Ngồi chơi và ăn tối cùng con là… giấc mơ không có thật của mẹ
Người phụ nữ Hàn Quốc vừa tử vong ngay tại văn phòng là một nhân viên tài năng. Cô đã vượt qua những kỳ kiểm tra nghiêm ngặt và khó khăn để đánh giá công nhân viên chức. Cô 34 tuổi có 3 con và vừa trở lại văn phòng làm việc sau khoảng thời gian nghỉ sinh. Cô lập tức lao vào guồng công việc kéo dài 12 tiếng mỗi ngày, cô đi làm cả thứ 7, chủ nhật và bắt đầu làm vào lúc 5h sáng để có thể kết thúc công việc sớm, trở về chăm sóc các con.
Thế nhưng, cô đã đột quị và không bao giờ có thể tỉnh lại. Cái chết của người phụ nữ này đã khiến đất nước Hàn Quốc phải nghĩ lại về những khó khăn và tình trạng kiệt quệ mà những bà mẹ Hàn Quốc đang phải chịu đựng.
Họ đang sống trong một xã hội vừa khuyến khích phụ nữ sinh con, nhưng cũng đòi hỏi phụ nữ phải làm việc vất vả. Sau cái chết của bà mẹ này, nhiều phụ nữ Hàn Quốc lên tiếng chia sẻ và cho biết họ rất hiểu những gì người phụ nữ ấy đã phải trải qua. “Ngồi chơi và ăn tối cùng con giống như một giấc mơ không có thật đối với tôi” - Kim Yu Mi nữ kỹ sư IT 30 tuổi có 2 con gái nhỏ chia sẻ.
Theo thống kê chính thức, người Hàn Quốc làm việc khoảng 2.113 giờ/năm - cao thứ 2 trong số các quốc gia thuộc khối Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD). Trong khi nam giới thường dành 40 phút để làm việc nhà thì phụ nữ mất 3 tiếng/ngày cho việc nhà. Văn hóa Hàn Quốc coi phụ nữ là người chăm sóc chính trong nhà đã đặt lên vai người phụ nữ thêm nhiều áp lực.
Chính vì thế, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc - số con mà một phụ nữ có trong cả cuộc đời - đã giảm dần trong nhiều năm và hiện đang dừng ở mức 1,2 - mức thấp nhất thế giới, mặc dù từ năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc đã chi hơn 100 ngàn tỷ won vào các chương trình khuyến khích người dân lập gia đình khi còn trẻ và sinh nhiều con. Thế nhưng, các chương trình này dường như vẫn chưa mang lại thành công.
Mới đây, để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc vừa phát động một chiến dịch vận động các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên của mình trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Chính phủ Hàn Quốc mong muốn các nhà quản lý cấp cao của các cơ quan, doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng chiến dịch này.
Ông Koh Young-sun - Thứ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho rằng, cả khu vực công và tư nhân cần phải cùng hợp tác với nhau để “thay đổi một cách căn bản” văn hoá làm việc của đất nước. Để làm được điều đó, việc đầu tiên là các cơ quan, doanh nghiệp cần có thái độ tích cực hơn đối với những nhân viên đã lập gia đình, và các đơn vị cần kết thúc ngay việc làm thêm giờ hoặc tổ chức bữa tối sau giờ làm việc.
Phụ nữ Việt Nam đóng góp 110 triệu giờ làm việc không lương mỗi ngày
Cái chết của người phụ nữ Hàn Quốc gây rúng động không chỉ với đất nước Hàn Quốc mà dư luận nhiều quốc gia châu Á khác cũng quan tâm, trong đó có Việt Nam bởi theo nghiên cứu được thực hiện trên 9 tỉnh thành phố từ tháng 1 đến tháng 6/2016 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổ chức ActionAid VietNam thực hiện, phụ nữ Việt Nam trung bình dành 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để làm các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con…., nhiều hơn nam giới 2 giờ.
Những công việc chăm sóc không được trả lương mà phụ nữ đang làm hàng ngày thực tế đã âm thầm hạn chế cơ hội của họ tham gia vào việc học tập, công tác xã hội và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, những công việc này chưa được gia đình và xã hội công nhận, thậm chí còn khiến họ trở thành những người “yếu thế” trong gia đình.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, trong các công việc chăm sóc không lương thì phụ nữ dành nhiều thời gian nhất vào việc nhà. Trung bình mỗi ngày phụ nữ dành 175 phút (khoảng 3 giờ) cho việc nhà, thời gian này nhiều hơn nam giới hơn 70 phút. Công việc chiếm thời gian cao tiếp theo là chăm sóc trẻ em với hơn 60 phút và bình quân cao hơn nam giới gần 30 phút. Công việc lấy nhiên liệu/nước cũng lấy của phụ nữ trung bình gần 60 phút, cao hơn so với nam giới khoảng 15 phút. Mặc dù công việc chăm sóc người lớn trong nghiên cứu này không chiếm nhiều thời gian của phụ nữ khi họ dành khoảng 15 phút cho việc này nhưng đây cũng là công việc mà phụ nữ phải dành thời gian cao hơn nam giới.
Điều đáng lo ngại là tại các tỉnh được thực hiện khảo sát và nghiên cứu, 100% phụ nữ và trẻ em gái trong các hộ gia đình tham gia nghiên cứu đều vẫn chịu định kiến giới nặng nề trong phân công lao động. Khi được khảo sát, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng “thiên chức của người phụ nữ là nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc con cái”. Mặc dù những công việc này tiêu tốn thời gian, thường xuyên lặp lại khiến nhiều phụ nữ phải hy sinh quyền lợi khác của mình nhưng những công việc này thường không được các thành viên khác trong gia đình coi trọng. Ngay cả cộng đồng hay chính phụ nữ đều coi việc nhà là việc vặt, việc không quan trọng, bị coi nhẹ.
Theo nghiên cứu, nếu tính mỗi người làm 5 giờ công việc không được trả lương một ngày thì 22 triệu phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi lao động đang đóng góp tới 110 triệu giờ mỗi ngày cho gia đình và xã hội. Năm 2015, ước tính công việc không lương đóng góp tới 20% trong tổng GDP của Việt Nam (khoảng 41 tỷ USD tương đương hơn 900.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, những công việc chăm sóc không lương lại không được đánh giá cao và sự bất bình đẳng trong việc không chỉ làm hạn chế các cơ hội phát triển của phụ nữ mà nó còn là nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình khi người phụ nữ làm nhiều công việc không được trả lương và bị coi là gánh gặng trong gia đình.