Gia đình nạn nhân trong vụ tiêm HIV cho trẻ mong được sống bình yên

(PLO) - Vụ án thuê người tiêm HIV cho trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đang thực sự lan rộng trong cộng đồng. Dư luận đều có chung nhận định kẻ chủ mưu gây ra tội ác phải trả giá. Nhưng có lẽ ít người để ý đến ý kiến của mẹ cháu bé, chị N.T.L, rằng “Quan trọng là con tôi bình an vô sự. Tôi cũng muốn cho bà Thảo một cơ hội bởi “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”…
Gia đình nạn nhân trong vụ tiêm HIV cho trẻ  mong được sống bình yên

Khi chúng tôi tiếp xúc với chị L, phải rất lâu chị mới có thể trả lời những câu hỏi của chúng tôi về vụ án mà con trai chị là nạn nhân. Chị nói “Tôi không muốn trả lời bất cứ một câu hỏi nào nữa. Sinh hoạt gia đình tôi bị xáo trộn hoàn toàn kể từ khi báo chí đưa tin về sự việc. Nếu là chị, gia đình chị đang sinh sống bình yên mà bị xới xáo lên thế, chị nghĩ sao”?

 Chúng tôi buộc phải im lặng trước câu hỏi cũng như đòi hỏi chính đáng của chị L. Bởi chúng tôi hiểu những mong muốn của chị trong thời điểm sự việc đang được dư luận quan tâm.

PGS, TS tâm lý học Nguyễn Hồi Loan (nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH và NV Hà Nội) cho rằng “Khi gia đình bị hại quyết định tha thứ cho kẻ chủ mưu có nghĩa là họ cũng giống như mọi cha mẹ khác , muốn con mình được sống trong một môi trường bình yên. Khi họ đã dùng sự nhân văn để đối xử với với người đã hại con mình thì họ xứng đáng nhận lại sự đối xử nhân văn, tử tế”. Như vậy có thể hiểu, quyền được sống bình yên là quyền chính đáng của mẹ con chị L.

TS. Nguyễn Hồi Loan
TS. Nguyễn Hồi Loan

Quay lại trường hợp của kẻ chủ mưu, vì có chứng nhận tâm thần mà được đình chỉ bị can, miễn truy tố trách nhiệm hình sự, PGS, TS Nguyễn Hồi Loan lý giải: “Khi cô này nhận được tin nhắn nặc danh thông báo mình bị phản bội trong tình yêu thì có lẽ cô đã gặp phải một cú sang chấn tâm lý rất lớn, dẫn tới nhiều hành vi không thể kiểm soát được”.

Khi được biết, kẻ chủ mưu quyết tâm thực hiện hành vi kéo dài trong khoảng thời gian hơn một năm, PGS, TS Nguyễn Hồi Loan cho biết “Đặc trưng của những cú sang chấn tâm lý này là nếu không thoát ra được thì sẽ chìm ngập trong những ám ảnh đó, bệnh tâm thần gọi đây là “cắm chốt”.

Có lẽ, nếu không có một cú sốc khác lớn hơn, những người bị sang chấn tâm lý sẽ khó có thể thoát ra được cú sốc này. Và việc bị khởi tố, bị bắt tạm giam là một cú sốc tâm lý, giải thoát cho Đào Thị Thu Thảo (người chủ mưu thực hiện hành vi) thoát khỏi cú sang chấn tâm lý kia.

Người phạm tội đã “giật mình tỉnh giấc”, người bị hại cũng đã sẵn lòng tha thứ, chúng ta có cần “nhân danh công lý” để xáo trộn cuộc sống của một gia đình và đẩy một người khác (phạm tội vì bệnh lý tâm thần) vào con đường cùng? Liệu “cú sốc dư luận” hiện nay có khiến Thảo lại gặp một cú sang chấn tâm lý khác không?

Đọc thêm