Gây án giết người chỉ vì một phút nóng giận giờ ân hận gửi vào trang thư

(PLO) -18 tuổi, trong 1 phút thiếu kiểm soát khi xô xát, Dương Ngọc Hòa (SN 1985, ngụ phường Cẩm Phô, TP. Hội An, Quảng Nam) đã gây ra cái chết thương tâm cho người bạn cùng tuổi, cùng xóm.
Gây án giết người chỉ vì một phút nóng giận giờ ân hận gửi vào trang thư

Đến nay, sau 13 năm thụ án tại Trại giam An Điềm (thuộc tổng cục VIII, Bộ Công an), hình ảnh phạm nhân Hòa đã trở nên quá quen thuộc với cán bộ nơi đây. Dù gây án giết người, nhưng bản ngã trong sâu thẳm con người Hòa vẫn là cậu thanh niên hiền lành, chất phác. Hòa luôn khát khao hướng thiện, là 1 trong những phạm nhân cải tạo tốt tại trại giam và mới được giảm từ án chung thân xuống còn 30 năm.

Cú vấp ngã cuộc đời

Khoảng 18 h ngày 22/10/2003, tại sân bóng thôn An Mỹ (xã Cẩm Châu, TP. Hội An, Quảng Nam) trong lúc đá bóng với nhau, Hòa và Võ Viết Tâm (SN 1985, ngụ trong xóm) xô xát với nhau. Hòa chạy đến nói với mẹ Tâm: “Thằng Tâm đánh con, thằng Tâm có chuyện gì con không chịu trách nhiệm”.

Sau đó, Hòa quay về nhà lấy 1 đoạn tuýp sắt và 1 con dao đến nhà tìm Tâm nhưng không gặp. Hòa tiếp tục ra sân bóng. Tại đây, gặp Tâm, Hòa cầm cây tuýp đánh từ trên xuống đầu Tâm. Tâm chồm tới chụp cây tuýp, hai bên giằng co nhau. Bất ngờ, tay trái Hòa cầm dao đâm thẳng trúng ngực Tâm. Tâm được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên không qua khỏi.

“Thời điểm này, em vừa nhận giấy báo đậu Đại học nghệ thuật Huế. Tâm cũng vậy. Vì vui mừng với kết quả đạt được, cả 2 tham gia đá bóng trong khu dân cư, đồng thời tận dụng nốt những ngày hè trước khi bước chân vào giảng đường đại học. Nào ngờ em lại trở thành kẻ giết người, mất hết tương lai, còn bạn thì vĩnh viễn ra đi…”, Hòa nhớ lại.

Với hành vi gây ra, qua 2 lần xét xử vào năm 2004, dù bị hại đã có đơn xin giảm án, nhưng TAND tỉnh Quảng Nam vẫn tuyên Hòa mức chung thân về tội Giết người. Hòa được đưa về thụ án tại Trại giam An Điềm đến nay đã tròn 13 năm.

Theo quản giáo Hồ Nam, phụ trách đội phạm nhân số 10 (nơi Hòa cải tạo): Phạm nhân này không chỉ khát khao hướng thiện mà đã thực sự gây xúc động cho nhiều phạm nhân khác và cán bộ trại giam bằng bức thư xin lỗi đầy nước mắt gửi đến bà Trần Thị Miền và ông Võ Viết Bảo (cha mẹ của nạn nhân Tâm) mới đây. Báo Câu chuyện Pháp luật trích đăng:

Phạm nhân Dương Ngọc Hòa nở nụ cười hiếm hoi khi được chia sẻ bức thư gửi đến gia đình bị hại

Phạm nhân Dương Ngọc Hòa nở nụ cười hiếm hoi khi được chia sẻ bức thư gửi đến gia đình bị hại

Lời hối hận muộn màng!

“Kính gửi chú Bảo, cô Miền!

Chắc gia đình sẽ ngạc nhiên lắm khi cầm trên tay lá thư này, một lá thư có thể khơi dậy lại nỗi đau đã từng là tận cùng đối với cô chú, một sự đau khổ và mất mát quá lớn. Nhưng mong cô chú đừng vội vứt nó, hãy cho con được bày tỏ lòng mình, những điều từ lâu con không dám nói ra, cho dù đã rất nhiều lần con muốn gõ lên cánh cửa khoan dung, nhân hậu của cô chú, cầu mong một cách nhìn thiện cảm, tìm một sự tha thứ, chỉ là rung động thoảng qua. Và con bắt đầu lá thư này bằng cách chép lại một trong những trang nhật ký đầu tiên của hàng nghìn đêm trắng con đi trên cái không khí với cảm giác lạnh như vậy. Mong rằng, nó sẽ như là một chiếc cầu nối đưa cô chú đến một điều gì đó mà con đã và đang muốn bày tỏ.

Cô chú à! Con biết lỗi lầm của con đã gây ra với Tâm, làm cô chú không thể tha thứ được, con không đủ tư cách để mong cô chú mở rộng lòng độ lượng mà khoan dung một phần nào đó tội lỗi quá lớn này. Nhưng cô chú ơi! Hãy cho con một đặc ân, chỉ một lần, một lần thôi, mong cô chú đừng nổi nóng mà bình tĩnh đọc hết lá thư này, để con có thể được trải lòng mình, bày tỏ hết những hối hận, dằn vặt và giày xé của cái cảm giác tội lỗi đã luôn đeo bám con như hình với bóng suốt 13 năm nay.

Chắc cô chú cũng biết, con vốn dĩ là một con người có tính cách hiền lành, năng động, vui vẻ, với biết bao ước mơ và dự định trên bước đường tương lai. Thế mà, chỉ một bước chân tội lỗi “ma xui khiến, quỷ dẫn đường”, tuổi trẻ bồng bột, dại khờ muốn chứng tỏ mình “một con ngựa non háu đá”, con đã đưa mình rơi xuống vực thẳm, tự tay phá tan cuộc đời mình, cướp đi tính mạng của Tâm, bao sự kỳ vọng, niềm thương yêu và gây ra quá nhiều đau khổ cho nhiều người, nhất là với cô chú.

Chỉ một phút không thể kiềm chế, chỉ một mâu thuẫn nhỏ trong một trận chơi đá bóng, thế mà con đã… Nhưng cô chú ơi! Cô chú có biết không? Cho dù lúc đó là sự tức giận tuổi trẻ tưởng chừng như mê muội, nhưng trong thâm tâm con không cố ý làm vậy. Với một thanh niên vừa mới bước vào ngưỡng cửa của giảng đường đại học, cũng như Tâm con được sống trong chiếc vỏ kén từ sự che chở của cha mẹ, chỉ biết ăn học và giúp đỡ những công việc vặt cho gia đình. Con thực sự không nhận thức hết hậu quả mà con có thể gây ra khi cầm trên tay lưỡi dao vô tri nhưng vô cùng nguy hiểm đó.

Bức thư của phạm nhân Hòa viết khi thụ án
Bức thư của phạm nhân Hòa viết khi thụ án

Hướng thiện ở trại giam

Cô chú à! Biết những gì con đã và đang viết ra đây, có thể cô chú xem như một sự giả tạo, nhưng con sẽ dùng cơ hội này để nói hết.

Sau khi gây án xong, con như đứa trẻ ngây ngô không biết rằng mình đang là tên tội phạm vô cùng nguy hiểm. Nói đúng hơn, con không dám đối diện với sự thật phũ phàng đó. Trong thâm tâm, con cứ nghĩ, điều con vừa làm có thể chỉ là giấc mơ. Nhưng cuối cùng, cái gì đến phải đến, con bắt đầu run rẩy, hoang mang, nỗi sợ hãi nhanh chóng xâm lấn cơ thể, con ngã gục như một cái xác không hồn với ánh mắt nhìn vô định, khi mà trước mặt con là những tấm ảnh về Tâm và lời khẳng định của cán bộ điều tra. Để rồi, từ một thanh niên vui vẻ, hòa đồng, năng động, con trở thành một kẻ lầm lỳ, tự kỷ, kém ăn nói và rất ít tiếp xúc với mọi người. Con khép mình trong bốn bức tường của nội tâm, chạy trốn nỗi dằn vặt, sợ hãi. Cho đến hôm nay đã 13 năm đã trôi qua, con vẫn vậy, theo từng nhịp tích tắc của chiếc kim đồng hồ, tim con vẫn thình thịch như bấn loạn, con vẫn nghe rất rõ những cơn giông tố của sự sợ hãi, ăn năn và hối hận.

“An Điềm, ngày…, khi chiếc tivi tắt, không gian lại trở lại với đúng bản chất của nó, lạnh lùng đến ngạt thở. Con lại nằm đây, trằn trọc và thao thức, nửa tỉnh nửa mê, và rồi như một lẽ hiển nhiên của một kẻ mang trong mình nỗi ám ảnh tội ác, quá khứ đau đớn tiếp tục tràn về bấu víu, cào xé và cắn rứt lương tâm con. Dòng cảm xúc này cứ được lặp đi lặp lại hàng nghìn đêm, chậm rãi nhưng đau đớn.

Thưa cô chú!

Cho đến hôm nay, nếu sau lưng con không có sự hiện hữu hình ảnh, ký ức về gia đình, nếu không có nụ cười thân thiện, sự tận tình giúp đỡ, luôn kề bên cạnh động viên và chỉ bảo của Ban giám thị, Hội đồng giáo dục, Quản giáo, cán bộ trại giam An Điềm…có lẽ con đã ngã gục từ lâu. Con luôn ghi nhớ và cảm ơn những người thầy, ví như những con thuyền với cánh buồm luôn căng gió nhiệt huyết, dẫn lối soi đường, vun vén chăm bón cho hàng ngàn mầm thiện, trong đó có con. Giờ đây, trên bước đường cải tạo, con cầu mong mình luôn có sức khỏe để mỗi ngày trôi qua luôn đạt thành tích tốt trong lao động, học tập, trao dồi kiến thức, rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, ôn hòa giúp đồng phạm cùng nhau đi tới ánh hồng của tương lai.

Con biết, con không thể trả Tâm về với cô chú. Với mức án mà pháp luật đã trừng phạt, con xin nguyện dành hết cuộc đời mình, mạn phép cầu nguyện cho gia đình cô chú mãi luôn khỏe mạnh và an lành. Dẫu biết rằng lời, xin lỗi vẫn mãi là lời xin lỗi, nhưng trái tim con mỗi ngày đều viết lên hàng vạn, hàng triệu lời như vậy, gửi đến cô chú để mong được chút thanh thản, bớt mặc cảm hơn sau những ngày trôi qua.

Con mong rằng, bức thư này đến tay cô chú, qua 1 đêm, con sẽ được nhẹ nhõm hơn và vơi đi một phần nào đó cảm giác tội lỗi. Cuối cùng, để khép lại dòng thư, con xin được gửi đến cô chú lời biết ơn chân thành nhất vì đặc ân này “Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại” phải không cô chú, và trên tất cả, con xin khẩn cầu cô chú hãy mở rộng tấm lòng độ lượng, khoan dung mà tiếp nhận những dòng chữ thật lòng như chính sự tồn tại của con lúc này. Mong cô chú hãy tha thứ để con có thể an lòng cải tạo, học tập và rèn luyện, làm lại cuộc đời; nuôi dưỡng vững chắc mầm thiện với hi vọng nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước mà sớm về bên gia đình, xã hội”.

Đọc thêm