Giã biệt giang hồ thành thợ Tattoo

Là người có tài, nhưng vì hoàn cảnh nên dính vào ma túy, rồi phải vào tù. Trong quá trình cải tạo, Trần Quang Học (ở phường Đức Giang quận Long Biên – Hà Nội) đã nhận ra lầm lỗi và sám hối, quyết quay trở về đường sáng. Hiện nay, anh đã phát triển nghệ thuật xăm hình tattoo và sống hạnh phúc bên vợ con. 

Là người có tài, nhưng vì hoàn cảnh nên dính vào ma túy, rồi phải vào tù. Trong quá trình cải tạo, Trần Quang Học (ở phường Đức Giang quận Long Biên – Hà Nội) đã nhận ra lầm lỗi và sám hối, quyết quay trở về đường sáng. Hiện nay, anh đã phát triển nghệ thuật xăm hình tattoo và sống hạnh phúc bên vợ con.   

Học và vợ con
Học và vợ con

Người “dại dột”

Nhìn dáng mập mạp, xăm trổ đầy mình, không ai nghĩ Học lại lành đến thế, nhưng thật sự, Học đã từng hiền “như cục đất”. Sinh năm 1975 trong một gia đình có truyền thống vẽ truyền thần, từ nhỏ Học đã đam mê vẽ. Vì cuộc sống, Học chẳng được theo nghề và luôn phải làm việc nặng nhọc để nuôi em. “Đời tôi ngày đó chán lắm, toàn bị bắt nạt thôi. Đến khi đi làm thuê cũng bị chủ đánh. Tôi đã bỏ và từ đó tiêu cực, hay đánh nhau. Khi đang học cấp III thì bỏ, đi phụ xe đường dài rồi mắc nghiện, phải đi cai. Khi bố mất mới thấy ân hận”, Học cho biết.

Đó là năm 1994, Học ăn năn vì đã dính vào ma túy. Anh trở về học xong chương trình cấp III và thi đỗ vào ĐH Mỹ thuật công nghiệp, với hy vọng có thể sống bằng năng khiếu. Nhưng một lần nữa, Học lại không làm chủ được, bị những phần tử xấu lôi kéo, nên tiếp tục sa ngã.

 Lần này “ác chiến” hơn lần trước, Học vừa tổ chức đánh nhau, trộm cắp để kiếm tiền dùng hàng cấm. Những người thân còn lại khuyên can thế nào cũng không được. Học ở đại học chưa đầy hai tháng, anh lún sâu vào giang hồ mà không phân biệt đâu là phải, đâu là trái, thế là bị bắt. Vào trại cải tạo một thời gian, anh được tha tù trở về.

Ngựa quen đường cũ, Học đã tổ chức đàn em đánh tơi bời mấy chú cháu bên hàng xóm vì thấy “ngứa mắt”. Trên chặng đường bỏ trốn xuống Hải Phòng, Học trộm cắp và bị bắt. Tổng cộng, Học bị kết án 6 năm tù giam.

Tại trại giam số 6 Nghệ An, nhờ năng khiếu mỹ thuật nên anh được giám thị phân cho công việc quay chậu cảnh, đắp tượng. Một lần,  Học đã trốn ra ngoài định trở về tung hoành đời lang bạt thì bị bắt trở lại.

Năm 2004, mẹ mất, Học ân hận và quyết định hoàn lương, anh chia sẻ: “Lúc đó, tuổi nhiều rồi, tôi nghĩ không thể sống mãi kiểu cũ, phải làm gì đó có ý nghĩa cho đời mình. Không thì muộn mất”.

Năm 2005, Học được tha tù, trở về địa phương. Chưa biết sẽ kiếm sống thế nào, thì một người bạn gợi ý nên tận dụng hoa tay sẵn có. Học hiểu ra, liền nghĩ đến loại hình xăm nghệ thuật trên cơ thể người. Nghĩ là làm, Học đã tiến hành kẻ biển quảng cáo, cải tạo lại ngôi nhà để làm nghề.

“Lúc đó, người ta còn ghẻ lạnh nhìn tôi, bảo tôi là thằng đi tù về thì chẳng làm được gì đâu. Vay tiền cũng chẳng ai cho vay. Khách khứa đến với tôi cũng lèo tèo. Một số đối tượng vẫn gọi tôi ra hoạt động giang hồ. Nhưng tôi khước từ thẳng thừng”, Học nói.

Cơ duyên một tình yêu

Chính vì từ chối sự mời mọc của giới giang hồ, Học đã bị một đàn em lấy trộm điện thoại. Trong thời gian đi tìm gã đàn em để đòi điện thoại, Học đã gặp chị Phạm Ngọc Dung (ở xã Thạch Bàn, Gia Lâm) vừa bị chồng bỏ đang bán vé số ở cổng BV Tâm thần Hà Nội.

Sau này khi đã quen, tâm sự, Học biết Dung đã qua một lần đò, và là người hơn anh 4 tuổi. Học quý Dung lúc nào chẳng biết. Dung thấy mình được quan tâm thì cảm động. Học bảo với người yêu: “Em ở với anh là khổ lắm đấy”, Dung cười: “Chúng mình khỏe mạnh, có tay chân đầy đủ lo gì không sống được. Anh yên tâm đi”.

Hai người bảo ban nhau, vợ tiếp tục bán vé số, chồng mở rộng tiếp thị xăm nghệ thuật, thu từng đồng bạc lẻ. Họ không biết mình đã hít vào người bao nhiêu bụi bặm của cảnh lang thang, thế rồi cũng qua những khó khăn, họ đã tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Một niềm vui sướng đến với hai vợ chồng, đó là ở tuổi 42, chị Dung đã sinh được một bé trai khỏe mạnh. Cơ sở xăm nghệ thuật của Học đông khách dần. Chị Dung chia sẻ rằng, hình như có con, anh chị được lộc. Khách cứ kéo đến, phong trào xăm của thanh niên cũng tăng. Say sưa với công việc làm ăn, Học quên luôn quãng đời tăm tối. Anh cũng không la cà rượu chè, lúc nào cũng chỉ chăm lo cho vợ con.

Khi cơ sở phát triển, anh Học còn giúp đỡ dạy nghề cho gần 80 học trò. Nhiều người trong số đó đã đi làm, thậm chí có thể mở cơ sở nghệ thuật tatoo. Nghe cách anh nói chuyện, đủ biết Học đang rất hạnh phúc và mãn nguyện về công việc, gia đình cũng như các học trò. Tiễn tôi ra về, anh chốt lại một câu: “Ai cũng có thể sa ngã, nhưng quan trọng là biết hối cải, nghĩ cách tìm lại mình như thế nào. Tôi đã tìm lại được mình”.

Sơn Hà

Đọc thêm