Gia tăng phụ nữ nhiễm HIV/AIDS vì... bất bình đẳng giới?!

Đó là kết quả sơ bộ và cũng là khẳng định của các nhà nghiên cứu về vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ và hiểu biết/hành vi về HIV tại Việt Nam. Điều đáng lo nhất sau khi nghiên cứu được công bố, đó là: Bạo lực gia đình và nguy cơ lây nhiễm HIV có mối liên quan với nhau và phụ nữ luôn là người phải gánh chịu hậu quả.

Đó là kết quả sơ bộ và cũng là khẳng định của các nhà nghiên cứu về vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ và hiểu biết/hành vi về HIV tại Việt Nam. Điều đáng lo nhất sau khi nghiên cứu được công bố, đó là: Bạo lực gia đình và nguy cơ lây nhiễm HIV có mối liên quan với nhau và phụ nữ luôn là người phải gánh chịu hậu quả.

Các quan hệ tình dục “ngoài luồng” làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV cho phụ nữ.
Các quan hệ tình dục “ngoài luồng” làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV cho phụ nữ.

Biết mình sẽ nhiễm HIV mà không dám tránh

Không thể không rùng mình khi nghe thông báo từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: Trong những năm gần đây, số phụ nữ nhiễm HIV đang có xu hướng gia tăng, phụ nữ chiếm tới 30% trong tổng số các ca nhiễm HIV mới được báo cáo vào năm 2010, trong khi những năm trước 2005, tỉ lệ này chỉ dưới 15%.

Th.S-BS.Mai Xuân Phương - Phó phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế khẳng định, nhiều phụ nữ bị nhiễm HIV do chính hành vi của họ (bán dâm, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người...), nhưng cũng có không ít phụ nữ bị lây nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình thông qua quan hệ tình dục không an toàn mà không hay biết.

Theo ông Phương, một phần là do bản thân người phụ nữ có thể thiếu kiến thức về HIV/AIDS, không thực hành hành vi tình dục an toàn; phần khác, ngay cả khi bản thân người phụ nữ có kiến thức dự phòng lây nhiễm HIV, thậm chí hiểu nguy cơ mình có thể bị lây nhiễm HIV từ chồng, bạn tình nhưng không dám yêu cầu hay đòi hỏi người chồng trì hoãn quan hệ tình dục hay sử dụng bao cao su (BCS) khi quan hệ tình dục mặc dù họ biết chồng có quan hệ với phụ nữ khác, trong đó có cả phụ nữ bán dâm...

“Có thể nói đây chính là hậu quả của tình trạng bất bình đẳng giới vốn vẫn đang tồn tại trong xã hội, theo đó, người phụ nữ thường ít được quan tâm đầu tư học hành; phụ nữ bị phụ thuộc vào chồng/bạn tình về kinh tế; phụ nữ thường không có quyền quyết định quan hệ tình dục khi nào, ở đâu, như thế nào... Trong khi đó, không ít người chồng/bạn tình nam của phụ nữ vẫn có quan hệ tình dục “ngoài luồng” nhưng ít bị lên án... làm tăng thêm nguy cơ lây nhiễm HIV cho phụ nữ” - BS Phương nhấn mạnh...

Bạo lực tình dục + ít sử dụng BCS = HIV

Theo BS.Chris Fontaine - Cố vấn về hợp tác UNAIDS Việt Nam, một nghiên cứu về tình trạng này tại Ấn Độ còn cho thấy, phụ nữ từng bị bạo lực thể xác và tình dục từ ba lần trở lên thường là người có HIV. Tại Việt Nam, tuy chưa thể kết luận chính thức về tình trạng này.

Nhưng, theo nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam thì trong số phụ nữ tiến hành xét nghiệm HIV, “những phụ nữ từng bị bạo lực về thể xác và tinh thần, hoặc đang bị bạo lực tinh thần ít khi thảo luận việc xét nghiệm HIV với chồng, cùng chồng đi xét nghiệm và thảo luận kết quả xét nghiệm”. Đặc biệt, “những người phụ nữ từng bị bạo lực tình dục cho biết, chồng/đối tác từng từ chối sử dụng BCS nhiều hơn; những phụ nữ hiện đang bị bạo lực tình dục ít sử dụng BCS hơn”.

Điều tra trong hơn 400 phụ nữ tiêm chích, phỏng vấn và nghiên cứu sâu 25 trường hợp, phỏng vấn với nhân viên y tế, nhà hoạch định chính sách, các thành viên nhóm tự lực của người sử dụng ma túy tại hai TP.Hà Nội và TP.HCM (do một nghiên cứu hợp tác giữa Việt Nam và Australia thực hiện) cũng đưa ra những thông tin gây sốc: Phụ nữ sử dụng ma túy có tỉ lệ tiêm chích hàng ngày và dùng chung bơm kim tiêm cao hơn so với nam tiêm chích ma túy tại các thành phố lớn.

Thậm chí, còn đáng lo ngại hơn khi họ tiết lộ, “chưa từng đi xét nghiệm HIV (một số phụ nữ ở TP. HCM) hoặc chưa từng xét nghiệm trong một năm trước đó (một số phụ nữ ở Hà Nội)”...

Còn có bao nhiêu phụ nữ nữa?

...“18 tuổi sinh con đầu lòng, 20 tuổi sinh con thứ hai. Thương lớn lên giữa sóng, gió và đất trời bao la hải đảo. Cô khỏe mạnh và vô tư như bao người dân xứ biển. Mãi đến cuối năm 2004, khi chồng cô có biểu hiện suy kiệt và xác định được HIV dương tính thì Thương mới theo lời khuyên của các bạn nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” đi xét nghiệm. Kết quả lần đầu tiên là âm tính. Nhưng số phận đã không mỉm cười với cô. Lần xét nghiệm thứ hai sau đó ba tháng cho kết quả dương tính…”.

 “Chị Sót không biết chữ, không biết đi xe đạp. Nơi xa nhất mà chị từng tới có lẽ là TP Nha Trang chỉ cách nhà chưa đầy 10km. Cuộc sống lam lũ nhưng phẳng lặng của người phụ nữ nông thôn chất phác, ít giao tiếp nên chị không biết HIV là gì, càng không thể nghĩ đến việc mình có thể nhiễm HIV. Thậm chí khi chồng mất năm 2001. Chị và bốn người con cũng không tưởng tượng đến chuyện đó. Mãi một năm sau chị mới biết mình mang vi rút…”

Đó là những nhân vật hoàn toàn có thật trong cuộc sống. Câu chuyện đầy nước mắt của họ được đăng tải trên cuốn sách “Cuộc sống vẫn tiếp diễn” do Qũy Ford tài trợ in ấn. Đó cũng là những nhân vật rất điển hình cho vấn đề mà chúng tôi đang đề cập tới. Ngoài họ ra, còn có bao nhiêu phụ nữ nữ nữa đã, đang và sẽ chịu chung cảnh ngộ như vậy, nếu chúng ta không có một can thiệp kịp thời?

Trà Long

Đọc thêm