Làng Nú ((xã Ia Khai, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai), địa danh lịch sử trong bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” vẫn còn vang tiếng ca kể về những chuyến thuyền độc mộc năm nào lập lên chiến công oanh liệt, vượt thác vượt ghềnh dưới làn mưa bom bão đạn như người Pô Kô kiên cường bất khuất trong chiến đấu. Nhưng nay bến sông xưa giờ đã vắng bóng những con thuyền, và người đóng thuyền độc mộc cuối cùng của buôn làng ngậm ngùi ôm nỗi buồn bí kíp thất truyền.
Già Pêng trên con thuyền độc mộc |
Linh hồn của dòng sông
Già làng Rah Lan Pêng mắt lại sáng bừng khi kể câu chuyện về những con thuyền độc đáo của buôn làng mình. Nơi con người sinh ra bên cạnh dòng sông, uống nước dòng sông, ăn con cá dưới sông, thì dòng sông Pô Kô như người mẹ nuôi nấng, che chở. Và những con thuyền độc mộc chính là linh hồn của dòng sông ấy.
Do đặc điểm về địa hình nên những con sông ở Tây Nguyên đều có chung đặc điểm hẹp, dốc, đáy nhiều đá. Già làng kể từ ngàn đời nay, người dân nơi đây đã thiết kế những con thuyền được đục từ nguyên thân cây lớn gỗ lớn, gọi là thuyền độc mộc. Chỉ những con thuyền nhỏ, dài, chắc chắn như vậy mới có thể lên thác xuống ghềnh, chống chịu được những cú va đập với đá ngầm, sóng lớn.
Già Pêng đã sống qua hơn 60 mùa rẫy. Ba mươi năm làm nghề đẽo thuyền, già cũng chỉ làm được khoảng 30 chiếc thuyền độc mộc. Mỗi con thuyền với già là một công trình tốn nhiều công sức, gửi gắm vào đó cả tâm huyết tình yêu với đại ngàn bao la, với dòng sông Pô Kô hiền hòa.
Theo lời già Pêng, trước đây muốn làm một con thuyền, 5 - 6 thanh niên có sức khỏe phải gùi gạo muối vào rừng, lội qua những con suối sâu, vượt qua những quả núi leo cả ngày đường chưa đến đỉnh, tìm đến những cánh rừng nguyên sinh tìm cây gỗ. Loại gỗ dùng để làm thuyền độc mộc thường là cây sao, vừa nhẹ mà lại bền, thích hợp nhất để làm thuyền. Cây được chọn làm thuyền phải lớn cỡ đường kính trên hai người ôm, thân thẳng không có nhiều nhánh.
Khó khăn hơn nữa khi đi tìm cây, người Giarai còn phải tuân thủ nguyên tắc chạy theo tiếng hót của con chim Pơ Lang. “Nếu chim kêu phía trước nghĩa là chim Pơ Lang đang dẫn đường, là điềm lành chắc chắn việc làm thuyền sẽ thuận lợi. Nhưng nếu con chim này kêu phía sau thì dù có đang đi hay đã đến nơi, tìm thấy cây gỗ đẹp cỡ nào thì cũng phải quay về. Chim Pơ Lang kêu sau lưng nghĩa là “thần rừng” không đồng ý, thì dù có cố mang gỗ về đẽo thuyền thì cũng chỉ rước tai họa vào thân, không tai nạn thì sẽ đóng ra chiếc thuyền xấu xí, hoặc chiếc thuyền sẽ gặp nạn”, già làng nói về phong tục kỳ lạ.
Khi đã chọn được gỗ, người thợ phải dùng rìu (người Jơ Rai gọi là jong) để hạ cây rồi chặt tỉa những cành cây nhỏ, sau đó dùng chính những cành cây nhỏ ấy để nấu cơm cúng Yàng (trời). Lễ vật tạ ơn trời đất là một con gà, một ghè rượu. Cúng xong xuôi, việc đẽo thuyền mới được tiến hành. Người thợ dùng cuốc chim để khoét lòng thuyền, bào nhẵn mặt bên trong và bên ngoài chiếc thuyền. Trong quá trình làm, phải vừa đẽo, vừa đốt lửa để hong khô thân cây. “Khi đẽo thuyền mình phải ăn, ngủ trong rừng luôn. Làm được một cái thuyền mất khoảng nửa tháng”, già làng cho biết.
Ngoài sự khéo léo tỉ mỉ thì người thợ phải có con mắt tinh tường, đầu óc biết tính toán để làm sao đẽo hai mạn thuyền cho cân đối, khi hạ thủy thuyền mới không bị nghiêng. “Sai là toi công, một khi đã thả thuyền xuống nước thì không ai không được phép sửa chữa bất cứ chi tiết nào nữa”, già làng giải thích. Vì vậy để thử thuyền, trước khi hạ thủy người thợ dùng cách lật úp thuyền xuống, đặt một quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước sẽ không nghiêng lệch.
Những chiếc thuyền độc mộc cuối cùng trên sông Pô Kô |
Sông Pô Kô vắng bóng thuyền độc mộc
Kéo được con thuyền dài 5 - 6m, nặng hàng mấy trăm kg vượt suối băng rừng về bản cũng không phải chuyện dễ. Những người đàn ông Jơ Rai thường dùng những thanh gỗ rừng để làm những con lăn bẩy gỗ đến bên những con suối rồi thuận theo dòng nước mà dong thuyền về. Khi nào hết suối, họ lại kéo thuyền lên bờ, tìm một nguồn nước khác hướng về bản.
Vì phải nhờ dòng nước nên có khi đi theo đường vòng, mất cả tuần lễ thuyền mới về tới bản. Trước khi hạ thủy, người làm thuyền lại cúng Yàng lần nữa để tạ ơn, cầu “cho con thuyền dù sóng to gió lớn vẫn bơi như con cá trên sông”. Gìa Pêng kể, trước đây mỗi lần hạ thủy thuyền là một lần cả làng mở hội múa hát, mừng cho người thợ trở về bản, mừng con thuyền được về sông.
Những tiệc mừng hạ thủy “linh hồn dòng sông” đó nay chỉ còn trong dĩ vãng. Sáng sớm cùng già Rah Lan Pêng vượt qua con đường đất đỏ, xuyên lối mòn trong những vườn điều, băng qua những con suối cạn tìm đến dòng sông, bến đò đã vắng bóng thuyền độc mộc. Trong ánh ban mai, dòng sông như một dải lụa xanh ôm ấp bao quanh những cánh rừng đại ngàn hoang sơ. Phóng hết tầm mắt ra bốn phía không hề thấy bóng dáng một chiếc thuyền, chỉ có dòng sông và những cánh rừng già trầm mặc.
Nơi đây chính là bến đò những năm nào người anh hùng A Sanh trong đêm tối không quản sông sâu, sóng lớn, vượt qua bom đạn, cùng với con thuyền độc mộc chở hàng ngàn bộ đội miền Bắc qua sông chi viện cho đồng bào miền Nam ruột thịt… Sau này “Anh lái đò tên gọi A Sanh” và những chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé, đã đi vào lịch sử trở thành nhân vật trong bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” nổi tiếng của nhạc sĩ Cẩm Phong, lời thơ Mai Trang.
Chỉ xuống bốn con thuyền dài, mảnh khảnh, neo chặt, hững hờ dập dềnh sát mép nước, già Pêng ngậm ngùi: “Giờ làng Nú chỉ còn mình tao, già Duit, già HMơnh là biết làm thuyền. Nhưng hai người kia cái chân đã mỏi, cái mắt đã mờ, không làm thuyền được nữa. Mình cũng già rồi không đi rừng nổi. Giờ người Pô Kô giờ có thuyền máy, thuyền sắt để đi. Cá sông Pô Kô cũng chẳng còn mà bắt nên cũng có ai cần thuyền độc mộc nữa”.
Ông già người Jơ Rai đượm buồn chân thành: “Nhà báo chụp ảnh nhiều vào, đây là những chiếc thuyền cuối cùng của Pô Kô đó. Những làng bên cạnh cũng chẳng còn thuyền độc mộc đâu. Tháng trước bên Sa Thầy họ kêu mình sang làm giúp vì bên đó không ai còn biết làm thuyền nữa rồi. Thanh niên làng Nú giờ tay chỉ biết bấm điện thoại thôi không còn biết cầm cái Jong (rìu) nữa rồi. Cả thằng Ksor Ngoan, thằng Ksor Ziu con trai mình cũng vậy”.
Chia tay ông già Pêng, nghệ nhân làm thuyền độc mộc cuối cùng của làng Nú bên bến sông. Nhìn lại bến đò nơi bốn con thuyền “báu vật” cuối cùng của người Jơ Rai nằm buồn thiu, thấy thoáng buồn khi khung cảnh những chiếc thuyền nhỏ bé, mạnh mẽ như lướt trên dòng Pô Kô giờ chỉ còn trong hoài niệm, trong câu ca khúc hát.
Hoàng Giang – Ngọc Anh