Gặp họa sau khi “giải cứu” món nợ xấu ngàn tỷ (Bài cuối): Nỗi niềm nữ doanh nhân nổi tiếng trước phiên tòa 'lịch sử'

(PLVN) - Giới kinh doanh bất động sản và chuyên gia pháp lý gọi phiên tòa kiện đòi hủy kết quả đấu giá Dự án Hòa Lân (diện tích gần 50ha tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương) dự kiến diễn ra hôm nay (5/3) là “phiên tòa lịch sử”. 
Bà Oanh: “Tôi không lo ngại gì trước phiên xử. Pháp lý, tình lý chúng tôi chắc chắn, đầy đủ”.

Kết luận về tính đúng đắn của vụ đấu giá, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước đã có ý kiến; nhưng nguyên đơn vẫn đưa vụ việc sang “kênh” tòa án. Phía sau sự việc, còn có dấu hiệu “mafia cổ cồn” xuất hiện trên thương trường Việt Nam. Kết quả phiên xử ra sao, sẽ là một tiền lệ tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh. Gọi “phiên tòa lịch sử” vì những lý do ấy.  

PLVN đã có cuộc trò chuyện với bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, TGĐ Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM, trụ sở phường Phước Long A, quận 9, TP HCM), “nạn nhân” của vụ việc, khi Dự án Hòa Lân mà Kim Oanh đã mua đấu giá trúng, vì liên quan vụ kiện này mà bị tòa “phong tỏa”; khiến Kim Oanh “chôn vốn” ở đây hơn 1.600 tỷ.

“Làm tốt gặp họa, còn uất ức nào hơn?” 

Thưa bà, khi đấu giá Dự án Hòa Lân, bà có ngờ sẽ phải dính những rắc rối như hiện nay hay không?

- Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ sẽ bị “hành hạ” như vậy. Tôi có nhiều kinh nghiệm trong đấu giá. Vụ việc này, tính đúng đắn pháp lý đã được Thanh tra Bộ Tư pháp và Chính phủ có ý kiến. 

Về mặt đạo đức kinh doanh, trúng đấu giá với giá cao hơn giá khởi điểm gần 400 tỷ, chúng tôi còn góp phần “giải cứu” nợ xấu cho ngân hàng, đồng thời là giúp Thiên Phú (bên có tài sản bị phát mãi - NV) thoát khỏi món nợ khổng lồ. Đó là còn chưa nói tới việc bản thân Thiên Phú và Kim Oanh đã từng một số lần hợp tác làm ăn...

Xin lỗi ngắt lời! Vậy đã là đối tác thì vì sao Thiên Phú lại có loạt động thái mà bà đánh giá là “lật lọng” như đã nêu trong loạt bài trên PLVN?    

- Thậm chí sau khi mua đấu giá trúng Dự án Hòa Lân, thấy Thiên Phú khó khăn, nợ nần quá, chúng tôi còn vui vẻ hỗ trợ thêm cho ông Sơn. Đó không phải là “lót tay” gì cả, chỉ là cái tình giữa các DN với nhau.

Rồi sau đó liên tiếp các “trò bẩn” do nhóm đối tượng xấu giấu mặt tung ra khiến Dự án Hòa Lân “đứng hình”, nhưng tôi vẫn không nghĩ ông Sơn là chủ mưu. Hiện ông Sơn đã ủy quyền cho người khác tham gia vụ kiện. Người ta có thể lật lọng, tráo trở chỉ vì bị người khác lừa mị, mua chuộc, khống chế. Dấu hiệu phạm tội của nhóm “mafia cổ cồn” trong vụ kiện này, tôi đã nêu cụ thể trong đơn tố cáo gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật.   

Theo bà thì họ làm như vậy nhằm mục đích gì?

- Họ làm như vậy là nhằm hạ uy tín của doanh nghiệp. Họ muốn tranh giành những thứ không thuộc về người ta. Nhưng tôi khẳng định họ không thể làm được vì tôi làm đúng hoàn toàn.

Bà phản biện ra sao về việc một số bài viết trên mạng cho rằng bà “thâu tóm đất giá rẻ” tại Dự án Hòa Lân?

- Họ đã có cả một “chiến dịch” vu khống bôi nhọ Kim Oanh, trong đó có những bịa đặt trên. Khu đất hàng chục lần chào mời đấu giá, hạ giá mà vẫn không ai mua, lần đấu giá thứ 12 Kim Oanh trả giá cao hơn khởi điểm gần 400 tỷ thì sao vu khống “thâu tóm đất giá rẻ”?

Kim Oanh bỏ đồng tiền “sạch”, mồ hôi, xương máu để đầu tư vào khu đất hàng chục năm bỏ hoang lãng phí, góp phần xử lý nợ xấu, tháo gỡ cho DN khó khăn, đóng góp phát triển đô thị. Làm những việc tốt cho Nhà nước, xã hội, nhân dân mà bị vu khống như vậy, còn uất ức nào hơn?

Thưa bà, có có thắc mắc rằng năm qua, sao Kim Oanh còn nợ một số tiền thuế, nhưng không lo đóng hết, mà vẫn còn đi làm từ thiện?

- Trước hết, xin được hỏi ngược vì sao hàng chục năm kinh doanh rất tốt tươi, riêng năm qua có lúc Kim Oanh nợ thuế? Bị “tấn công” tới tấp sau khi trúng đấu giá Dự án Hòa Lân, thú thực có lúc chúng tôi chới với. Nhưng trước hết Kim Oanh vẫn không nợ một đồng tiền lương cán bộ, nhân viên.

Vì sao còn có lúc nợ thuế nhưng vẫn đi làm công tác xã hội? Vì thuế thì được phép nợ theo quy định pháp luật, chứ bữa ăn hằng ngày của một số người nghèo thì không thể chờ, không thể đứt ăn một bữa. Năm qua, dù khó khăn, Kim Oanh vẫn làm từ thiện trên 30 tỷ.

“Tôi không lo ngại gì trước phiên xử sắp diễn ra”

Là nạn nhân trong vụ việc này, bà có thể chia sẻ vấn đề day dứt nhất để Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan chức năng nhận diện tháo gỡ?

- Thứ nhất, thà rằng Thiên Phú đứng ra giành giựt, chúng tôi không ức chế. Đằng này có dấu hiệu một nhóm “mafia cổ cồn” giật dây khống chế bắt buộc Thiên Phú làm theo mệnh lệnh; lạm dụng quyền khiếu kiện để phá rối; rồi tung những “đòn đánh lén” triệt hạ Kim Oanh.  

Thứ hai, vì sao TAND quận 7, TP HCM lại nôn nóng bất thường, không thèm xem xét giá trị một dự án lớn như vậy có thể thiệt hại như thế nào khi dính lệnh “phong tỏa”, rồi mời các bên đến nắm tình hình; mà lại vội vã ngăn chặn? DN “chết đứng” vì tài sản bị “phong tỏa”, vậy mà cơ quan chức năng và TAND quận 7 đến nay vẫn không có động thái gì tháo gỡ. 

Thực sự tôi không lo ngại gì trước phiên xử sắp diễn ra. Pháp lý, tình lý chúng tôi chắc chắn, đầy đủ. Mới đây, TAND Cấp cao đã tuyên một vụ kiện tương tự tại Đà Nẵng, hoàn toàn bảo vệ quyền lợi của một DN mua đấu giá trúng dự án. Có điều tôi chỉ e ngại nếu họ tiếp tục “cù nhầy” đến tận phúc thẩm, giám đốc thẩm thì chúng tôi còn tiếp tục bị “chôn vốn”. 

 Theo phương án của Kim Oanh, trên khu đất này sẽ mọc lên khu đô thị đúng chuẩn gồm chung cư cao cấp cao tầng, nhà phố, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao...

Theo bà, vì sao một số người gọi phiên tòa tới đây liên quan Dự án Hòa Lân là phiên tòa “lịch sử”?

- Theo tôi, giới đầu tư bất động sản gọi như vậy, vì thực tế vụ này đã gây ra những thiệt hại vô hình cực lớn, khó có thể đong đếm cho xã hội.

Trong đạo kinh doanh, xưa nay uy tín, lời hứa được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Thế nhưng, vụ việc này đã chứng tỏ vẫn có lúc, có nơi DN bị đối tác lật lọng, với sự giật dây của “mafia cổ cồn”. Ai chẳng sợ cái nạn đó sẽ tràn lan, rồi đến lúc mình sẽ là nạn nhân?

Vướng vụ kiện này, tập đoàn và cá nhân tôi bị ảnh hưởng nhiều. Có khi mệt mỏi, về nhà năm, bảy người mà không nói một tiếng. Thấy con, thấy chồng vậy, nhưng nói ra thì sợ chồng con buồn. Về nhà đã 12h, 1h đêm, có khi còn phải bay đi giải quyết sự việc rồi tức tốc bay về.

Có quãng thời gian cứ mỗi ngày mở mắt ra là bao nhiêu bài viết vu khống bôi nhọ, áp lực. Nhiều lúc tưởng như không còn thiết gì nữa. Nhưng đằng sau mình hàng ngàn nhân viên, là sự phát triển chung, là uy tín, danh dự, là quan niệm kinh doanh thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuân thủ lời kêu gọi của Chính phủ; vì vậy mới trụ được đến nay.

Vì sao bà im lặng nhiều năm nay?

- Đã là doanh nhân, DN chân chính, ai cũng tâm niệm “vô phúc đáo tụng đình”. Ngay trong vụ kiện này, Kim Oanh đã từng nín nhịn nhiều năm. Ban đầu nhịn nhục nghĩ không thể vì vụ việc của mình mà làm ảnh hưởng đến Bình Dương nói riêng, đến môi trường kinh doanh nói chung. Nhưng khi bị dồn vào đường cùng, đã “tức nước vỡ bờ” thì không thể nín nhịn nữa, mà phải lên tiếng mong dư luận đồng cảm, cơ quan chức năng xem xét, thấu hiểu, tháo gỡ.

Bà có kiến nghị gì đến các cơ quan trung ương và cơ quan chức năng?

- Trước hết xin nói về bản thân. Các con tôi bốn cháu học nước ngoài, nay tôi rút về sống và làm việc ở Việt Nam. Tôi chưa từng có ý nghĩ mua nhà định cư ở nước ngoài. Nói vậy để chứng minh tôi tin tưởng tuyệt đối chính sách của Đảng và Nhà nước, an tâm với môi trường kinh doanh của đất nước.

Nay là nạn nhân của vụ việc có dấu hiệu “mafia” ức hiếp, tôi mong trung ương nắm bắt, sớm ngăn chặn để Kim Oanh nói riêng và các DN nói chung an tâm đầu tư kinh doanh.

Trong vụ việc liên quan Hòa Lân, Kim Oanh đề nghị cơ quan chức năng công tâm làm việc giải quyết theo pháp luật, sớm gỡ lệnh “phong tỏa” để DN khỏi bị “chôn vốn”, tiếp tục thực hiện quyền đầu tư kinh doanh. 

Câu hỏi cuối. Khi qua “kiếp nạn” này, Kim Oanh dự định sẽ đầu tư Hòa Lân ra sao?

- Vì đây là dự án ngay cửa ngõ Thủ Dầu Một, có 3 trục đường chính là cửa ngõ vào trung tâm tỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện rất bài bản. Đây sẽ là dự án khu đô thị đúng chuẩn, gồm chung cư cao cấp cao tầng, nhà phố, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao...

Xin chúc những khát vọng hợp pháp, chính đáng của bà nhanh chóng thành hiện thực!

“Kết luận thanh tra là căn cứ không thể phản bác” 

Trước phiên xử, một câu hỏi đáng chú ý được đặt ra, vụ việc đã được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận thì có được phép khởi kiện tại tòa hay không? Nếu tòa tuyên bố trái với kết luận thanh tra (KLTT) thì sao?

Luật sư (LS) Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) nói: “Luật Thanh tra quy định không thể kiện KLTT mà chỉ có thể khiếu nại. Nếu Thiên Phú kiện KLTT mà tòa vẫn thụ lý là tòa sai. Tuy nhiên, ở đây nguyên đơn kiện một tranh chấp được thụ lý theo Bộ luật Dân sự”.  

“Theo tôi, KLTT là một chứng cứ khó có thể bị đánh đổ. KLTT của Bộ Tư pháp dựa trên Luật Đấu giá. Tòa cũng dựa trên Luật Đấu giá mà đánh giá chứng cứ, xem xét đúng sai. Nên tòa không thể có nhận định và kết luận trái ngược với KLTT”.

Theo LS Thuận, nếu tòa tuyên hủy kết quả đấu giá, bản án xung đột với KLTT thì cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án vì KLTT có trước và đang có hiệu lực.

Đọc thêm