Ghê người nghề "ăn xác nhà"

Quá nghiệp dư và đôi khi bất cẩn, họ đã phải chuốc lấy tai họa cho bản thân mà không biết kêu ai. Và, ngay cả những người có thâm niên, mang theo cả ước mơ của vợ con leo lên những ngôi nhà cao đang bị phá nham nhở. Họ phải đổ mồ hôi ở đó để nhận về những đồng tiền công. Ai mà biết được, tai họa sẽ giáng xuống đầu họ ngày nào, giờ nào mà tránh.

Trên đời có hàng trăm thứ nghề, nhiều nghề nguy hiểm, trong đó nghề phá dỡ nhà mà dân làm nghề này gọi là “ăn xác nhà”. Nghề luôn được đặt ở mức độ cực kỳ nguy hiểm. Thế nhưng, với tốc độ đô thị hóa, tốc độ xây dựng nhà cửa, cao ốc nhanh đến chóng mặt đã đưa nghề này trở nên “hot” và rất nhiều người tham gia.

Nghề treo tính mạng

Theo chân anh Nguyên Văn Thức đến khu công trình đang được phá dỡ ở đầu phố Xã Đàn (Hà Nội), chúng tôi được tận mắt chứng kiến công việc và mức độ nguy hiểm mà các anh đang phải đối mặt. Trước đây, anh Thức làm nghề xây dựng, cũng “treo” mình ở rất nhiều công trình cao chót vót.

Người làm nghề “ăn xác nhà” có thể thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng

Nhận thấy nghề đó cũng vất vả mà lương chẳng xứng, anh về đầu quân cho một “đại gia” mở công ty chuyên nhận các hợp đồng phá dỡ các công trình, nhà ở cũ. “Cũng là thứ nghề nguy hiểm, bụi bặm, phải treo mình ở độ cao, rồi đôi khi đưa máy vào bới bê-tông, kéo đổ tường… Công việc không hề đơn giản, nhưng có tiền thì nhiều người vẫn phải làm”, anh Thức chia sẻ.

Thức tiết lộ, tiền công tính ra một tháng được khoảng 8 triệu đồng. Nếu công ty có hợp đồng thường xuyên thì có thể cao hơn. Bởi hiện nay có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, thậm chí nhiều nhóm lao động tự do đứng lên thành lập các đội hành nghề phá dỡ, nên mức độ cạnh tranh cũng cao.

Theo nghề được ba năm, năm ngoái, Thức đã rủ em trai là Nguyễn Văn Thành cùng theo nghề với anh. Công ty có hai đội, mỗi người tham gia một đội. Hiện Thức là đội phó của đội một, phụ trách về việc tìm đối tác vận chuyển phế thải xây dựng. Người ta vẫn gọi vui nghề của các anh là “nghề ăn xác nhà”.

Theo anh Thức, để làm được nghề này, ngoài sức khỏe, khả năng chịu đựng nắng nóng, chịu được độ cao, thì phải gan lì và dũng cảm. Thêm nữa, dù mọi người tham gia vào công việc này để đã rất cẩn thận, nhưng không tránh khỏi sơ sểnh. Vậy nên, tố chất cần có là khéo léo, nếu không sẽ “ăn đòn” như chơi.

Hiện tại, ở Hà Nội có hơn 10 doanh nghiệp tham gia nghề, chưa kể đến hàng chục nhóm tự do. Họ luôn đi săn các hợp đồng và ngã giá. Bình thường, một căn nhà khoảng 40 -50 m2, 3 đến 4 tầng có giá phá dỡ khoảng 40 đến 45 triệu đồng.

Không ít ông chủ có nhiều mối hàng sẽ bán hợp đồng cho nhóm khác để ăn chênh lệch. Một số ông chủ tính toán giảm chi, nên chỉ thu nạp vài lao động thường xuyên. Khi cần nhiều người, họ ra “chợ lao động” thuê người. Vừa tránh được phải đóng bảo hiểm cho người lao động, lúc không có việc chẳng phải trả lương. Chỉ thiệt thòi cho những người lao động trực tiếp, đổ mồ hôi, vất vả nhiều nhất nhưng tiền công nhận về chẳng đáng là bao.

Nguy hiểm chực chờ

Trong khi người lao động nhiều, công việc ít, rất nhiều phần nguy hiểm đến tính mạng, thì những người làm nghề vẫn phải chấp nhận, miễn là có tiền.

Anh Trần Đức Hải, quê ở Quốc Oai (Hà Nội) có thâm niên 5 năm hành nghề, hiện đang làm cho một công trường (gồm 2 ngôi nhà cũ) ở đường Láng cho biết: “Một số công trình phá dỡ đã có máy móc. Nhưng đâu phải chỗ nào cũng đưa máy bổ được, mà phải dùng sức người vì sợ ảnh hưởng đến nhà bên cạnh.

Thêm nữa, nhiều con ngõ máy không vào được, việc phá dỡ hoàn toàn dựa vào sức con người. Ở môi trường đó, bụi vô cùng, đeo khẩu trang cũng chẳng tránh được. Nên không ít người đã hít phải bụi bẩn, khí độc. Chưa kể tai nạn không biết lúc nào có thể đổ vào người mình lúc nào không biết”.

Nhìn lên công trường, có 6 người đang nhập cuộc. Tất cả họ đều không có một dụng cụ bảo hộ nào. Người thì dùng búa đập những khối bê tông lớn để lấy cốt sắt ra, người thì hạ bức tường ở trên cao xuống. Thi thoảng lại có tiếng khối tường đổ rầm xuống, bụi bay mù mịt. Chỉ nhìn thôi đã thấy ghê.

Triển khai phá dỡ hai ngôi nhà đã được ba ngày, chỉ mấy ngày nữa là hoàn thành. Hôm trước, nhóm của anh Hải có người bị trượt chân ngã bể đầu gối, phải nghỉ ở nhà điều trị, một người đập búa vào tay, vì tham việc nên vẫn tiếp tục đi làm.

Một người trong nhóm cho biết, do hợp đồng của các anh, chị với ông chủ chỉ là hợp đồng miệng. Chủ thầu không muốn trang bị bảo hộ vì sợ tốn kém. Hơn thế, họ không bao giờ có “bảo hiểm lao động”.

Người nào bị tai nạn, thậm chí chết người chỉ được hỗ trợ một ít tiền gọi là bồi dưỡng. Gặp chủ tốt, nếu bị nhẹ còn được cung cấp thuốc, bị nặng được đưa đi bệnh viện khám sơ qua. Với chủ độc ác, họ bỏ mặc, và chẳng có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho những người làm việc trong môi trường nguy hiểm này.

Theo thống kê, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn liên quan đến vấn đề xây dựng ở Hà Nội. Trong ba năm gần đây nhất, có đến hàng chục người mất mạng vì phá dỡ nhà cũ. Tôi đã chứng kiến một trường hợp tai nạn rất thương tâm ở quận Hoàng Mai cách đây không lâu.

Hôm đó, chiếc máy xúc vừa rút gầu ra nghỉ giải lao thì một nhóm người lao vào ngôi nhà bị kéo sập một nửa để mót sắt vụn. Chỉ lát sau, cột bê tông trụ nhà rùng rùng gãy, cả ngôi nhà đổ ụp xuống. Chỉ có hai người ở trên tầng nhảy được sang nhà bên cạnh thoát chết. Còn một thanh niên 32 tuổi, có vợ và hai con nhỏ, quê ở Nam Định đã bỏ mạng chỉ vì vài sợi sắt nhỏ đáng giá mấy nghìn đồng.

Dù đã được cảnh báo, dù biết nguy hiểm, nhưng người lao động khát việc vẫn muốn có việc làm và chỉ mong được người ta gọi đi “ăn xác nhà”. Kéo theo đó là không ít bà đồng nát, những người lao động tự do cũng đến để xin “một chân”.

Quá nghiệp dư và đôi khi bất cẩn, họ đã phải chuốc lấy tai họa đáng tiếc cho bản thân mà không biết kêu ai. Và, ngay cả những người có thâm niên, mang theo cả ước mơ của vợ con leo lên những ngôi nhà cao đang bị phá nham nhở. Họ phải đổ mồ hôi ở đó để nhận về những đồng tiền công. Ai mà biết được, tai họa sẽ giáng xuống đầu họ ngày nào, giờ nào mà tránh.

Sơn Bình

Đọc thêm