Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số liệu thống kê cho thấy, dịch Covid-19 đã khiến cho 2.580 trẻ em bị rơi vào cảnh mồ côi, trong số đó có 2.500 em là mồ cha hoặc mẹ, còn lại 80 em là mất cả cha lẫn mẹ.
Về vấn đề hỗ trợ cho trẻ mồ côi, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chính sách với trẻ em mồ côi của Việt Nam hiện nay thuộc diện chính sách cao nhất trên thế giới. Nghị định 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2021 quy định chính sách với trẻ mồ côi ở Việt Nam 1,8 triệu đồng/tháng, trong khi trên thế giới, trẻ em tại các làng trẻ SOS chỉ đang ở mức 540 nghìn đồng.
Riêng đối với trẻ em bị mồ côi do đại dịch, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo Nghị định số 20 còn có nhiều sự quan tâm đặc biệt khác như mới đây Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ tiền mặt cho trẻ mồ côi cha hoặc mẹ số tiền 5 triệu đồng; với trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ các em ăn học.
Ngoài ra, còn có các chương trình như: “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình “Nối vòng tay thương” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện nay cảm thông trước tình cảnh của những trẻ em thiếu may mắn, nhiều doanh nghiệp thể hiện mong muốn bảo trợ các em. “Điều này rất hoan nghênh nhưng không khuyến khích, mà điều mong muốn trước tiên và lớn nhất cho các cháu, là người thân của gia đình sẽ nuôi dưỡng. Vì gia đình là tất cả đối với các cháu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc trẻ em chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhất quán quan điểm, cố gắng cao nhất và mong muốn gia đình người thân phải là ưu tiên đầu tiên cho trẻ nhỏ. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp như xây trường nuôi dạy tập trung cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 chỉ là giải pháp cuối cùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để các em có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ em phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.