Gia đình truyền thống phát huy giá trị với người hiện đại?

Cuộc sống hiện đại đã thay đổi đến chóng mặt theo từng ngày, người trẻ vốn đa số hướng đến mô hình 1-2-3-4 (một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh). Thế nhưng, do việc nuôi dạy con cái gặp nhiều khó khăn, người trẻ đang quay trở lại với những giá trị của mô hình gia đình truyền thống tam đại, tứ đại đồng đường.

Cuộc sống hiện đại đã thay đổi đến chóng mặt theo từng ngày, người trẻ vốn đa số hướng đến mô hình 1-2-3-4 (một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh). Thế nhưng, do việc nuôi dạy con cái gặp nhiều khó khăn, người trẻ đang quay trở lại với những giá trị của mô hình gia đình truyền thống tam đại, tứ đại đồng đường.

Một gia đình tứ đại đồng đường. Ảnh minh họa.

Sự thiệt thòi của gia đình hiện đại

Ông tôi có đến 8 người con, tuổi cao sức yếu ông ở với bố tôi là con cả. Bố cũng sinh được 2 con, anh tôi đã lập gia đình và cũng sinh một cháu gái. Hiện, gia đình tôi vẫn sống trong không khí, nề nếp của đại gia đình có tới ba thế hệ.

Thế nhưng, thật may mắn, suốt bao nhiêu năm chẳng để xảy ra chuyện bất hòa một cách gay gắt. Việc giáo dục con cái đều nhờ cái uy của bố, rất nghiêm nhưng nhân từ. Điều đó trở thành cái nếp, nên bất kể ai cũng được hưởng đức tính cẩn trọng, hòa đồng, trên kính dưới nhường của ông.

Xưa làng tôi nghèo, gia đình cũng nghèo, một miếng sắn, một củ khoai cũng nặng nghĩa tình gia đình, làng xóm. Mỗi bữa cơm trong gia đình bao giờ cũng bừng lên không khí ấm cúng, dù là còn đạm bạc, nên tạo sự gắn kết giữa các thành viên với nhau. Và, vì thế mà ai cũng thấy vui, ngon miệng.

Ở thời hiện đại, thật chẳng dễ tìm ra những mô hình như vậy, nhưng không phải là không có. Ở nhiều vùng quê, thậm chí ở thành phố lớn, người ta cũng vẫn tìm được. Ấy thế, nhưng những “mô hình” đã trở thành, thậm chí là biểu tượng của truyền thống đó chẳng là gì, chỉ là con số quá nhỏ nhoi so với sự biến mất của rất nhiều giá trị.

Các gia đình trẻ thích sống tự do, thích tự lo liệu cuộc sống, bươn chải trong vòng mưu sinh nghiệt ngã, rất là ở phố phường. Họ không thích bị trói buộc, bị phụ thuộc bởi quá nhiều người, và như thế không cần phải giữ ý, họ có thể là bất cứ điều gì họ muốn. Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu có sống buông thả một chút, có đi xa quỹ đạo thì vẫn không bị ai nhắc nhở. Và có ý kiến cho rằng, đó là sự thiệt thòi của các gia đình thời hiện đại.

Tam, tứ đại đồng đường cũng là một cách bảo lưu văn hóa

Tôi từng biết gia đình cụ Dương Viết Kỉnh (xã Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội), một gia đình “tứ đại đồng đường” được làng xóm vị nể. Cả gia đình cụ hiện có cả thảy 9 thành viên gồm 4 thế hệ sống chung một mái nhà.

Trước đây, đời cụ, đời con cụ đều sống bằng nghề làm ruộng. Đến thời các cháu trưởng thành, cụ Kỉnh cũng vẫn luôn nhắc nhở các cháu phải cần kiệm, chịu thương chịu khó, giữ nề nếp gia phong tổ tiên. Theo lời cụ dạy, trong gia đình ai cũng trân trọng đồng tiền, kiếm được bằng mồ hôi, xương máu. Tất cả các bữa cơm đều do bà Thanh, là con dâu đảm nhiệm. Bà Thanh là một người con dâu đảm, một người phụ nữ nhân hậu, một người mẹ biết việc, nên mọi việc đều tươm tất, vừa miệng người trẻ, chiều lòng được người già.

Đặc biệt, cách sống, cách đối xử của các thành viên với nhau khiến tôi luôn thấy ấm cúng. Đơn giản nhất như cách cụ bà pha trà mời cụ ông, cách người dưới thưa gửi với với bề trên, cách mà con trai bàn bạc với cha mẹ… đều toát lên sự ấm cúng. Cụ Kinh râu tóc bạc phơ, nụ cười hiền, lúc nào cũng tự hào vì mình đã đưa gia đình vào quy củ một cách ôn hòa.

Ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai), cụ Nguyễn Duy Công gọi gia đình “tứ đại đồng đường” của mình là “như tre ấm bụi”. Hiện cụ và cụ bà sống với gia đình người con trai út, nhưng những người con ở xung quanh vẫn thường xum vầy chăm sóc hai cụ. Để lãnh đạo tốt “vương quốc gia đình”, theo cụ Công là công bằng, cha mẹ phải gương mẫu, không phân biệt gái - trai, dâu - rể.

Cứ cuối tuần, con cháu lại tập trung để ăn bữa cơm gia đình, hoặc từng nhà luân phiên mời cơm cha mẹ mình và các anh em. Cụ Công tâm sự: “Dù xã hội thay đổi thế nào thì sự gắn kết trong gia đình nhiều thế hệ sẽ vẫn làm “cái gốc” gia phong thêm vững. Bởi sống trong gia đình nhiều thế hệ, mỗi thành viên đều phải tự điều chỉnh các hành vi và mối quan hệ của mình cho phù hợp…”.

Nhiều nhà nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra, gia đình đồng người, nhiều thế hệ thì phức tạp, đó là điểm yếu. Mặt mạnh của gia đình nhiều thế hệ, chính là kinh nghiệm của ông bà truyền lại cho con cháu, uốn nắn cho con cháu những thói hư, tật xấu để hoàn thiện đức tính làm người. Còn mô hình gia đình đơn lẻ, sẽ tạo ra một thế hệ trẻ ích kỷ, thụ động trong cuộc sống.

Nói gì thì nói, gia đình đơn lẻ đã tạo ra những điểm yếu và thêm nữa, đã gây ra những tiêu cực lâu dài cho xã hội. Nên chăng, chúng ta tích cực gìn giữ những giá trị truyền thống, là các gia đình hình mẫu tam, tứ đại đồng đường, như một cách bảo lưu văn hóa trong dòng chảy xô bồ và sự xâm thực của cái xấu trong xã hội.

Khánh Vi

Đọc thêm