Giá trị của sự sum họp

(PLO) - Năm đã gần hết, tết đã gần đến, đây là thời điểm mà mọi người đều nghĩ đến sự sum họp gia đình, mong muốn đầm ấm yên vui. Đó là nguồn năng lượng của cuộc sống, giá trị tinh thần của cuộc đời mà chỉ khi không thể thực hiện được cái tưởng như rất bình thường ấy, người ta mới thấy hết ý nghĩa to lớn của nó.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Hầu như tất cả các bị cáo trong vụ xét xử đại án vừa qua khi được nói “lời sau cùng” đều nhắc đến gia đình, đều mong muốn sum họp, đều khẩn cầu Hội đồng xét xử cho phép mình được “đón tết tại nhà”. Cái ước nguyện của một bị cáo mong được ăn tết cùng cha già, vợ con cái tết cuối cùng để rồi vào tù đã khiến nhiều người thương cảm. Thế nhưng, ngay cả ước nguyện nhỏ nhoi đó cũng khó mà thành hiện thực khi bản thân đang vướng vòng lao lý và cũng như một sự trừng phạt tất yếu đối với những sai lầm mà mình phạm phải.

Tiếc thay, những người giờ đang hướng về gia đình với ước nguyện sum họp ấy lại là những người cán bộ có cương vị, là niềm tự hào của cha mẹ, vợ con, dòng họ, bạn bè,... Cho nên, chúng ta càng thấy cái giá phải trả cho những sai lầm đắt đến nhường nào. Họ có thể ăn nhiều cái tết giá trị vài tỷ đồng với đủ thứ sắm sanh, với những lời chúc tốt đẹp, với sự trọng vọng vây quanh trong ánh hào quang thành đạt nhưng đến giờ thì một cái tết đạm bạc trong gia đình cũng trở nên quá xa xỉ đối với họ.

Hiểu được giá trị của sự sum họp thì càng thương cảm cho những người lao động xa quê do những lý do tiền bạc mà đành ở lại đón tết nơi đất khách, quê người. Lại càng thấy sự kinh doanh thiếu đạo đức khi nhăm nhe tăng vé xe, vé tàu trong những ngày lễ, tết khiến nhiều người không thể về quê. Lại càng biết coi trọng nghĩa cử, tình người khi các tổ chức Công đoàn ở một tỉnh phía Nam “bao” toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở cho hàng ngàn lao động về quê đón tết.

Tết chỉ có ý nghĩa khi gia đình sum họp, còn lại sự ăn tết, chơi tết, sắm tết mang tính chất phụ trợ và tô điểm thêm cho sự đoàn viên đầm ấm mà thôi. Lại giật mình khi có những ý kiến đề xuất bỏ Tết âm lịch truyền thống để chỉ dành cho một cái Tết tây nhằm tiết kiệm thời gian vật chất và sức lao động cùng với nhiều lý do khác nữa. Song, thử tưởng tượng xem, nếu không có Tết vào đúng dịp xuân, phơi phới mối giao hòa trời đất với lòng người.

Để chuẩn bị cho một cái tết theo đúng nghĩa “vui như tết” là góp nhặt thành quả của một năm lao động miệt mài. Và không chỉ một năm, có thể phải tích tụ cả một đời người gìn giữ phẩm cách, lối sống, chăm chỉ làm ăn, trung thực,... thì mới có cái tết yên ổn, vui tươi bên những người thân yêu.

Tết bình dị đến với mọi nhà, mọi người nhưng không phải ai cũng được hưởng sự bình dị đó. Chúng ta có thể nhận ra điều đó qua những diễn biến đang xảy ra trong thời điểm tết đã cận kề này!

Đọc thêm