Luôn gần gũi phạm nhân
Tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát nhân dân (CSND) 1 năm 2009, Nguyễn Văn An được phân công về công tác tại Phân trại số 1, Trại giam Số 6 Bộ Công an (đóng tại Thanh Chương, Nghệ An). Kiến thức học tại trường khác hẳn với thực tế, khi hàng ngày phải đối diện, theo dõi những phạm nhân mang những bản án dài với nhiều tội danh giết người, hiếp dâm, cướp của, ma túy.
Tại Phân trại, An được phân công quản lý Đội 38 với 30 phạm nhân, công việc hàng ngày của Đội là làm mi mắt giả. Trong đội có 4 phạm nhân tù chung thân, 10 phạm nhân trên 15 năm tù, còn lại là những phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự, ở nhiều độ tuổi khác nhau, trình độ dân trí còn hạn chế gây khó khăn trong việc cảm hóa, giáo dục phạm nhân.
Đối với những phạm nhân có án dài, án cao thời gian đầu vào trại thường có tâm lý chán nản, mất niềm tin hoặc không chịu cải tạo. Để có thể giáo dục những phạm nhân này, Trung úy Nguyễn Văn An chọn cách gặp gỡ riêng từng phạm nhân để tâm sự, hiểu rõ từng hoàn cảnh phạm nhân, gặp khó khăn điều gì để động viên, phân tích cho phạm nhân hiểu. Trong phạm vi quy định pháp luật cho phép, An đã giúp đỡ các phạm nhân vượt qua khó khăn, an tâm cải tạo tốt. Qua trò chuyện, hiểu rõ được từng cá nhân có hoàn cảnh gia đình như thế nào, tâm sự chuyện vướng mắc, từ đó giữa phạm nhân và cán bộ quản giáo nảy sinh tình cảm thân thiết và hiểu rõ nhau hơn.
|
Trung úy Nguyễn Văn An. |
Một khó khăn trong Đội 38 mà An quản lý là có hơn 10 người trong số 30 phạm nhân là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế đã bị tuyên phạt tù về tội danh buôn bán trái phép chất ma túy. Đối với những phạm nhân này, An đã trực tiếp gặp gỡ từng phạm nhân để nắm rõ hoàn cảnh và những khó khăn vướng mắc để tìm ra biện pháp giáo dục tốt nhất, thích hợp nhất đối với từng phạm nhân.
Vui khi thấy phạm nhân cải tạo tốt
Đã có những phạm nhân thuộc loại “cứng đầu” được An cảm hóa và giáo dục thay đổi, có ý chí phấn đấu cải tạo tốt hơn khi mới vào trại. Đơn cử như trường hợp phạm nhân Trần Duy Minh (quê Đồng Nai) với bản án chung thân cho tội mua bán trái phép chất ma túy và giết người, phạm nhân còn bị nhiễm HIV. Năm 2005, Minh thi hành án tại Trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), thời gian thi hành án tại đây 5 lần bị xử lý vì vi phạm kỉ luật trong trại giam.
Tháng 12/2013 Minh được chuyển về cải tạo tại Trại giam số 6. “Thời gian đầu vào trại nhận ra được sự bất mãn của phạm nhân Minh, không có ý thức để cải tạo, tôi đã trực tiếp gặp riêng phạm nhân để nói chuyện. Mới đầu cũng chỉ trò chuyện qua loa vì phạm nhân chưa mở lòng, nhưng khi đã được động viên thì Minh đã cởi lòng mình. Ban Giám thị cùng các cán bộ đã tạo điều kiện và giúp đỡ để Minh yên tâm cải tạo. Từ một phạm nhân xếp loại cải tạo kém, Minh đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, đã chú tâm cải tạo vươn lên xếp loại cải tạo khá…” - Trung úy An chia sẻ.
Hay như trường hợp phạm nhân Nguyễn Đình Hải (quê Nam Đàn, Nghệ An) với bản án 15 năm tù về tội giết người, thi hành án từ năm 2008. Vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên khi vào cải tạo tại trại giam, Hải luôn buồn chán và không có ý chí phấn đấu.
“Qua trò chuyện tâm sự, động viên tinh thần được biết Hải có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ bỏ, hai đứa con nhỏ, bố mẹ già lại mất sức lao động và là thương binh. Buồn chán nên Hải không chú tâm cải tạo. Qua tác động tâm lý, An thường xuyên trò chuyện tạo mọi điều kiện để phạm nhân yên tâm phấn đấu. Dần dần Hải đã vững tâm hơn, chuyên tâm cải tạo từ xếp loại cải tạo kém đến nay đã vươn lên xếp loại tốt và là Đội trưởng Đội 38”, An vui vẻ kể.
Trong thời gian công tác tại trại giam, nhiều phạm nhân được anh giáo dục quản lý trực tiếp sau khi ra trại đã viết thư gửi lời cảm ơn đến Trung úy An và Ban Giám thị Trại giam số 6. An tâm sự: “Khi nhận được những lá thư hoặc cú điện thoại của phạm nhân hết án gửi về, mình vui lắm. Hàng ngày thấy những phạm nhân mình trực tiếp quản lý giáo dục từ xếp loại kém vươn lên xếp loại tốt hay là được đặc xá ra tù trước thời hạn là tôi mừng nhất. Đó như là động lực để những quản giáo như anh em chúng tôi thêm nhiệt huyết và thêm yêu nghề hơn nữa, vì mình đã góp phần cải tạo được những con người lầm lỗi thành người lương thiện…”.
Sau thời gian công tác, Trung úy An cũng đã tìm được mái ấm gia đình, hiện đã có hai con một trai, một gái. Vì đặc thù công việc đi biền biệt nên vợ anh cũng vất vả hơn những người phụ nữ khác. Vợ anh cũng hiểu và thông cảm, tạo điều kiện để anh yên tâm công tác. Trong quá trình công tác từ năm 2009 đến nay, Trung úy An đều đạt danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến; năm 2014 Trung úy Nguyễn Văn An đạt giải Ba Chiến sỹ Quản giáo giỏi của Trại giam số 6… /.