Gặp lại nạn nhân vụ sập mỏ đá kinh hoàng tại Nghệ An: 10 năm không một giấc ngủ trọn vẹn

(PLO) -  “Các bác sỹ khuyên nên cắt bỏ chân còn lại đến đầu gối, có như vậy mới không bị rỉ tủy, bớt đau, nhưng tôi không muốn. Tôi mà mất cả hai chân thì ai sẽ lo cho con gái. Còn một chân, dù sao tôi cũng chống nạng di chuyển được, lo cho con gái bát cơm, cốc nước. Nếu giờ cụt hẳn hai chân, tôi còn không tự lo vệ sinh, ăn uống cho mình được, huống chi là cho con”, chị Lâm xót xa.
Sau tai nạn sập mỏ đá, chị Lâm chưa một ngày ngủ yên vì vết thương đau nhức.

Bị vùi trong đống đá đổ nát, chị Lâm may mắn giữ được tính mạng nhưng đã mất hẳn một chân, chân còn lại có nguy cơ phải cắt bỏ. Chị nói “sống khổ hơn chết” nhưng vẫn gắng gượng chịu những cơn đau vì đứa con nhỏ.

Bất hạnh mưu sinh

Mười  năm nay, chị Lê Thị Lâm (SN 1981, trú phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) phải sống trong cảnh tàn tật, đau nhức. Sau tai nạn sập mỏ đá kinh hoàng ở Lèn Nậy (phường Quỳnh Thiện), chị bị cắt cụt chân trái, chân phải chằng chịt vết sẹo lồi lõm, bị rò tủy. Nhiều năm nay chị chưa đêm nào có giấc ngủ trọn vẹn vì vết thương hành hạ. 

Trước khi gặp nạn trong vụ sập mỏ đá, chị là người phụ nữ khỏe mạnh, lành lặn. Dù duyên phận lỡ làng khi phải làm mẹ đơn thân nhưng chị luôn cố gắng làm việc để nuôi dạy đứa con nhỏ. Khi đứa con mới 10 tháng tuổi, chị gửi nhờ mẹ ruột chăm sóc để theo đoàn đội đá thuê ra lèn đá làm việc với mức tiền công 20 nghìn đồng/ngày. Nhưng vừa làm đúng 10 ngày, chị không may gặp nạn, để rồi cuộc sống rẽ sang một hướng khác, đầy đau đớn, bĩ cực.

17 giờ ngày 12/1/2008, chị Lâm cùng 20 người khác đang vận chuyển đá dưới chân núi Lèn Nậy lên máy nghiền đá thì bất ngờ có hàng trăm khối đá từ trên cao lở ập xuống. “Nghe tiếng hô lớn, tôi cùng mọi người vội tháo chạy nhưng không kịp… Những tảng đá lớn đã đè bẹp, nghiền nát chân trái của tôi. Lúc được đưa đến bệnh viện, dù rất đau nhưng tôi khá tỉnh táo. Khi đó, tôi chỉ nghĩ đến đứa con nhỏ đang khát sữa”, chị gạt nước mắt nhớ lại.

Vụ sập mỏ đá nghiêm trọng ấy khiến 3 người tử vong, 7 người bị thương, trong đó chị Lâm là trường hợp bị thương nặng nhất. Tại bệnh viện, để giữ tính mạng, chị được chỉ định phải cắt bỏ bàn chân trái lên đến tận bẹn. Riêng bàn chân phải dù bị thương nặng, nhưng các y bác sỹ đã cố gắng cứu chữa, giữ lại cho chị.

Người phụ nữ này kể, gần nửa năm nằm bệnh viện, bản thân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn. Hơn hết là việc bàn chân còn lại thường xuyên bị rỉ tủy khiến chị đau nhức đến thấu xương. “Nhiều khi vì đau quá tôi muốn kết thúc cuộc đời mình, thấy sống còn khổ hơn chết. Nhưng rồi nghĩ đến gia đình, đứa con nhỏ, tôi lại không có dũng khí để làm chuyện đó. Đó thật sự là những tháng ngày kinh hoàng, giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy rùng mình”, chị Lâm nghẹn ngào.

Để có đủ số tiền gần 200 triệu đồng chi phí chữa trị, gia đình chị phải vay mượn khắp nơi. Thậm chí căn nhà nhỏ cũng phải cầm cố ngân hàng để lấy tiền nạp viện phí cho chị Lâm. Vậy nên, khoản tiền 70 triệu đồng mà công ty khai thác đá đền bù sau đó chẳng thấm vào đâu. Do vậy, suốt nhiều năm liền, họ phải mang gánh nặng nợ nần vì tiền chữa bệnh.

Nhắc đến chuyện hỗ trợ sau tai nạn, chị lại bức xúc, để nhận được khoản tiền đền bù, chị và gia đình đã làm đơn “kiện” nhiều năm trời. Cuối cùng, phía công ty khai thác đá mới đồng ý hỗ trợ một phần chi phí chữa bệnh cho chị.

Đứa con nhỏ vì phải sớm xa mẹ nên sức khỏe yếu hẳn đi. Ngày được xuất viện về quê, nhìn đứa con nhỏ khóc đòi mẹ, hai hàng nước mắt của chị cứ thế rơi. Chị tâm sự, chính đứa con nhỏ ấy là động lực để bản thân vượt qua những cơn đau thấu xương.

Chật vật qua ngày

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố thường xuyên đau yếu, trong khi các anh chị đều ra nhà cửa riêng nên thời gian đầu bị thương chị Lâm chỉ biết bám bíu lấy người mẹ. Ngặt nỗi, bà vì vướng bận đứa cháu nhỏ (con chị Lâm) nên chị thường phải nằm bệnh viện một mình. 

Chị kể: “Các bệnh nhân hầu hết có người thân chăm sóc, riêng tôi nhiều khi nhập viện chỉ có một mình. Mỗi khi có công chuyện phải đi lại nhiều như mua thức ăn, tôi phải nhờ những người cùng phòng bệnh. Nhiều lần khóc thầm vì tủi thân nhưng nghĩ mình còn giữ được mạng sống đã là điều hạnh phúc nên tôi lại tự an ủi bản thân”.

Cũng vì sử dụng quá nhiều thuốc, ít vận động nên dù ăn uống hạn chế nhưng chị Lâm vẫn bị béo phì. Hiện cân nặng gần 80kg khiến việc di chuyển của chị càng khó khăn. Ngồi nắn vết thương ở chân đang rỉ dịch tủy, chị Lâm nghẹn ngào: “Giờ tình cảnh của tôi rất khó xử. Các bác sỹ khuyên nên cắt bỏ chân đến đầu gối, có như vậy mới không bị rỉ tủy, bớt đau, nhưng tôi không muốn như vậy.

Tôi mà mất cả hai chân thì ai sẽ lo cho con gái. Còn một chân, dù sao tôi cũng chống nạng di chuyển được, lo cho con gái bát cơm, cốc nước. Nếu giờ mà cụt hẳn hai chân, tôi còn không tự lo vệ sinh, ăn uống cho mình được, huống chi là cho con”.

Cũng vì lý do đó mà suốt nhiều năm nay, chị âm thầm chịu đau, sống chung với bàn chân ngày càng có dấu hiệu hoại tử. Hôm nào đau quá, không chịu đựng được, chị lại nhờ người thân chở đến Bệnh viện Phong da liễu Quỳnh Lập lấy thuốc giảm đau. Đối với người phụ nữ này, cuộc sống từ ngày gặp nạn trở về sau hoàn toàn phụ thuộc vào bệnh viện.

Cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con chị Lâm, năm 2010, chính quyền đã hỗ trợ xây căn nhà tình thương. Tại căn nhà nhỏ, chị vay thêm vốn để mở quán tạp hóa, buôn bán lặt vặt.  Tranh thủ lúc rảnh rỗi, người phụ nữ ấy còn nhận thêm việc thêu tranh để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, nguồn thu ấy chẳng đáng là bao.

Chị Lâm bộc bạch: “Vì ngoại hình quá cỡ, lại chỉ có một chân nên tôi không ngồi lâu một chỗ được. Do vậy, để thêu được bức tranh tôi phải cắn răng chịu đau vì nếu không làm thì lấy tiền đâu cho hai mẹ con sinh sống”.

Hiện nay, mỗi tháng chị Lâm được nhận khoản trợ cấp hơn 400 nghìn đồng. Cuộc sống của chị và con gái trôi qua mỗi ngày trong khó khăn, chật vật. Bà con lối xóm dù thương tình nhưng cũng không giúp đỡ được gì nhiều. 

Bé Lê Thị Lý (con gái chị Lâm) nay đã 11 tuổi, học lớp 7, rất nhanh nhẹn, thông minh, biết thương yêu, chăm sóc mẹ. Đó cũng là động lực và niềm vui duy nhất giúp chị Lâm vượt qua số phận bất hạnh của mình. Hỏi đến ước mơ của mình, cô bé lí nhí đáp: “Cháu chỉ mong bàn chân còn lại của mẹ được lành lặn, để cháu không còn phải chứng kiến cảnh mẹ khóc mỗi đêm, để sau này cháu được mẹ dẫn đi chơi”. 

Nghe con nói, chị Lâm bật khóc. Người phụ nữ xót xa: “Cháu nó đã chịu thiệt thòi vì không có bố. Vậy mà tôi lại không khỏe mạnh để bù đắp cho nó. Rồi đây không biết tương lai của mẹ con tôi sẽ ra sao. Tôi chỉ lo sợ một mai chân còn lại bị cắt đi thì ai sẽ gánh vác gia đình này”.

Đọc thêm