Gặp người trao ánh sáng tâm hồn cho trẻ em

(PLO) - Gần bảy năm qua, tủ sách của người đảng viên hưu trí ở quận Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) đã giúp bao tâm hồn trẻ em trở nên giàu có và cao thượng hơn nhờ những cuốn sách ông tích lũy theo thời gian… 
Người dân đọc sách miễn phí tại thư viện của ông Phạm Thế Cường.
Người dân đọc sách miễn phí tại thư viện của ông Phạm Thế Cường.
Yêu sách từ câu chuyện kể về Bác Hồ
Từ nhỏ, ông Phạm Thế Cường đã rất ấn tượng với câu chuyện cha kể về con đường Bác Hồ dấn thân đi tìm chân lý. Trên hành trình đó, Bác đã đọc sách báo hàng ngày để nâng cao sự hiểu biết, nắm bắt thông tin trong và ngoài nước, chịu học, chịu đọc để tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới và tiếp cận nền tri thức trong tương lai. Ông Cường ấp ủ một ngày nào đó mình cũng có được sự thông tuệ, tri thức nhờ những cuốn sách. 
Một ngày giữa tháng tư, ông được ba tặng cuốn sách “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot. Hồi đó còn nhỏ, ông chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của những lời ba dạy và những ngụ ý của tác phẩm, nhưng những điều ông từng nghe, đọc đã khơi dậy trong lòng ông niềm yêu sách mãnh liệt. Từ đó, thói quen đọc sách bắt đầu hình thành trong ông, có bao nhiêu tiền ông đều để dành mua sách. Khi mới 15 tuổi, ông Cường đã sở hữu trong tay tủ sách hàng trăm cuốn, đủ thể loại. 
Ông Phạm Thế Cường
Ông Phạm Thế Cường 
Ông Cường kể, lúc chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống, gia tài của ông mang theo là 5 bao sách, nhưng đã bị thất lạc hết 3 bao, trong đó có nhiều bộ sách hay mà ông yêu quý: Những cuốn sách hay viết về Bác Hồ, bộ Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm, Hồng lâu mộng... Hơn 30 năm sống và làm việc tại TP.HCM, những lời dạy của Bác đã hình thành trong ông thói quen đọc, sưu tầm sách mãnh liệt. 
Hiện nay, kho sách trong nhà ông đã có khoảng 26.000 cuốn, với hơn 20 thể loại. Ngoài những cuốn sách viết về những câu chuyện đời thường, cách ứng xử, nhân cách sống cao thượng của Bác, còn có truyện tranh dành cho thiếu nhi, sách khoa học, kỹ thuật và những công trình nghiên cứu; từ sách giải trí cho đến những sách kinh điển in đầu thế kỷ 20. Trong đó sách thuộc thể loại văn học nước ngoài có hơn 250 cuốn, văn học cổ điển Trung Quốc có hơn 200 cuốn sách về văn hóa - xã hội hơn 500 cuốn, sách về ngành xây dựng - kinh tế hơn 200 cuốn và sách thiếu nhi với hơn 20.000 đầu sách. 
Vui mừng khi thấy sách nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ
Từng công tác tại Viện Thiết kế, Bộ Quốc phòng, khi nghỉ hưu ông quay về tẩn mẩn với sách. Để có được thư viện với đầy đủ các đầu sách về nhiều lĩnh vực khác nhau, ngày thường ông đến nhà sách, các tiệm sách cũ tìm mua những cuốn sách hay về đọc và xếp vào thư viện để người khác cùng đọc. Ông Cường dành ra 3 - 4 triệu đồng trong số tiền để dành và lương hưu mỗi tháng cho thú vui sưu tầm sách của mình. 
Để mua đúng những cuốn sách trẻ em cần và thích, ông hay hỏi các em thích sách gì, quyển nào mới xuất bản, sau đó ông tìm hiểu trên mạng rồi mua. Nhờ những cuốn sách góp nhặt bằng tâm huyết của ông, những đứa trẻ tìm đến sách đã cởi mở hơn khi tiếp xúc với cuộc sống, biết yêu thích những cuốn sách hướng thiện.
Trong căn nhà 80m2, ông dành một nửa diện tích cho thư viện đọc và mượn sách miễn phí. Mỗi tuần, ông Cường như một thủ thư cần mẫn mở cửa thư viện đều đặn vào chiều thứ hai, thứ tư, thứ sáu và chủ nhật. 
Ông bảo mở thư viện sách này chỉ để mong giữ được thế giới bình yên ấy cho những đứa trẻ, dẫn dắt các em vào thế giới sách, nơi những người hiền lành, tốt bụng sẽ được gặp điều may mắn, nơi nghị lực, ý chí sẽ làm nên những điều bất ngờ. 
Ông Cường luôn tâm niệm những đứa trẻ phải được nâng niu cùng những quyển sách để phát triển nhân cách và nuôi dưỡng những mơ ước, khát vọng cao đẹp. 
Cứ chiều chiều, bà con tổ dân phố quận Gò Vấp lại thấy người đảng viên hưu trí ngồi ở căn gác nhà mình, chăm chú nhìn vào chiếc máy tính cũ, cập nhật danh mục những cuốn sách mà cả cuộc đời ông tẩn mẩn góp nhặt; để thấy rằng cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi người ta biết chia sẻ những gì đang có cho mọi người. 

Đọc thêm