Xử phạt 1.600 tỷ đồng từ vi phạm giao thông
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 6 tháng đầu năm, các lực lượng tuần tra, kiểm soát đã tiến hành lập biên bản hơn 2 triệu trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xử phạt 1.600 tỷ đồng. Theo quy định, các địa phương được giao quản lý, sử dụng 30% số kinh phí này cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, việc sử dụng số kinh phí này tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng vì thiếu quy định cụ thể, khiến cho hoạt động tuần tra, kiểm soát, nhất là việc đảm bảo hoạt động tại các trạm kiểm soát tải trọng phương tiện gặp khó khăn.
Đơn cử như tỉnh Cà Mau, năm 2014 địa phương này được giao quản lý, sử dụng 16,7 tỷ đồng, trong khi đó năm 2013 địa phương này chi hết 35 tỷ đồng. Dự toán năm 2014 lên tới 56,4 tỷ, nhưng chỉ được cấp 16,7 tỷ đồng. Nhu cầu chi rất lớn nhưng cấp như thế không thể đảm bảo. Tình thế có thể buộc phải giảm bớt lực lượng ra quân, giảm bớt lực lượng xuống đường làm nhiệm vụ. Nhưng nếu giảm bớt lực lượng tuần tra thì tai nạn có nguy cơ tăng trở lại.
Trước bất cập này, Cà Mau mới đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh lại mức chi cho hợp lý, bởi mức chi như hiện nay không thể đảm bảo chi bồi dưỡng cho các lực lượng làm nhiệm vụ, chẳng hạn lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông...
Tiếng là thành phố nhưng phải “ghi nợ” doanh nghiệp
Cùng cảnh ngộ với Cà Mau, 6 tháng đầu năm 2014, TP.Cần Thơ thu được trên 37 tỷ đồng từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng địa phương không sử dụng được, thậm chí tiền xăng cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát cũng thiếu.
“Anh em đang thiếu xăng. Tiếng là thành phố nhưng tiền xăng vẫn còn nợ doanh nghiệp vì không có tiền để chi. Do đó tôi đề nghị Bộ Tài chính cho các tỉnh để lại tự sử dụng và kiểm soát qua tình hình sử dụng. Chứ giờ cơ chế hiện nay nộp về Bộ Công an 70%, để lại 30% nhưng rất khó chi” - ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nêu thực trạng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Vi Văn Thanh, việc xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông thì cần lấy chính kinh phí đó phục vụ hoạt động đảm bảo an toàn giao thông. “Ít nhất cũng phải đảm bảo xăng cho quá trình hoạt động của các lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhưng việc chi theo quy định của Bộ Tài chính cũng rất khó khăn” - ông Thanh cho biết.
Theo Thông tư 53 hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong 30% kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông để lại cho các địa phương, có 8 khoản chi, trong đó có phần chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm; chi phụ cấp cho lực lượng xử phạt trực tiếp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung thừa nhận hiện nay riêng khoản chi phụ cấp cho lực lượng xử phạt trực tiếp thì chưa có quy định cụ thể./.