Trong chương trình nghị sự kéo dài gần 10 ngày, ngoài việc nghe các bản đề dẫn và thuyết trình tổng quát về văn học Đức mấy thập kỷ vừa qua, thảo luận một số chuyên đề, chúng tôi đã có nhiều hoạt động bên ngoài hội thảo, đó là giao lưu, tiếp xúc với các nhà văn tiêu biểu hiện nay, một số câu lạc bộ văn học của thanh niên và tham quan các cơ sở bảo tồn, bảo tàng về văn học ở Berlin. Một ngày trước khi kết thúc hội thảo, chúng tôi đến thăm ngôi mộ của nhà văn Heinrich Kleist ở khu rừng ven hồ Wannsee và nhà lưu niệm Bertolt Brecht ở phố Chausee - Strasse.
Về Bertolt Brecht, dù là người nước nào, chúng tôi đều có những hiểu biết nhất định về thân thế, sự nghiệp trên cả hai lĩnh vực sân khấu lẫn thi ca. Nhưng, về Heinrich Kleist thì quả thật, dây là dịp đầu tiên chúng tôi được nghe những thông tin cụ thể - qua câu chuyện sinh động của các nhà nghiên cứu văn học Jŏrg Plath và Jochen Schmidt. Riêng tôi, trên bước đường tìm hiểu văn hóa Đức, tôi mới biết về Kleist qua tiểu thuyết Michael Kohlhaas do nhà xuất bản Văn học cho dịch và ấn hành năm 1964.
Câu chuyện về ông được kể ngay trước nấm mộ của người quá cố, có tấm bia lớn ghi rõ năm ra đời và năm mất. Nơi mà chúng tôi đứng đây, ngày 21 tháng 11 năm 1811, Heinrich Kleist đã ngã xuống sau phát súng tự sát, kết thúc cuộc đời ngắn ngủi 34 năm. Một cảm giác u buồn thoáng hiện trong lòng tôi, hòa trong ngọn gió từ hồ Wannsee thổi đến, giữa một buổi mai lạnh lẽo lạ lùng.
- Cuộc đời Kleist rất ngắn, nhưng sự nghiệp sáng tác văn học của ông thì phải mất hai thế kỷ mới được nhìn nhận một cách xác đáng ! Giáo sư J.Plath mở đầu câu chuyện như vậy và tôi thấy: đó thực sự là một hiện tượng độc đáo, rất hiếm thấy trong lịch sử văn học Đức. Ông nói tiếp: Là nhà văn, nhà soạn kịch tiêu biểu nhất ở thời kỳ giữa văn học cổ điển và văn học lãng mạn Đức, nhưng sinh thời, sự nghiệp và tên tuổi ông dường như bị lãng quên, thậm chí bị coi thường. Là nhà soạn kịch lớn, nhưng trong đời mình, ông chưa một lần được thấy tác phẩm của mình trình diễn trên sân khấu. Sau cái chết bi thảm kia, hơn một thế kỷ sau, tác phẩm và tên tuổi ông vẫn chưa được biết đến.
Tiếp lời, nhà nghiên cứu J.Schmidt kể:
- Kleist - họ tên đầy đủ là Wilhelm Heinrich von Kleist, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1777, tại thành phố Frankfurt/ Oder miền Đông nước Đức. Gia đình ông vốn có truyền thống văn học lâu đời. Kleist là chắt của nhà văn Ewald Kleist (1715 - 1759). Dưới triều đại vua Phố, đó cũng là một gia đình sĩ quan quí tộc. Nhưng, cha mẹ mất sớm, mới 15 tuổi, Kleist phải vào quân đội và một năm sau đó miễn cưỡng tham gia chống Cách mạng tư sản Pháp. 1797 ông được phong hàm Trung úy, song chỉ hai năm sau ông xin ra khỏi quân đội vì chán ngán cuộc sống trong một đội quân phong kiến thuộc chế độ quân phiệt, độc tài.
Trở về quê hương Frankfurt/ Oder Kleist theo học các ngành triết học, vật lý, toán học. Nhưng chỉ được một năm, ông bỏ học, đi ngao du ở Wưrzburg, Berlin rồi sang Paris. Song, Paris đối với ông không phải là trung tâm của cách mạng, của lý tưởng mà tràn đầy cuộc sống xa hoa, trụy lạc. Nghiên cứu triết học của Kant, người thanh niên Kleist nhìn cuộc sống với tất cả tâm tư và tình cảm rối loạn - một thứ rối loạn của chủ nghĩa phí lý tính (Irrationalismus), ngày một hoài nghi con đường học vấn và cuộc sống hiện đại.
Rời Paris, Kleist đi bộ qua Thụy Sĩ, Áo với ý định thiết lập một cuộc sống bình dị, sống gần với thiên nhiên kiểu Roussau. Nhưng không được bao lâu, ông bỏ ý định đó, tiếp tục đi lang thang, năm 1803 đến Weimar, làm quen với Wieland, Goethe và Schitler. Từ đây, ông có ý định trở thành nhà thơ, nhà soạn kịch và làm báo. 10 năm liền, Kleist sáng tác khá nhiều, song như đã nói tác phẩm của ông không được người đời tán thưởng. Cộng vào đó, ông hay ốm đau, sống trong cảnh nghèo túng triền miên; tính tình thường xuyên giao động, lúc thì đầy hưng phấn, lúc thì buồn nản, hoang mang, đến mức gần như bệnh hoạn. Xã hội Đức lúc này đen tối, ngột ngạt hơn bao giờ hết dưới ách thống trị của Napoleon, càng làm cho Kleist trở nên cực đoan. Ông đã phản ánh trong tác phẩm của mình những mâu thuẫn giai cấp, phi lý tính lãng mạn bắt nguồn từ phản ứng chế độ phong kiến và duy lý cách mạng tư sản mà Cách mạng Pháp 1789 mang lại.
Năm 1808, Kleist đến Dresden, cùng với Ludwig, Körne, Tieck, Müller - những người theo phái văn học lãng mạn- xuất bản tạp chí văn nghệ Phöbus (Thần mặt trời). Một năm sau, ông dự định cho ra mắt tuần báo chính trị Germania nhằm kêu gọi dân tộc Đức đoàn kết lại chống đạo quân của Napo leon. Ý định đó không thành, ông sang Praha một thời gian ngắn rồi trở về Frankfurt/Oder cùng một số nhà văn xuất bản tờ Berlin buổi chiều, nhưng tờ báo đó cũng chỉ sống được 6 tháng, vì nạn kiểm duyệt hết sức gắt gao. Kleist càng trở nên chán nản và thất vọng. Những kiến thức về triết học, xã hội không giúp cho ông giải thích nổi các mâu thuẫn trong xã hội mà ông đang sống. Trong khi đó, mọi sáng tác văn học và sân khấu của ông không đem lại cho ông những kết quả và niềm tin mong muốn. Tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của ông không gây được một tiếng vang tích cực nào. Từng ôm ấp cao vọng là sáng tác một vở kịch kết tinh được mọi yếu tố nghệ thuật ưu tú nhất của mọi thời đại, từ các nhà soạn kịch Hy Lạp, Shakespeare đến Goethe... Nhưng rồi, đốt đi viết lại nhiều lần, vở kịch ấy không được như ý muốn.
Những mâu thuẫn trong một nước Đức manh mún, không thống nhất, tình trạng chia cắt kéo dài, ngày một thê thảm, và cả những mâu thuẫn trong cuộc đời của chính ông cũng không thể giúp ông tìm ra lối thoát cho mình, đã đưa Kleist đến cái chết với hy vọng: Ở thế giới bên kia, linh hồn con người sẽ vĩnh viễn được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc về vật chất…
Trên đây là những nét chính về cuộc đời Kleist mà hai nhà nghiên cứu Đức đã giới thiệu cùng chúng tôi. Tôi chăm chú nghe, ghi chép và có lúc cảm thấy như nhà văn trẻ tuổi năm xưa Heinrich Kleist đang hiển hiện trước mặt mình. Plath và Shenudt cho biết tiếp:
- Kleist là tác giả của 8 vở kịch, 8 tiểu thuyết và hàng loạt luận văn, truyện ngắn, tiểu luận, bài báo. Đó là một khối lượng tác phẩm khá lớn, đã ra đời trong vòng 10 năm. Không có tài năng, sự nỗ lực phi thường thì làm sao thực hiện nổi !
Lịch sử văn học Đức ngày nay đã trả lại cho Heinrich Kleist vị trí xứng đáng của ông, khẳng định ông là tác giả lớn nhất ở giai đoạn giữa văn học cổ điển và văn học lãng mạn Đức, là tài năng phản ánh hiện thực, sự thể hiện các hoài bão lý tưởng, tình yêu, sự thật, tổ quốc bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, điêu luyện. Các tác phẩm của Kleist đả kích kịch liệt pháp luật Phổ thối nát, tố cáo sự bóc lột và đàn áp dã man nông dân (rõ nhất là ở vở kịch Cái vò bị vỡ ra đời năm 1808). Tác giả kêu gọi lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc ngoại xâm, lên án uy quyền độc đoán của nhà nước Phổ, bảo vệ giá trị con người tự do, thể hiện tập trung ở bi kịch Hoàng thân Friedrich von Hombourg (1810).
Ở đầu thế kỷ XX, người ta đã nhận ra giá trị về nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm của H. Kleist không chỉ ở hai tác phẩm nói trên mà cả ở các tiểu thuyết: Động đất ở Chi li (1810), Gia đình Schroffenstein (1803), Kathrin bé nhỏ của Heilbronn (1807-1808)…và ở vở hài kịch Amphitryan, phỏng theo hài kịch của Moliere (1807)… Tuy vậy, trong bước đầu được nhìn nhận lại, tác phẩm của Kleist bị bọn tư bản lũng đoạn và lực lượng phát xít hiếu chiến xuyên tạc và lợi dụng tinh thần dân tộc và lòng yêu tổ quốc nồng nàn theo hướng cực đoan.
Giờ đây, sau bao nhiêu thăng trầm, tên tuổi và sự nghiệp sáng tác cũng như những nỗ lực nhằm phát triển báo chí của H.Kleist đã được xác định lại một cách khách quan và trân trọng. Toàn bộ những gì ông viết ra được coi là tấm gương phản ánh thời đại một cách trung thực với trách nhiệm công dân của một nhà văn yêu nước, căm thù sự bất công xã hội. Chưa nghiên cứu đầy đủ tác phẩm của ông, song qua nhận định của các chuyên gia văn học Đức, ông còn được đánh giá rất cao về tài năng ngôn ngữ - một thứ ngôn ngữ trong sáng, đẹp đẽ, có thể diễn đạt mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và tâm lý con người.