Gia đình cùng dìu nhau qua mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều nơi trên thế giới ghi nhận tình trạng ly hôn tăng đột biến trong thời kỳ hạn chế đi lại do dịch bệnh. Nhưng ở một khía cạnh khác, thời gian dành cho gia đình nhiều hơn cũng là một cơ hội để vun đắp lửa gia đình…
Gia đình cùng dìu nhau qua mùa dịch

Không phải tình cờ khi nhiều nơi trên thế giới ghi nhận lượng ly hôn tăng đột biến trong những ngày dịch bệnh hoành hành.  Tại Trung Quốc, báo cáo từ nhiều thành phố cho thấy tỉ lệ ly hôn tăng mạnh thời điểm giãn cách do dịch. Thành phố Tây An và tỉnh Tứ Xuyên đều báo cáo số lượng hồ sơ ly hôn cao kỷ lục vào đầu tháng 3/2020, thậm chí dẫn đến sự ùn ứ tại các tòa án. 

Tại Nhật Bản, tỉ lệ ly hôn tăng mạnh thời điểm dịch cũng là chủ đề thảo luận của các diễn đàn, truyền thông suốt thời gian qua. Nguyên nhân được thống kê cũng là từ những hệ quả tiêu cực do dịch bệnh kéo dài và giãn cách xã hội: thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế, gia tăng gánh nặng việc nhà và chăm sóc con cái lên vai người phụ nữ…

Tại Việt Nam, chưa có báo cáo thống kê cụ thể nào về tình hình tăng hay giảm tỉ lệ ly hôn sau những thời điểm giãn cách. Nhưng sự thật là đã có không ít trường hợp bất hòa, đến bờ vực đổ vỡ bởi những khó khăn do dịch bệnh đem đến.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, nhân viên tiếp tân một khách sạn 4 sao tại quận 1 chia sẻ: “Những thời điểm dịch bùng phát, khách sạn vắng khách nên tôi nằm trong diện cắt giảm “một nửa”, nghĩa là ngày làm ngày nghỉ nhà. Còn chồng tôi làm nhân viên kinh doanh cho một công ty địa ốc, dịch cũng phải tạm thất nghiệp. Thời gian đầu anh có cố gắng kiếm việc làm thêm như giao hàng... nhưng làm không quen nên bỏ ngang. Quãng thời gian đó đối với tôi thực sự khó khăn khi chồng trốn vào game để quên buồn. Thời gian kinh khủng ấy đã qua, giờ đây cả hai vợ chồng đều đã có việc làm, nhưng giữa chúng tôi đã có vết nứt khó hàn gắn. Đợt này dịch đang quay trở lại, tôi không biết rồi gia đình mình sẽ phải đối mặt với những cảm giác gì nữa”. 

Tại các diễn đàn về gia đình, đã có không ít câu chuyện được chia sẻ về sự mâu thuẫn tăng cao, nảy sinh bất hòa hay cảm giác “ngột ngạt” khi phải đối mặt với nhau quá nhiều, ít được đi ra ngoài hay dành quá nhiều thời gian cho con cái. 

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trong cuộc sống thường nhật tất bật, người ta thường than thở mình không có thời gian giành cho gia đình, cho nhau. Nhưng khi dịch bệnh ập đến, giãn cách xã hội, thời gian đối mặt với nhau nhiều hơn, thì lại nảy sinh ra những vấn đề khác. Đó là những áp lực về cơm áo, về tài chính, áp lực việc nhà, nuôi dạy con cái, cộng với việc không có nhiều không gian để giải tỏa... Nhưng tất cả những thứ ấy thực chất là biểu hiện trên bề mặt. Những lỗ hổng trong cuộc sống gia đình vốn đã có tồn tại và tích tụ từ trước. Biến cố do dịch bệnh giữ chân các thành viên ở nhà bên nhau nhiều hơn, từ đó, những bất ổn càng lộ diện. 

“Thời gian ở bên nhau nhiều chính là cơ hội để các cặp vợ chồng cùng nhìn thẳng vào những vết nứt, lỗ hổng vốn đã tồn tại trong hôn nhân của chính mình. Để rồi cùng nhau tìm ra giải pháp để cùng nhau “vá” những lỗ hổng ấy. Để “dìu nhau” qua những tháng ngày nhiều biến cố này, trên tất cả, cần có sự cảm thông và sẻ chia ở đôi bên. Cảm thông và hiểu cho những khó khăn mà đối phương đang gặp phải. Sẻ chia cảm xúc cho nhau, sẻ chia cả việc nhà, gánh nặng và trách nhiệm con cái, đừng để đối phương phải cô đơn trong chính mái ấm của mình…”, chuyên gia Lê Thị Minh Nga nhấn mạnh. 

Đọc thêm