Giá rau làm "đau đầu" cả bà nội trợ và nhà quản lý

Những ngày này, chuyện thời sự trong nhiều gia đình chính là mớ rau cân thịt, khi Tết chưa tới nơi, thời tiết vẫn khắc nghiệt mà giá cả tại chợ tăng vù vù. Cơ quan quản lý sẽ có thêm cơ sở nhận định chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong khi kiểm soát giá thế nào cho hiệu quả mới chính là điều người tiêu dùng quan tâm nhất.

Những ngày này, chuyện thời sự trong nhiều gia đình chính là mớ rau cân thịt, khi Tết chưa tới nơi, thời tiết vẫn khắc nghiệt mà giá cả tại chợ tăng vù vù. Cơ quan quản lý sẽ có thêm cơ sở nhận định chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong khi kiểm soát giá thế nào cho hiệu quả mới chính là điều người tiêu dùng quan tâm nhất.

Trời rét khiến giá rau, củ đắt hơn thường ngày
Trời rét khiến giá rau, củ đắt hơn thường ngày

Thực phẩm tăng giá vù vù

Ngay giữa những ngày rét “thâm da, tái thịt” ở các tỉnh phía Bắc, giá cả các mặt hàng, đặc biệt là rau xanh, đang tăng vù vù. Tại các chợ của Hà Nội như Vĩnh Hồ, Thái Hà (quận Đống Đa), chợ Xanh, chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân), giá các loại rau-củ-quả đã tăng giá gấp đôi, thậm chí, gấp ba lần giá trước đó.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhận định, “rau vụ Đông năm nay, toàn Hà Nội gieo trồng được hơn 13.000 ha, do đó, chắc chắn không lo thiếu rau trong những ngày sắp tới. Giá rét kèm mưa phùn chỉ làm rau tăng trưởng chậm lại mà không gây chết như mưa to. Do vậy, chỉ làm giãn khoảng cách thu hoạch rau mà không gây thiếu rau. Với trời mưa phùn, độ ẩm cao như vậy, chỉ cần có nắng ấm nhẹ lên là các loại rau lại phát triển mạnh trở lại...”

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, giá thịt lợn có xu hướng biến động theo chiều hướng tăng trong thời điểm hiện tại, bởi thương lái đang tìm cách xuất lợn hơi sang Trung Quốc do được giá.

Cục Chăn nuôi dự báo tổng sản lượng thịt các loại cả năm 2012 đạt 4,3 triệu tấn - tăng 3,8% so với năm 2011, trứng gia cầm đạt 7,5 triệu quả- tăng 9%. Riêng Tổng Cty Chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị khoảng 470 tấn thịt gà, 450.000 quả trứng, 630 tấn thịt lợn và 280 tấn thịt bò để phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Quý Tỵ.

Sở Công Thương Hà Nội thông tin, hiện lượng hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán Quý Tỵ tương đối dồi dào. Sở đã chỉ đạo 15 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá, được UBND TP Hà Nội cho tạm ứng 376 tỷ đồng với lãi suất 0%, để  dự trữ hàng hóa thiết yếu. Các doanh nghiệp bình ổn giá tổ chức bán hàng thường xuyên tại 710 điểm bán hàng cố định có treo biển nhận diện, trong đó 345 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, 56 điểm bán tại các chợ, 6 điểm bán tại khu công nghiệp, khu chế xuất và hơn 78 bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, văn phòng...

CPI năm 2013 sẽ tăng 8%?

Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố, chỉ số CPI tháng 12 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 6,29% so với tháng 12 năm 2011. Đây là mức tăng so với tháng trước thấp nhất trong 8 năm qua tại Hà Nội. Còn theo Cục Thống kê TP.HCM, CPI tháng 12 ước tăng 0,17% so với tháng trước, đưa mức tăng của cả năm khoảng 4,1%.

Như vậy, lạm phát ở hai thành phố lớn trong năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng hai con số của năm 2011. Từ CPI của hai thành phố lớn cho thấy, CPI cả nước tháng 12 nhiều khả năng chỉ tăng khoảng 0,3%. Như vậy, lạm phát năm 2012 ở mức khoảng 6,8%. Theo các chuyên gia, thường tháng 12 hàng năm, mức tăng CPI thường khá  cao do nhu cầu mua sắm tăng lên dịp cuối năm, nhưng năm nay do Tết muộn cùng với việc thắt chặt chi tiêu nên chưa thấy hiện tượng tăng giá đột biến.

TS. Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết chỉ tiêu CPI cả năm nay chỉ tăng 6,81%. Dự báo, năm 2013, CPI năm 2013 có thể sẽ tăng, bởi lẽ, nhiều mặt hàng sẽ trong lộ trình điều chỉnh giá, trong đó đáng chú ý nhất có khoảng trên 30 tỉnh, thành sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo đó, CPI năm 2013 có thể tăng xoanh quanh mức 8% nhưng với điều kiện Chính phủ phải chủ động, nỗ lực cao trong chỉ đạo điều hành.

Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho hay, địa phương này có kế hoạch tăng cường công tác quản lý thị trường để kiểm soát việc tăng giá thông qua các khâu trung gian. Cụ thể, nhận định ngoài việc tăng giá đầu vào – đầu ra là sự tăng giá thực sự có lợi cho sản xuất kinh doanh, thì qua các khâu trung gian, khâu nào bị đầu cơ tăng giá nhằm trục lợi. “Qua đó, thông qua hoạt động quản lý, Nhà nước có biện pháp can thiệp để việc tăng giá đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp” – ông Hùng cho biết.

Còn các bà nội trợ “không nắm được” CPI và lạm phát là gì, chỉ biết, cứ cận Tết, với “cả tỉ” lý do đẩy các mặt hàng thiết yếu leo thang, thêm nữa, cùng với “sự đỏng đảnh của ông Trời” khiến các mặt hàng rau xanh “đội giá” ngất ngưởng, người tiêu dùng, trong bộn bề lo toan, buộc phải “tăng chi” nhiều hơn.

Mai Hoa

Đọc thêm