Dã tâm bắt doanh nghiệp “dọn cỗ cho người khác xơi”?
Kim Oanh đã đầu tư vào dự án hàng ngàn tỷ; và sau khi thoát món nợ khổng lồ với ngân hàng, bên có tài sản phát mãi là Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú (trụ sở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) bất ngờ khiếu nại hành chính đòi hủy kết quả đấu giá. Vụ việc được đưa đến giải quyết ở cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước với kết luận kết quả đấu giá không thể hủy bỏ.
Thiên Phú tiếp tục khởi kiện Kim Oanh ra tòa. Cùng lúc, có những đơn tố cáo khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc thanh, kiểm tra Kim Oanh. Trên mạng, có một “chiến dịch” vu khống bêu xấu hình ảnh của Kim Oanh. “Tôi rơi vào tình cảnh “thập diện mai phục”, có những thời điểm hai tháng trời mất ngủ”, bà Oanh kể lại.
Nhìn người phụ nữ dáng vóc mảnh mai này, ai cũng thắc mắc không hiểu vì sao bà Oanh lại có thể chịu đựng những nỗi khốn khổ như thế. Bà Oanh nói: “Vừa trúng đấu giá xong, tôi phát hiện ra nhiều vướng mắc nên lập tức gửi văn bản cho Agribank đề nghị sớm gỡ. Thứ nhất là di dời các hộ dân lúc đó đang trồng rất nhiều cây cảnh trên đất.
Thứ hai, tôi phát hiện một danh sách tái định cư nhưng không biết bao nhiêu hộ. Thứ ba, tôi làm việc thì biết Thiên Phú là đơn vị có tài sản bị phát mãi nợ thuế. Nếu nợ ở Bình Dương thì biết ngay là bao nhiêu để đóng.
Đằng này của Thanh tra Chính phủ hàng bao nhiêu năm về trước kết luận, mình phải làm báo cáo ra để họ tính toán xem xét lại. Ranh đất của dự án thì mập mờ. Agribank trả lời mấy cái đó phải ngồi lại ba, bốn bên với nhau. Mọi chi phí xử lý Kim Oanh bỏ ra”.
|
Ủy ban Tư pháp Quốc hội trả lời nhận được đơn của bà Oanh. |
“Mua xong, chúng tôi xin chủ trương chuyển đổi chủ đầu tư từ Thiên Phú sang Kim Oanh. Thiên Phú cũng có văn bản gửi UBND tỉnh. Ba bên vui vẻ thực hiện. Khi Sở Tài nguyên và Môi trường giao đất hiện trạng, chính đại diện Thiên Phú là ông Bùi Văn Sơn là người ký biên bản giao đất”.
Rắc rối chưa hết: “Rồi bất ngờ UBND Bình Dương trả lời miếng đất này diện tích 55ha nhưng chỉ đấu giá 49ha, nên đề nghị mua hết diện tích “da beo”. Tôi chấp nhận, nhưng thực hiện xong thì tỉnh lại lấy lý do chưa trả tiền hết cho ngân hàng, dù ngân hàng gửi 7 - 8 công văn là theo thỏa thuận, phải có chủ trương của tỉnh thì ngân hàng mới lấy được hết tiền”.
Bà Oanh nhẩm tính sơ sơ: “Chi phí xử lý đất “da beo” hết 49 tỷ, tái định cư hết 29 tỷ, rồi dời các hộ dân có trồng cây cảnh. Nhà nước không thiệt hại, Thiên Phú không mất gì, còn chúng tôi phải chịu hậu quả hết. Ngay cả chuyện đường vành đai số 3 đi ngang qua sẽ khiến dự án mất hết 3ha, tôi cũng không ý kiến gì”.
Sau cả năm trời miệt mài “dọn rác”, tưởng như dự án đã “sạch sẽ”, chỉ chờ ngày tỉnh chấp thuận chuyển đổi chủ đầu tư là dự án Hòa Lân sẽ khởi công. Nhưng bà Oanh ngậm ngùi: “Không ngờ chúng tôi đã lâm vào cảnh bị một số đối tượng “mafia cổ cồn” âm mưu gài vào thế “dọn cỗ cho người khác xơi”. Trong lá đơn tố cáo tội phạm gửi cơ quan chức năng Bình Dương mới đây, bà Oanh cho hay có nhóm đối tượng đứng sau “giật dây” Công ty Thiên Phú.
“Thập diện mai phục”
Bà Oanh tố cáo, nhóm “mafia cổ cồn” này có những thủ đoạn “ăn từ lớn đến nhỏ”, “lớn bùi, bé mềm”. Sau này rà soát hồ sơ, bà mới biết bị lừa tiền ngay từ giai đoạn “dọn rác” dự án.
Ví dụ như chuyện Thiên Phú cung cấp danh sách 15 hộ dân tái định cư để Kim Oanh đưa Thiên Phú gần 30 tỷ “trả thay” và “nợ hồ sơ”. Mãi tới ngày 5/9/2019, Kim Oanh có văn bản gửi UBND phường Thuận Giao đề nghị cung cấp thông tin, mới biết sự thật: Chỉ có duy nhất một hộ dân nằm trong danh sách có đất, còn lại tất cả các hộ khác chỉ là “ảo”, là “xác sống”, là “con rối”.
Bà Oanh cho hay, sau khi khu đất cơ bản đã được Kim Oanh “dọn dẹp sạch sẽ”, “mafia cổ cồn” còn... viết thư mời gọi đầu tư vào Dự án Hòa Lân, gửi đến một “đại gia” bất động sản tại khu vực Đông Nam Bộ. Ngoài ra, còn có kẻ xấu giấu mặt cho người phát tờ rơi, mời quảng cáo và đăng tải thông tin sai sự thật trên một số trang mua bán, chào bán trái phép nền đất Dự án Hòa Lân ra thị trường.
|
Văn Phòng Chủ tịch nước trả lời nhận được đơn của bà Oanh. |
“Dã tâm của họ là rất lớn. Họ không chỉ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà còn phá hoại hoạt động đầu tư kinh doanh của Kim Oanh nhằm làm chúng tôi khiếp sợ. Mục đích của họ có thể là tống tiền, hoặc làm chúng tôi khiếp sợ để đối tượng khác thâu tóm”, bà Oanh nói.
Bà Oanh rùng mình kể lại: “Họ “đánh” rất bài bản, có kế hoạch, có chủ đích, có phương án 1, phương án 2. Ví dụ chuyện số tiền trả cho ngân hàng để lấy dự án Hòa Lân là gần 1.400 tỷ, thời điểm một vài năm trước lớn khủng khiếp, khó có thể xoay ngay. Dự định sáng ngày 6/3/2019, một ngân hàng sẽ làm việc, giải ngân cho tôi một khoản vay.
Các đối tượng xấu biết trước kế hoạch nên trước đó một ngày, có một bài viết xuất hiện trên mạng ngày 5/3, tung tin “công an đang vào cuộc điều tra Dự án Hòa Lân”. Lập tức ngân hàng có văn bản dừng lại, không cho tôi vay nữa. Thế là tôi phải vay khẩn cấp ở ngoài để có đủ tiền thanh toán. Khi người cho tôi vay vừa chuyển 150 tỷ thì có một cuộc điện thoại đe dọa, yêu cầu rút ra”.
“Rồi đúng 4h chiều ngày 14/3/2019, Kim Oanh vừa hoàn tất trả tiền mua đấu giá trúng Dự án Hòa Lân, thì 5h chiều là bị một cái lệnh “phong tỏa” Dự án Hòa Lân của TAND quận 7, TP HCM. Như vậy là họ “thập diện mai phục” “đánh” hòng triệt hạ Kim Oanh, để tôi không bao giờ tìm ra tiền trả tiền mua dự án. Khi không chặn nguồn tài chính của tôi được thì họ dùng “kênh” khác”.
Đòi... tước Huân chương Lao động của doanh nghiệp
Trong “chiến dịch” bêu xấu Kim Oanh trên mạng chưa rõ do ai đứng sau, còn có những đòn thâm hiểm khác như đơn đề nghị... tước Huân chương Lao động của Kim Oanh.
Những yêu cầu bất hợp lý này đã bị cơ quan chức năng phản bác. Trong Văn bản số 432/BTĐKT-NV do Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương ban hành ngày 23/12/2019, đã nêu rõ: “Giai đoạn 2010-2015, Kim Oanh đã có nhiều đóng góp ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện với tổng số tiền hơn 21 tỷ.
Cũng trong giai đoạn này, Kim Oanh thực hiện đúng đủ nghĩa vụ thuế, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động. Kim Oanh được tặng Giấy khen, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thuế, Trung ương Đoàn TNCS HCM...”.
|
Nhiều cơ quan trung ương cho biết đã nhận được các yêu cầu kiến nghị của Kim Oanh. |
Văn bản nêu rõ: “Việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Kim Oanh năm 2016 do lập được thành tích xuất sắc trong hoạt động từ thiện, xã hội trên địa bàn tỉnh là đúng quy định”.
Cũng theo văn bản này, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn Bình Dương, Kim Oanh đã ủng hộ các hoạt động từ thiện, xã hội với tổng số tiền trên 91 tỷ, có nhiều thành tích, nên việc năm 2018 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai là đúng quy định.
Bà Oanh tâm sự: “Là một phụ nữ đi lên từ khó khăn nhưng với tâm huyết mà gây dựng một tập đoàn lớn mạng hàng chục năm qua phát triển không ngừng, chúng tôi đã tập trung đầu tư vào các dự án đang tồn đọng, hỗ trợ các doanh nghiệp khác, góp phần tháo gỡ khó khăn nói chung cho xã hội và nền kinh tế, phát triển các dự án bị bỏ hoang nhiều năm mà các chủ đầu tư cũ nợ ngân hàng, đặc biệt là các dự án đã chịu cảnh “đắp chiếu” hàng chục năm.
Tuy nhiên, sự việc của chúng tôi cho thấy hiện đang xuất hiện dấu hiệu của “mafia cổ cồn” ở Việt Nam, ức hiếp các doanh nghiệp chân chính. Theo tôi, Trung ương và cơ quan chức năng cần chỉ đạo, vào cuộc kiểm tra, điều tra làm rõ vấn đề này, tạo sự an tâm cho doanh nhân, tạo môi trường an toàn kinh doanh cho doanh nghiệp”.
Ngày mai (5/3), TAND quận 7, TP HCM sẽ đưa ra xét xử vụ kiện dân sự, trong đó Kim Oanh chỉ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng lại là bên bị thiệt hại nhiều nhất khi Dự án Hòa Lân bị Tòa quận 7 “phong tỏa” vì liên quan yêu cầu của nguyên đơn Thiên Phú.
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Bà Oanh rớt nước mắt: “Nếu Kim Oanh chỉ bị “chôn vốn” 1.600 tỷ tại dự án Hòa Lân ba năm nay thì không chới với. Vì ngoài số tiền đó, tôi còn hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi. Nhưng khi thưa kiện mà trang mạng tung tin búa xua thì tôi thiệt hại nặng nề bậc nhất là uy tín, danh dự, nguồn khách hàng.
Ngân hàng bây giờ cũng ngại cho chúng tôi vay. Rồi chịu những chuyện thưa kiện tố cáo vô cớ, còn khiến địa phương cũng rất ngại gặp gỡ doanh nghiệp chúng tôi. Nhiều dự án của chúng tôi đều bị “đứng”, cả mới lẫn cũ”.
“Uất ức bậc nhất là chuyện đối tượng xấu đòi tước Huân chương Lao động của chúng tôi. Cá nhân tôi và tập thể Kim Oanh rất tự hào về sự đánh giá khen thưởng của địa phương và Trung ương ghi nhận những gì Kim Oanh đóng góp. Đó cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu tốt hơn”.