Gia đình không đủ đầy vẫn trọn vẹn thương yêu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với sự phát triển của xã hội, ngày nay, những hình thái gia đình đã đổi thay rất nhiều, hình thành nhiều mô hình gia đình mới, trong đó có “gia đình không đầy đủ”. Liệu những gia đình ấy có duy trì được văn hóa gia đình trong thời đại ngày nay?
Xu thế làm mẹ đơn thân là một thực tế của xã hội hiện đại. (Ảnh minh họa)
Xu thế làm mẹ đơn thân là một thực tế của xã hội hiện đại. (Ảnh minh họa)

Gia đình không đầy đủ - xu thế những năm gần đây

Lê Thùy Linh là một bà mẹ đơn thân có tiếng tại TP HCM. Cô vừa là một giáo viên dạy vẽ tự do, vừa là một Tiktoker có lượng theo dõi cao bởi những clip ngắn, thú vị về cuộc sống nhiều màu sắc của một “single mom” và con gái nhỏ. Nhiều người thích xem clip của Linh vì nó vui nhộn, đáng yêu, lạc quan và truyền cảm hứng. Linh vẫn thường chia sẻ trên các video của mình, rằng cô không cảm thấy gia đình mình “không đủ đầy” bởi cuộc sống của hai mẹ con cô rất vẹn tròn, hạnh phúc. Tình yêu thương và những gì cô dành cho con cũng đủ bù đắp những khiếm khuyết do không có bố rồi. Nhiều khán giả cũng chia sẻ, niềm hạnh phúc của mẹ con Thùy Linh đã lan tỏa đến họ, cho họ thấy rằng một gia đình chỉ có hai mẹ con vẫn có thể là một mái ấm hạnh phúc và ấm áp như thế nào...

Trong vài thập niên qua, hôn nhân và gia đình Việt Nam trải qua những biến chuyển quan trọng, từ kiểu mẫu truyền thống sang kiểu gia đình với những đặc điểm mới, hiện đại và tự do hơn. Trong xã hội trước kia, hình thái gia đình khá đơn giản, hầu như là những gia đình trọn vẹn với cha mẹ - con cái hoặc nhiều thế hệ sống cùng nhau. Giờ đây, xuất hiện thêm những mô hình gia đình mới, đôi khi là gia đình “một nửa”, chỉ có cha hoặc mẹ đơn thân cùng con cái. Đó là những gia đình mà người cha, người mẹ khởi điểm đã chọn cho mình con đường “đơn thân”, hoặc gia đình “khuyết” hậu ly hôn. Cạnh đó, còn có hình thái gia đình “lắp ghép”, khi mà hai nửa của gia đình không hoàn hảo ghép lại với nhau, sống chung với nhau - hai người tái hôn sau tan vỡ...

Xu hướng lựa chọn đơn thân đã xuất hiện tại Việt Nam hơn một thập kỉ trở lại đây và vẫn tồn tại như một thực tế trong đời sống. Trong khi đó, tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam vẫn tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Báo cáo cho thấy, năm 2000, tỷ lệ ly hôn là 0,66 và tăng lên 2,22 vào năm 2017.

Tại Việt Nam, một bộ phận người dân, đặc biệt là người trẻ tuổi, học vấn cao, ở thành thị có sự tiếp nhận và thích ứng rất nhanh. Họ chính là những người dễ dàng chấp nhận các giá trị hôn nhân hiện đại, hoặc đưa ra lựa chọn như không sinh con khi kết hôn, sống độc thân, hôn nhân đồng giới, làm mẹ đơn thân, chung sống không kết hôn... Để từ đó hình thành các mô hình gia đình kiểu mới.

Theo khái niệm được đưa ra bởi Vụ Gia đình Việt Nam, gia đình không đầy đủ là loại hình gia đình được hình thành chủ yếu từ 2 nguồn. Thứ nhất, sau khi hôn nhân đổ vỡ, nhiều bà mẹ, ông bố quyết định ở vậy nuôi con. Nguồn thứ hai là một số người, nhất là phụ nữ sinh con nhưng không tiến tới hôn nhân mà quyết định làm bà mẹ, ông bố đơn thân. Vụ Gia đình cũng đưa ra những điểm mạnh và điểm yếu của mô hình gia đình mới này. Trong đó, điểm mạnh là các bà mẹ, ông bố đơn thân cố gắng nhiều hơn để bù đắp cho con cái đỡ thiệt thòi; phần lớn những đứa con cũng hiểu hoàn cảnh, thông cảm và chia sẻ với bố hoặc mẹ nên sống có trách nhiệm hơn. Do vậy, đời sống tình cảm của loại hình gia đình này luôn tốt đẹp. Ngược lại, điểm yếu nằm ở chỗ, dù có cố gắng đến mấy thì những ông bố, bà mẹ đơn thân cũng không thể bù đắp phần thiếu hụt do ông bố hay bà mẹ (đáng ra phải có) để lại. Những đứa con của các bà mẹ đơn thân luôn luôn có khát khao được giao tiếp, chơi các trò chơi với người đàn ông trưởng thành để trở nên cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn. Những đứa con của các ông bố đơn thân thì lại cần sự chăm sóc ân cần của người phụ nữ.

Gia đình lý tưởng không phân biệt ít hay nhiều thành viên

Như vậy, có thể nhìn nhận, gia đình “không đầy đủ” là một thực tế, một mô hình cần ghi nhận trong đời sống xã hội Việt Nam ngày nay. Nhiều câu hỏi đặt ra, rằng liệu mô hình gia đình mới ấy có duy trì được văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội?

Theo PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.

“Những giá trị gia đình được định hình thông suốt và thống nhất trong các văn kiện Đại hội Đảng là “ấm no”, “tiến bộ”, “hạnh phúc”, “văn minh”, “bình đẳng”. Đây là những giá trị quan trọng, mang hàm nghĩa rộng mà đời sống xã hội có những biểu hiện cụ thể hơn. Các kết quả nghiên cứu về giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình.

Gia đình Đan Trường khiến cộng đồng hâm mộ vì vẫn giữ được niềm hạnh phúc sau ly hôn.

Gia đình Đan Trường khiến cộng đồng hâm mộ vì vẫn giữ được niềm hạnh phúc sau ly hôn.

Những khác biệt này đặt ra yêu cầu cần chú ý tới các giá trị của nhóm thuộc khu vực phát triển chậm hơn trong hiện đại hóa để có thể tiếp tục vun đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bảo lưu rõ nét ở khu vực này. Đồng thời, có những hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội cho các nhóm hiện đại, đang có xu hướng theo những giá trị hiện đại của gia đình để một mặt phát huy sự tự do cá nhân, cởi mở trong quan niệm, một mặt, hạn chế những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ”, PGS.TS.Trần Thị Minh Thi chia sẻ.

Đồng thời, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cũng đưa ra khuyến nghị bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới là an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm. Theo sự phân tích của PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, một gia đình nếu đảm bảo được 4 yếu tố ấy sẽ là một mô hình gia đình lý tưởng và hoàn chỉnh, duy trì được văn hóa gia đình trong thời đại mới.

Trong đời sống, vẫn tồn tại những quan niệm đánh giá người chọn cuộc sống đơn thân là ích kỉ, hoặc những gia đình tan vỡ hậu ly hôn là bất hạnh, là “một nửa gia đình”. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cần nhìn nhận đến tính thời đại, đến hoàn cảnh thực tế của các gia đình. Trường hợp một người lựa chọn sự đơn thân bởi thiếu đi niềm tin vào giá trị gia đình, hoặc những người đổ vỡ hôn nhân bởi lối sống ích kỉ, không gìn giữ, bảo vệ gia đình, đó là điều đáng trách.

Tuy nhiên, kì thực nếu cuộc đời suôn sẻ và được lựa chọn, ai lại không muốn có một gia đình trọn vẹn, đầy đủ với chồng vợ - con cái, thậm chí với tam đại đồng đường chung sống hạnh phúc, nương tựa, nâng đỡ lẫn nhau. Nhưng phần lớn những mô hình gia đình “không đầy đủ” đều hình thành bởi những điều bất đắc dĩ, những đổ vỡ, bi kịch không ai mong muốn. Xã hội hiện đại tôn trọng lựa chọn chính đáng của mỗi một con người và cũng vì thế tôn trọng mô hình gia đình mới sinh ra từ những lựa chọn chính đáng ấy.

Trên thực tế, có không ít gia đình không đầy đủ nhưng lại sống rất hạnh phúc. Có những người cha, người mẹ đơn thân gương mẫu và nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp những thiếu thốn của con, đem đến cho con cuộc sống đủ đầy về vật chất, tinh thần, tình thương yêu. Nhiều đứa trẻ lớn lên trong gia đình khiếm khuyết, nhưng vẫn nên người, thành đạt, trở thành công dân có ích cho xã hội. Xã hội đã ghi nhận rất nhiều trường hợp như thế, đó vẫn là những gia đình tích cực góp phần xây đắp, duy trì văn hóa gia đình trong thời đại ngày nay.

Gia đình, không quan trọng là nhiều thành viên hay ít thành viên, có đầy đủ hay khiếm khuyết. Gia đình, chỉ đơn giản là nơi mà mỗi thành viên được sống, được trưởng thành trong tình yêu thương vô điều kiện, trong sự bao dung và nâng đỡ lẫn nhau, suốt đời.

Đọc thêm