Gập ghềnh chặng đường hồi hương của nạn nhân mua bán người

(PLO) - Đối với nạn nhân mua bán người, giây phút mà bước chân của họ đặt lên mảnh đất Việt Nam tại khu vực biên giới cũng là thời khắc niềm vui òa bởi đã thoát nạn, đã được về nhà. Thế nhưng, vì nhiều lý do mà từ thời điểm đó, hành trình trở về của họ vẫn gặp nhiều khó khăn, gập ghềnh... 
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người. Ảnh minh họa
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người. Ảnh minh họa

Phụ thuộc vào giấy xác định nạn nhân

Theo thông tin từ Ngôi nhà Bình yên (NNBY) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, không ít nạn nhân mua bán người đã và đang tạm trú tại đây gặp khó khăn trên hành trình hồi hương. Hiện cơ sở này có 3 trường hợp điển hình.

Trường hợp thứ nhất là chị K (mã số 348/K/04/18, quê  Cần Thơ), K được lực lượng biên phòng giới thiệu đến NNBY vào tháng 4/2018 cùng hai con gái sinh năm 2014 và năm 2016. Hoàn cảnh chị K rất đáng thương. Năm 2013, do còn quá nhỏ và thiếu hiểu biết nên chị đã bị người phụ nữ cùng ấp dụ dỗ đưa sang Trung Quốc lấy chồng. Tại đây, chị K đã sinh được 2 con gái, cả hai đều được khai sinh và mang quốc tịch Trung Quốc.

Khi về Việt Nam, chị K có mang theo giấy khai sinh bản gốc của con gái lớn. Mong muốn của chị K là được trở lại quê nhà Cần Thơ để sinh sống và hai con gái của chị được làm lại giấy khai sinh ở Việt Nam để đến trường. Tuy nhiên, hiện chị K không có giấy tờ tùy thân (CMND) nên việc đi lại bằng các phương tiện khác nhau khi trở về Cần Thơ gặp nhiều khó khăn. Chị K chỉ mang được 1 giấy khai sinh của con gái lớn về Việt Nam, con gái mang quốc tịch Trung Quốc nên gặp khó khăn về việc làm lại giấy khai sinh tại Việt Nam. Bản thân chị K chưa được cấp giấy xác định là nạn nhân của tội phạm mua bán người do bên công an đang trong quá trình tiến hành điều tra vụ án. Chị K muốn trở về gia đình nhưng vì nếu về địa phương có khả năng kẻ mua bán người sẽ phát hiện và tìm cách lẩn trốn, điều này khiến cho việc điều tra và truy bắt tội phạm bị cản trở.

Để giúp đỡ chị K, NNBY đã gửi công văn về địa phương để thông báo với Hội LHPN thành phố Cần Thơ và các ban, ngành địa phương để cùng phối hợp hỗ trợ giải quyết các vấn đề của 3 mẹ con chị K;  kết nối với Phòng 6 Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an trong việc phối hợp hỗ trợ công an thu thập thông tin điều tra về vụ án mua bán người (chị K đã làm đơn tố cáo kẻ lừa bán và nhận diện tội phạm qua ảnh).

Trường hợp thứ hai là chị X (mã số 334X/01/17, sinh năm 1984, quê ở Điện Biên) được Công an cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài giới thiệu vào NNBY từ tháng 1/2017.  Chuyện chị X đến với NNBY được nhiều người nhớ vì khi đến chị vẫn mặc nguyên trang phục của phụ nữ Ả Rập (áo choàng màu đen, dài đến gót chân) và không vệ sinh cá nhân trong 4 ngày liền. Tháng 12/2015, chị X đi khỏi nhà theo chương trình xuất khẩu giúp việc gia đình của bà Nguyễn Thị P. N. (có văn phòng ở TP Điện Biên) nói là giúp đỡ phụ nữ nghèo. Chị X được chủ cơ sở trên đến nhà  2-3 lần một ngày để vận động, tháng 1/1/2016, chị X xuất cảnh sang Ả rập Xê út. Tháng 6/2016, chị X gửi về 1 tháng lương, mã số có 16 số, nhưng gia đình đi 3 ngày, hỏi các ngân hàng đều được trả lời không có mã số này. Theo lời kể của chị X qua điện thoại với gia đình thì công việc của chị bên Ả rập Xê út là trông người bị bệnh đao. Cuối tháng 9/2016, chị gọi về nhà nói: “Con khổ lắm, nhục lắm, muốn tự tử, nhục quá…”. Từ đó, theo lời kể của gia đình, họ không có bất kỳ liên hệ gì từ chị X nữa.

Để đưa chị X trở về Việt Nam, Cảnh sát Ả rập Xê út đã nhờ 2 phụ nữ (cũng về Việt Nam) đưa về. Chị X trở về Việt Nam trong tình trạng sức khỏe tinh thần có nhiều biểu hiện không bình thường như mặc nguyên trang phục của phụ nữ Ả Rập, không ăn, uống, không vệ sinh cá nhân từ khi lên máy bay về Việt Nam. Khi về NNBY, chị X cũng không ăn, không ngủ, không nói chuyện với ai. Căn cứ những thông tin có trên hộ chiếu của chị X, thông qua Hội Phụ nữ tỉnh Lai Châu, Công an Lai Châu và Điện Biên, NNBY đã liên hệ được với Trưởng Công an xã của nơi chị X cư trú, từ đó Trưởng Công an xã liên hệ với gia đình chị X và thống nhất việc NNBY đưa chị X về quê tỉnh Điện Biên vào ngày 21/1/2017. 

Tuy đã trở về nhà, nhưng chị X vẫn gặp những khó khăn như tình trạng sức khỏe không ổn định, không có khả năng tự trình bày nên gặp khó khăn trong việc cung cấp các thông tin để hỗ trợ về mặt pháp lý; khi về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, người phụ nữ này chỉ có hộ chiếu và hiện vẫn chưa được cấp giấy xác định nạn nhân. Được biết, công ty môi giới việc làm của bà Nguyễn Thị P.N không có sự liên hệ và không có trách nhiệm gì mặc dù Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã phối hợp làm việc với công ty nhưng họ không có sự phản hồi nào về việc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho chị X.

Trường hợp thứ ba là chị H (mã số 298H/06/15, sinh năm 1978, quê  Hà Nội), được PC45 Hà Nội chuyển đến NNBY tháng 6/2015. Trước đó, tháng 12/2014, chị H quen người đàn ông tên Lộc và được rủ đi bán quần áo ở Lào Cai. Muốn có tiền nên chị H nhận lời. Chỉ được thời gian ngắn, chị H bị lừa sang Trung Quốc bán cho một người đàn ông. Người chủ Trung Quốc này bắt chị H làm gái cho chính hắn. Hàng ngày, ông chủ đưa 5, 6 người đến bắt chị bán dâm. Chị H bị hạn chế ăn, nhốt trong nhà. Một lần, do người chủ để quên chìa khóa, chị H đã mở cửa chạy đến nơi có ngôi sao sáng màu đỏ mà chị nghĩ là đồn công an. Ở đó chị H được phiên dịch, Công an Trung Quốc cho tiền trở về Việt Nam.

Về đến nhà, chị H đã trình báo cho Công an TP Hà Nội và được hỗ trợ đưa vào NNBY và đã gắn bó tại đây 4 tháng. Chị H được tham vấn tâm lý, khám sức khỏe tổng thể, được đào tạo kỹ năng sống và hỗ trợ pháp lý cũng như tư vấn hướng nghiệp. Theo NNBY, mặc dù theo yêu cầu của Công an TP Hà Nội chị H nhiều lần làm việc với công an và đã đi Lào Cai để tham gia quá trình điều tra tội phạm mua bán người, tuy nhiên, hiện tại chị vẫn chưa được cấp giấy xác nhận của cơ quan chức năng về việc là nạn nhân của mua bán người nên gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập.

Thiếu quy định luật pháp về cơ chế phối hợp

Mới đây, với hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và Ban Gia đình - Xã hội đã thực hiện Nghiên cứu đánh giá hoạt động của mô hình địa chỉ tin cậy và NNBY để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này.

Một số khó khăn về hỗ trợ và theo dõi hồi gia đã được nghiên cứu chỉ ra như: Thiếu quy định luật pháp về cơ chế phối hợp đồng bộ giữa NNBY với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và gia đình để hỗ trợ hồi gia; hầu hết người hồi gia chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ do chưa được quan tâm, các thủ tục hành chính và cả định kiến xã hội: “Nhìn chung, hỗ trợ nạn nhân hồi gia sẽ ít có kết quả khi thiếu một chuỗi những hoạt động hỗ trợ, theo dõi và hướng dẫn thường xuyên cho nạn nhân từ khi ở NNBY cho tới khi về gia đình, cộng đồng”, nghiên cứu đánh giá. 

Ở góc độ hỗ trợ pháp lý, nghiên cứu cho thấy hiện nay chủ yếu vẫn là mô hình địa chỉ tin cậy và NNBY phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng, chưa hiệu quả khi giúp nạn nhân sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí. Bên cạnh đó là rào cản tâm lý nạn nhân, nhận thức/định kiến của xã hội, thiếu sự cam kết và hợp tác từ địa phương trong hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; ít các vụ việc được đưa ra công luận và xét xử đúng theo tội…

Trong Công văn phúc đáp Bộ LĐ-TB&XH, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (nơi có NNBY) đã thông tin: “Tuy NNBY được đánh giá là mô hình hỗ trợ nạn nhân toàn diện, có lợi thế so sánh với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác nhưng từ năm 2014, số lượng nạn nhân đến với NNBY sụt giảm mạnh. Nguyên nhân là do NNBY trực thuộc Hội LHPN Việt Nam không nằm trong kênh giao chuyển liên ngành giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao theo Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán”. 

Đọc thêm