Gặp họa sau khi “giải cứu” món nợ xấu ngàn tỷ (Bài 3): “Chiến dịch” phá rối lợi dụng quyền khiếu kiện

(PLVN) - Gia đình truyền thống cách mạng có 4 liệt sỹ và 1 Mẹ Việt Nam anh hùng, thiện tâm đến mức dám hiến nhiều ha đất và hàng trăm tỷ cho Bình Dương làm công trình xã hội, nhiều năm ăn chay, tâm niệm mục đích số 1 trong kinh doanh là đóng góp cho đất nước và nhân dân… Thế nhưng người phụ nữ ấy từng có lúc phải chịu một “chiến dịch bêu xấu”, vẽ ra hình ảnh một “ngáo ộp”, bị vu khống “thâu tóm đất giá rẻ”…
Quyết định của một thẩm phán cấp quận khiến Kim Oanh “chôn vốn” 1600 tỷ tại khu đất này.
Quyết định của một thẩm phán cấp quận khiến Kim Oanh “chôn vốn” 1600 tỷ tại khu đất này.

“Chiến dịch bêu xấu”, phá rối

Theo thống kê của bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, TGĐ Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM, trụ sở phường Phước Long A, Quận 9, TP HCM), sau khi mua đấu giá trúng “dự án Khu đô thị dịch vụ - thương mại Hòa Lân” (diện tích gần 50 ha tại phường Thuận Giao, TP Thuận An) và bị bên có tài sản phát mãi là Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú (trụ sở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, cùng tỉnh Bình Dương) vô cớ kiện tụng, Kim Oanh đã gặp vô số oan nghiệt rắc rối. 

Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có trên 160 bài viết trên mạng phản ánh sai sự thật về hoạt động của Kim Oanh. Đồng thời, Kim Oanh dính “đòn triệt hạ” khi tòa án ra quyết định “phong tỏa” dự án Hòa Lân trong vụ án nhiều khuất tất mà Thiên Phú là nguyên đơn.

Chưa hết, Thiên Phú bị cho là còn có hàng loạt đơn khiếu nại tố cáo bịa đặt, khiến Kim Oanh phải liên tục tiếp các đoàn thanh kiểm tra.

Nỗi oan ức ấy đã khiến bà Oanh ngày 24/2/2020 vừa qua  phải gửi đơn đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan TW với khẩn cầu: “Đề nghị cử các Đoàn Thanh tra để thanh kiểm tra toàn bộ các dự án của Kim Oanh. Trường hợp doanh nghiệp (DN) tuân thủ quy định thì phải cho DN triển khai thực hiện dự án; và các cơ quan, ban ngành chấm dứt việc thanh kiểm tra để DN được khôi phục, hoạt động bình thường”.    

Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, năm 2017, Kim Oanh giải cứu “cục máu đông” nợ xấu ngành ngân hàng khi đấu giá trúng dự án Hòa Lân. Sau khi thoát khỏi món nợ ngàn tỷ cùng khoản lãi hàng chục tỷ mỗi tháng, Thiên Phú quay ngoắt đâm đơn đòi hủy kết quả đấu giá. 

Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc kết luận những tố cáo của Thiên Phú “không có cơ sở”. Cuối tháng 3/2019, Bộ Tư pháp có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ đề nghị hủy kết quả đấu giá là không có căn cứ vì: “Việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá của công ty đấu giá không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng”. Giữa tháng 5/2019, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, có quan điểm đồng ý với báo cáo trên.

Cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra pháp luật, quản lý ở cấp TW về lĩnh vực đấu giá đã có kết luận rõ ràng về sự việc. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước cũng đã có ý kiến.

Thế nhưng vẫn có hàng trăm bài viết trên mạng “tấn công” vụ đấu giá, trong đó cắt xén trích dẫn không đầy đủ bản Kết luận Thanh tra, chỉ chăm chăm vào một số sai sót nhỏ trong vụ đấu giá rồi quy chụp, đưa ra những yêu cầu thiếu căn cứ như “cần xem xét lại”.

Bà Oanh thở dài: “Kim Oanh “ôm đầu máu” sau khi mua đấu giá trúng dự án Hòa Lân. Cả trăm bài viết sai sự thật phát tán trên mạng khiến chúng tôi khốn đốn. Có khi hôm nay dự định sẽ ký hợp đồng vay trăm tỷ với ngân hàng thì một bài viết vu khống xuất hiện trên mạng, lập tức ngân hàng nại lý do hoãn. Cơ quan nhà nước cũng e ngại. Giờ một số cán bộ, sở ngành dường như cũng “né” việc gặp tôi vì sợ bị thông tin đồn đại”.

Mệt mỏi không kém, theo bà Oanh, là những cuộc thanh kiểm tra sau khi “ôm” dự án Hòa Lân: “Năm 2017 có đơn tố cáo nặc danh Kim Oanh, công an vào “quần” hết hai năm, kết luận không có sai phạm bất cứ điều gì như đơn tố cáo. Tưởng như vậy là xong, ai ngờ năm 2018, đến Cục Thuế vào thanh tra toàn diện. Vẫn không phát hiện sai phạm gì.

Rồi cùng 2018, do Thiên Phú có đơn tố cáo nên Thanh tra vào xem xét vụ đấu giá. Đầu 2019 Tổng cục Thuế lại thanh tra thuế toàn diện, không có gì. Cuối 2019, tiếp tục bị Thanh tra tỉnh vào thanh tra dự án. Rồi một số cơ quan công an cũng vào. Cứ liên tục vào ra như vậy”.

Vẫn lời bà Oanh: “Đến nay chưa một đơn vị nào kết luận chúng tôi sai phạm gì. Chính sách của Đảng và Nhà nước như thế nào thì chúng tôi bám vào đó mà làm. Thủ tướng đã chỉ đạo là giảm bớt thanh tra, điều tra. Nhưng quá trình 2017 – 2019, chúng tôi bị kiểm tra, thanh tra, điều tra quá liên tục, trong đó có nguyên nhân do Thiên Phú lợi dụng quyền tố cáo khiếu nại. Chúng tôi rất mệt mỏi vấn đề này nên mới làm đơn cầu cứu lên Đảng và Nhà nước như hôm 24/2 vừa qua”.

Khốn đốn vì một thẩm phán cấp quận lạm quyền

Bà Oanh cho hay Thiên Phú không chỉ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để phá rối việc làm ăn chính đáng của Kim Oanh, mà còn “tung đòn triệt hạ” qua kênh tòa án. Bà Oanh nói: “Tôi không ngờ một vụ kiện vô lý như vậy mà TAND quận 7, TP HCM lại thụ lý; sau đó liên tiếp có nhiều động thái dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, tiếp tay cho đối tượng lợi dụng quyền kiện tụng”.

Giữa tháng 2/2019, Thiên Phú có đơn khởi kiện gửi TAND quận 7 yêu cầu “Tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01 -10/2017/HĐMBTSĐG vô hiệu do vi phạm điều cấm” và “hủy kết quả vụ bán đấu giá Dự án Hòa Lân”.

Lý do dự án ở Bình Dương, nhưng lại kiện ở TP HCM, vì Thiên Phú cho rằng bị đơn trong vụ án này là Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn có trụ sở tại Quận 7. Thời điểm Thiên Phú kiện, công ty đấu giá này đã tạm ngưng hoạt động. Và thực tế cho đến nay tòa Quận 7 đã mời hàng chục lần nhưng bị đơn này không có mặt. Vụ án vẫn được thụ lý. 

Theo Điều 72 Luật Đấu giá, trong hai yêu cầu của Thiên Phú, yêu cầu thứ 2 là hệ quả tất yếu chỉ khi yêu cầu thứ nhất được chấp nhận. Vì thế vụ án chính ở đây là “Tuyên bố HĐMBTSĐG bị vô hiệu”. Thế nhưng tại Thông báo thụ lý số 20/2019/TB-TLTA, Thẩm phán Lê Thị Phơ không rõ vì vô ý hay cố ý khi nêu “thụ lý vụ án Hợp đồng bán đấu giá”.

Đến ngày 27/8/2019, khi thông báo thụ lý bổ sung, Thẩm phán Phơ sửa tên gọi vụ án là “Tranh chấp HĐMBTSĐG”. Những vi phạm về xác định tên gọi vụ án, khiến vụ án thụ lý không đúng yêu cầu của người khởi kiện. Nói cách khác là sai sót từ gốc rễ.

Từ việc xác định sai tên gọi vụ án, thẩm phán tiếp tục sai khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch với tài sản đang tranh chấp”. Bà Oanh cho hay: “Lý do đến từ việc Thiên Phú có Đơn đề nghị, trong đó vu khống dựng chuyện chúng tôi “có hành vi chuyển dịch tài sản” bằng việc chào bán nền đất tại dự án Hòa Lân”. 

Theo luật, bên đưa ra yêu cầu “cấm chuyển dịch với tài sản” phải nộp khoản tiền tương ứng với số tiền mà chủ tài sản bị thiệt hại trong thời gian bị “cấm chuyển dịch”, để đền bù cho chủ tài sản nếu chủ tài sản được tòa tuyên “vô can”.

Trong vụ này, khối tài sản đó là dự án Hòa Lân, có giá trị “bèo” nhất cũng 1.353 tỷ đồng (thời điểm tháng 5/2017). Chỉ riêng thiệt hại nếu tính theo lãi suất cho vay của ngân hàng (khoảng 8%/năm), mỗi tháng vì bị cấm chuyển dịch mà Kim Oanh đã mất ít nhất 9 tỷ, một năm xấp xỉ 110 tỷ. Thế nhưng trong toàn bộ vụ án này, tòa Quận 7 lại chỉ buộc Thiên Phú phải “ký quỹ”… 1 tỷ đồng.  

Chưa hết, trong yêu cầu khởi kiện bổ sung, Thiên Phú đòi tòa tuyên bố hợp đồng tín dụng giữa Thiên Phú và Agribank là vô hiệu. Vậy nhưng thẩm phán vẫn thụ lý và “nhốt chung tất cả vào một rọ” với vụ án trước. Bà Oanh cho hay đây là hành vi vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Theo khoản 1 Điều 42 BLTTDS, hai đơn khởi kiện của Thiên Phú kiện hai cơ quan tổ chức khác nhau với hai nội dung khác nhau không thể gộp làm một. Hơn nữa, theo khoản 3, khoản 6 Điều 68 BLTTDS, thì trong một vụ án, Agribank không thể tham gia tố tụng với tư cách vừa là bị đơn vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được.  

Bà Oanh ngậm ngùi: “Chúng tôi đã hoạt động kinh doanh thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuân thủ pháp luật, đáng tuyên dương; nhưng không ngờ lại khốn đốn vì một thẩm phán cấp quận lạm quyền”.

Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau. 

Đọc thêm