu không bao giờ có.
Trung cho biết, sang năm 2013, Trung dự kiến mở rộng việc hỗ trợ suất cơm sang Viện Huyết học và Truyền máu TƯ và một số BV khác và sẽ cố gắng theo đuổi công việc này đến cùng. Không chỉ giúp đỡ những người bệnh nghèo, Trung luôn đồng hành cùng những người nghèo khó, đặc biệt là hỗ trợ những trẻ em nghèo, hiếu học.
“Tài sản tồn tại mãi mãi là tài sản cho đi!” – Trung nghĩ như vậy và hành động bằng tất cả trái tim đồng cảm và bầu nhiệt huyết của mình. Nhiều bạn bè nói Trung dở hơi khi làm việc mà không được lợi lộc gì, nhưng Trung cảm thấy vui khi gặp gỡ và giúp đỡ được những con người khó khăn thực sự. Và hạnh phúc sắp đến khi ông chủ “cơm 5.000 đồng” lên xe hoa. Lấy vợ, có thể Trung sẽ ít có thời gian cho hoạt động từ thiện, nhưng thương hiệu “cơm 5.000 đồng” mà anh đã kỳ công tạo dựng sẽ theo anh đến suốt cuộc đời. Và sẽ có thật nhiều người bệnh nghèo được đón nhận niềm hạnh phúc này.
300 bánh chưng cho bệnh nhân nghèo đón Tết tại bệnh viện Mỗi khi nghe ai đó kể về những trường hợp nghèo khó, cô đơn cần giúp đỡ, không quản ngày đêm Trung theo chân tìm đến địa chỉ đó để giúp đỡ họ trong điều kiện có thể. Hiện, ông chủ quán cơm 5.000 đồng đang hỗ trợ thường xuyên cho hai trường hợp người già, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Trong buổi chiều hàn huyên với tôi tại một quán café nhỏ của Thủ đô, Trung cho biết, sớm mai cậu sẽ cùng nhóm tình nguyện hành hương lên xã khó khăn nhất của huyện Văn Chấn, Yên Bái để phát quà và tổ chức vui Tết cho trẻ em của xã này. Sau đó, Trung và các bạn sẽ tiếp tục về Hà Nội chuẩn bị mua thực phẩm để gói bánh chưng (khoảng 300 cái) để phát cho bệnh nhân nghèo phải ở lại viện điều trị trong dịp Tết. |
Đoan Trang