14 năm về trước, khi con gấu được mang về chỉ bé bằng con chó con, không ai nghĩ rằng sẽ đến một ngày nó sẽ là thủ phạm gây ra thảm họa cho gia đình. Một ngày đầu tháng 12 vừa qua, con gấu “hiền lành” này bỗng nổi cơn điên sau 14 năm tù túng trong cũi sắt, bất ngờ gặp bé trai lẫm chẫm chạy vào vui đùa thì ngoạm một nhát vào bàn tay em, vĩnh viễn cướp đi của bé trai tội nghiệp một bàn tay.
Sự việc xảy ra vào chiều tối 2/12 tại gia đình ông Ngô Văn Kình (ngụ thôn Hạ, xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Gần một tuần sau khi sự việc xảy ra, người dân nơi đây vẫn còn thảng thốt về vụ “tai nạn” hi hữu này.
Nuôi “hung thần” hơn 10 năm không phép
Chỉ mới đến đầu thôn Hạ cất tiếng hỏi nhà nuôi gấu, người nào trong làng cũng đã biết sự việc chép miệng: “Nhà ông Kình có con gấu điên chứ gì? Đi vào trong ngõ gần trường mầm non thôn, thấy nhà có cây nhãn thì đến. Rõ khổ, tự nhiên lại nuôi cái giống “của nợ” ấy làm gì. Giờ thì chỉ khổ thằng cháu”.
Sau ngày xảy ra tai nạn, tất cả mọi người trong nhà đều đã túc trực trong bệnh viện bên cháu bé, ông lão ở nhà một mình buồn thiu. Ông lão cho biết hiện mình đang sống với vợ chồng người con gái, nạn nhân trong vụ việc là đứa cháu ngoại mới lên 2 tuổi.
Theo ông Kình, con gấu nuôi trong nhà từ khoảng 14 năm nay đã là một “thành viên” trong nhà. Ngày đó khi có việc đến ga Yên Viên (Gia Lâm), ông nhìn thấy một người dân tộc thiểu số đang gánh đồ đứng chờ tàu, một bên gánh chiếc bị, một bên gánh chiếc giỏ đựng con gấu nhìn như con chó con. Ông lão khi đó hỏi đùa người đó là: “Có bán con chó con không”?. Không ngờ người đó bán thật, giá tiền lúc đó ông cũng không nhớ là bao nhiêu.
|
Ông Kình bên chiếc lồng gấu. |
Ông lão cho biết con gấu được ông mang về nuôi từ đó đến nay và “vì gia đình nuôi làm cảnh nên cũng chẳng có giấy má gì”. Nói là “nuôi làm cảnh” như vậy nhưng khi chúng tôi hỏi một bà cụ người trong thôn thì được biết ngoài “chức năng làm cảnh”, nó còn thi thoảng được gia đình ông lấy mật và chính nhân chứng này cho biết bà đã từng mua mật gấu của nhà ông Kình. “Nhìn nó cũng thấy gớm. Phải nặng đến hàng tạ”, bà lão thuật lại.
Bản năng hoang dã thức giấc
Con gấu được ông lão cho biết là “khá hiền lành, khi mới mua về tôi vẫn thả ra và đùa nghịch với nó”. Nhưng khi con vật đã lớn, ông nhốt gấu vào một chiếc cũi sắt và từ đó đến nay hàng chục năm chưa khi nào thả ra. Thức ăn của loài gấu là thịt, cá, lá cây, kiến và mật ong nhưng người chủ này kể lại mình chỉ nuôi gấu bằng cháo. Việc tắm rửa cho con vật cũng được gia đình thực hiện qua song sắt bằng cách xịt nước vào chứ không dám mở lồng ra.
Chiếc cũi sắt nhốt “hung thần” được ông đặt ở gần chỗ vòi nước sinh hoạt của gia đình, che chắn như chiếc chuồng tạm. Trước cửa ra vào căn nhà có đặt chuồng gấu, thấy ông đặt một tấm ván thấp ngang người, chắc dùng để tránh trẻ nhỏ ra vào.
Vì che chắn qua quýt như vậy nên sự việc đáng tiếc đã kể ra. Ông Kình thuật lại: “Lúc đó là khoảng 6 giờ tối ngày 2/12, con gái và con rể tôi đi vắng, chỉ có bà vợ tôi đang ngồi rửa bát gần chỗ chuồng nhốt gấu. Vì bà không để ý nên đứa cháu trai mới 2 tuổi đi vào chỗ cũi nhốt gấu, không biết do cháu thò tay vào đùa nghịch hay tại sao mà con gấu ngoạm được vào tay cháu bé”.
Thấy cháu khóc thét lên, bà lão giật mình nhìn lên thì hoảng hốt giữ chặt tay cháu bé và gọi chồng. Cuống cuồng không biết xử lý trường hợp này ra sao, ông lão vớ được chiếc xà beng liền chọc liên tiếp vào mặt con gấu. “Dồn sức chọc một lúc, chắc do bị đau nên con gấu mới nhả tay cháu tôi ra”, ông kể lại.
Nạn nhân ngay lập tức được vào bệnh viện cấp cứu, hiện cháu đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa Đức Giang. Do thương tích hàm răng gấu gây ra khá nặng, các bác sĩ buộc phải tháo khớp một bàn tay của cháu, đồng nghĩa với việc cháu bé tội nghiệp vĩnh viễn bị mất đi một bàn tay.
Đêm hôm ấy, tức tối vì việc “hung thần” gây thương tích cho cháu mình, ông lão rình lúc con gấu đi ngủ thì tiếp tục vác xà beng đâm vào cổ họng “thủ phạm”. Con vật sau đấy thì bỏ cơm không ăn, có lẽ do bị đau bởi những vết thương. Ông Kình thông báo với khách: “Vài hôm sau chúng tôi thịt nó rồi”.
Tại hiện trường vụ việc, người ta nhận thấy chiếc cũi sắt nhốt con gấu cao khoảng 2m, chiều rộng cũng tương tự, được làm bằng những thanh sắt đã hoen gỉ. Ở phía nóc cũi sắt khá thưa thớt. Trong cũi có một cái chậu bằng sắt được gắn liền vào song sắt, có lẽ dùng để đựng thức ăn cho gấu. Có một cái lỗ để đút thức ăn vào rộng hơn gang tay người lớn. Chiếc cũi được đặt trong một mái che, nói chính xác là cái chuồng tạm bợ ở chỗ vòi nước sinh hoạt của gia đình trước sân, cách ngôi nhà khoảng 5 - 6m.
Chính quyền vẫn… chưa biết
Có mặt tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, chúng tôi được biết cháu bé đã qua cơn nguy kịch và có thể xuất viện vào tuần tới, tuy nhiên cháu vẫn thường xuyên khóc lóc. Bé trai tội nghiệp được người mẹ bế trên tay, trên người cháu được phủ chăn nên người ngoài không nhìn thấy vết thương. Người mẹ đang chăm sóc con cho biết chị rất buồn và khủng hoảng sau sự cố này và từ chối trả lời các câu hỏi.
Sự việc “động trời” là thế, vậy nhưng khi tìm đến cơ quan chức năng để tìm hiểu thông tin, chúng tôi được ông Nguyễn Bá Lương, Phó công an xã Dương Hà cung cấp thông tin vắn tắt: “Sau khi sự việc xảy ra 2 ngày, chính quyền xã đã xuống xác nhận và lập biên bản về việc nuôi nhốt gấu của ông Kình. Còn sự việc cháu bé bị gấu cắn thì ông Kình không khai báo”.
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tp Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật vê nuôi nhốt động vật hoang dã thì việc nuôi nhốt động vật hoang dã phải được cấp giấy phép, nguồn gốc giống nuôi nhốt phải phải rõ ràng và hợp pháp, các cơ sở nuôi nhốt phải đảm bảo các điều kiện về trại nuôi và việc nuôi nhốt không ảnh hưởng đến bảo tồn tự nhiên. “Trong sự việc này, rõ ràng gia đình nạn nhân đã không tuân thủ các quy định pháp luật; nhưng quan trọng hơn hết, chính sự không tuân thủ đó trước tiên đã dẫn đến hậu quả đau lòng mà bé trai hai tuổi vĩnh viễn phải gánh chịu. Đây là một bài học đau lòng cho mọi người phải suy ngẫm”, luật sư này nhận xét.
Theo Pháp luật & Thời đại