Gia Lai phổ biến pháp luật trong rừng cao su

 Người dân đi phụ hồ, hái cà phê cũng được hơn trăm nghìn một ngày, còn đi mót mủ cao su được hai, ba trăm nghìn một ngày, trong khi đó ở nhà nghe tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) thì chẳng có đồng nào. Đây là những cái khó rất thực tế, thách thức sự tâm huyết, kiên trì của những người làm công tác tư pháp tại Gia Lai.
Người dân đi phụ hồ, hái cà phê cũng được hơn trăm nghìn một ngày, còn đi mót mủ cao su được hai, ba trăm nghìn một ngày, trong khi đó ở nhà nghe tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) thì chẳng có đồng nào. Đây là những cái khó rất thực tế, thách thức sự tâm huyết, kiên trì của những người làm công tác tư pháp tại Gia Lai.

Công nhân cao su. Ảnh minh họa

Ông Trần Nam Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh Gia Lai cho biết, “bây giờ tập trung đồng bào lại để thực hiện TGPL không phải dễ. Ngày nào, người dân cũng phải đi làm để kiếm sống, trong khi cũng không thể có kinh phí để hỗ trợ người dân khi nghỉ làm để nghe TTPBGDPL, TGPL.

Chính vì vậy, gần đây, thông qua các già làng hay trưởng thôn, gia đình nào có nhu cầu trợ giúp, các trợ giúp viên sẽ vào tại nhà để hỗ trợ. Hình thức này rất thiết thực và hiệu quả nhưng lại đòi hỏi cái tâm, trách nhiệm của các trợ giúp viên”. Nhờ đó, công tác TGPL ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng hoạt động được chú trọng, phạm vi TGPL ngày càng mở rộng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực tư pháp.

Địa bàn rộng, dân thưa, ít phương tiện truyền thông… là những cái khó đặc trưng của Gia Lai. Nhưng chính trong cái khó lại ló ra… sáng kiến. Một trong những sáng kiến đó là ngành tư pháp đã kết hợp với các công ty cao su thực hiện mô hình TTPL rất đặc trưng. Cụ thể, trong việc khai thác mủ cao su, có một khoảng thời gian công nhân phải chờ để mủ chảy xuống. Lúc đó, Đội trưởng Đội thu gom cạo mủ cao su (là người đã được tập huấn về kiến thức pháp luật) sẽ tập trung công nhân ngay trong rừng cao su để TTPBGDPL.

Bà Trương Thị Hằng, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp Gia Lai) nhấn mạnh, phương châm của công tác TTPL tại Gia Lai là “tuyên truyền những nội dung người dân cần chứ không tuyên truyền những nội dung cán bộ thuộc”. Chính vì vậy, ngoài những sáng kiến trên, việc tuyên truyền đều có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vùng có khiếu kiện phức tạp. Sở Tư pháp đã cho thu hàng nghìn cuốn băng bằng 2 thứ tiếng là tiếng phổ thông và tiếng dân tộc phát cho các thôn, bản để phát trên hệ thống loa phát thanh. Nội dung các cuốn băng đều là những kiến thức pháp luật rất thiết thân với đồng bào.

Sở đã phối hợp với Sở GD&ĐT lập báo cáo thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng PBGDPL trong nhà trường”; phối hợp với Sở VHTT&DL phát hành tờ rơi tuyên truyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp với một số ngành tiến hành rà soát lại các loại hình CLB PL; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật”, biên tập, dịch sang tiếng Jrai, Bahnar và phát hành đến thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư đề cương, tài liệu PBPL …

Nỗ lực và kết quả của công tác TGPL, TTPBGDPL đã khiến “công tác tư pháp góp phần làm ổn định tình hình an ninh trật tự, được UBND tỉnh đánh giá cao” – như khẳng định của ông Trần Xuân Hiệp, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai./.

Trung tâm TGPL và các Chi nhánh TGPL đã thực hiện được 1.140 vụv việc, 15 đợt TGPL lưu động và hướng dẫn sinh hoạt CLB TGPL tại 72/222 xã, phường, thị trấn, trong đó có 24 xã đặc biệt khó khăn cho 4.397 người. Lĩnh vực có nhu cầu TGPL cao là đất đai, nhà ở, các quan hệ dân sự, chính sách người có công.

Đức Trường

Đọc thêm